Trong hơn hai mươi năm qua, trò chơi truyền hình (gameshow và reality show) trên màn ảnh HTV luôn được đông đảo khán giả hào hứng đón nhận, bởi không chỉ giải trí lành mạnh mà còn truyền tải những giá trị nhân văn tích cực và kiến thức bổ ích!
Chương trình "Chung sức"
Gameshow: Vừa giải trí vừa cung cấp kiến thức
Gameshow là thể loại giải trí truyền hình thông dụng trên thế giới từ những năm 1950. Nhưng ở Việt Nam, giữa thập niên 1990, gameshow mới xuất hiện và “nở rộ” ở những năm đầu thập niên 2000 nhờ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chương trình truyền hình có bước phát triển mạnh.
Phần lớn gameshow phát sóng ở Việt Nam đều mua bản quyền nhưng có chọn lọc để phù hợp với đất nước, con người, văn hóa và thị hiếu của khán giả Việt Nam. Nhìn chung, mỗi gameshow phải hội tụ cả hai yếu tố: vừa chơi vừa học. Bởi đòi hỏi sự đầu tư khá cao về nhân lực lẫn kinh phí nên để có thể tổ chức cùng lúc nhiều gameshow, Đài truyền hình phải mở rộng việc hợp tác với các công ty có khả năng tìm kiếm và tổ chức sản xuất gameshow.
Từ năm 2000, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) chính thức tổ chức sản xuất gameshow trong xu hướng “xã hội hóa”. Vui để học và Trúc xanh là hai chương trình đánh dấu sự “vào cuộc” game show của HTV. Trong đó Vui để học dành cho học sinh, sinh viên ôn tập và mở rộng kiến thức, còn Trúc xanh dành cho khán giả khám phá kho tàng ca dao, văn học dân gian. Vui cùng Hugo, Nốt nhạc vui và Rồng Vàng (2003) là kết quả từ thương thuyết của HTV với các tập đoàn truyền hình và giải trí lớn trên thế giới để “bắc cầu” cho những gameshow sau.
Vui cùng Hugo
Khoảng năm 2004 -2007 là giai đoạn “nở nồi” của gameshow. Có thể kể như Chung sức, Hát với ngôi sao, Nhịp sống sôi động, Stinky & Stomper, Năng động, Mọi người cùng thắng, Kim tự tháp, Siêu thị may mắn, Quà tặng tri thức, Chuyện nhỏ, Đi tìm ẩn số, Ai nhanh hơn, Chúc mừng sinh nhật, Tam sao thất bản, Hội ngộ bất ngờ… tạo không khí rất sinh động trên màn ảnh nhỏ.
Nhờ có tính giải trí thuần khiết, hay cung cấp kiến thức bổ ích, không gây thị phi trong dư luận nên nhiều gameshow kể trên gây được hiệu ứng cao. Đặc biệt, Chung sức (phát sóng từ 2004) từng chiếm vị trí quán quân về số lượng người xem thể loại gameshow của HTV. Stinky & Stomper mang tính tương tác và đối kháng cao, tạo nhiều hứng thú cho người chơi, với các trò chơi như trượt nước, bắn bi, đua xe gỗ, trượt tuyết…
Sau năm 2007, thể loại reality show (truyền hình thực tế - THTT) bắt đầu thâm nhập vào màn ảnh nhỏ Việt Nam. Nếu gameshow chỉ là tương tác giữa các người chơi, khán giả đóng vai trò thụ động thì với reality show, khán giả có quyền thể hiện sự ủng hộ người chơi bằng tin nhắn, bằng các “cơn bão” truyền thông…
Từ năm 2009 -2011, nhiều gameshow phải dừng lại để nhường sóng cho THTT. Những năm sau này và hiện nay trên HTV vẫn duy trì một số khung giờ cho gameshow vừa giải trí vừa bổ sung kiến thức, không quá đòi hỏi về quy mô dàn dựng hay cách thức truyền thông. Bởi game show dạng này vẫn luôn có lượng khán giả “cứng” nhất định và vẫn hiện diện trong dòng chảy của trò chơi truyền hình nói chung. Có thể kể đến loạt gameshow như Đi tìm ẩn số (2005-2017), Ai thông minh hơn học sinh lớp 5? Vừng ơi mở cửa, Sàn đấu thời gian, Người đứng vững, Đào thoát, Nhanh như chớp, Đặc nhiệm Blouse trắng, Thiên đường ẩm thực, Giải mã cơ thể, Úm bala ra chữ gì, Siêu bất ngờ, Đối mặt thời gian… có chủ đề liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của kho tàng kiến thức.
Thu hút khán giả bằng sức mạnh tự thân
Những chương trình reality show (THTT) đầu tiên trên HTV như Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước (từ năm 2005) được đánh giá là mang đậm hơi thở cuộc sống, sinh động và gần gũi khi người tham gia thể hiện tất cả cảm xúc chân thật của mình. Đó là ưu điểm mà khán giả khó tìm thấy ở game show.
Năm 2007, Thần tượng âm nhạc Việt Nam (Vietnam Idol) lên sóng lần đầu trên HTV đã nhanh chóng thu hút được lượng lớn khán giả theo dõi. Con số hàng chục ngàn lượt thí sinh đăng ký dự thi trên cả nước cho thấy sức hút rất lớn của Vietnam Idol các mùa sau ( 2008, 2009). Tiếp đó, Chinh phục đỉnh Everest (2008) cũng thu hút được sự theo dõi của đông đảo khán giả nhờ tính mới, lạ, hấp dẫn vì nhiều tình huống cam go của những “dũng sĩ leo núi” phải đối mặt với bao thử thách khắc nghiệt của đỉnh núi Everest. Hành trình kết nối những trái tim (2008) theo chân các thanh niên độc thân trên đường tìm kiếm một nửa còn lại; rồi Lữ khách 24h (2009) dành riêng cho các nghệ sĩ trải nghiệm ở những vùng quê xa… cũng nhanh chóng thu hút đông đảo khán giả.
Chinh phục đỉnh Everest
THTT bắt đầu “nở rộ” từ năm 2010 khi những format nước ngoài được mua bản quyền để sản xuất tại Việt Nam. Từ đó đến hiện nay, theo xu hướng chung của từng năm, trên màn ảnh HTV xuất hiện nhiều chương trình thi tài năng (ca hát, nhảy múa, diễn xuất, võ thuật) hay khám phá, trải nghiệm, hẹn hò… dành cho đủ đối tượng người tham gia, khách mời từ trẻ em đến người cao tuổi, người dân bình thường đến nghệ sĩ chuyên nghiệp, như: Bạn đường hợp ý, Thử thách cùng bước nhảy, Tôi là người chiến thắng, Cuộc đua kỳ thú, Thử tài thách trí, Người hùng tí hon, Đấu trường võ nhạc, Quý ông hoàn hảo, Khởi đầu ước mơ, Giọng ải giọng ai, Nhạc hội song ca, Nhà chung, Mặt nạ ngôi sao, Giọng ca bí ẩn, Kỳ tài thách đấu, Đúng là một đôi, Cho phép được yêu, Chạy đi chờ chi... Hầu hết chương trình THTT của HTVđều thu hút khán giả bằng chất lượng tự thân từ nội dung đến dàn dựng, nói “không” với các chiêu trò PR thiếu lành mạnh dù luôn phải cạnh tranh gay gắt về chỉ số rating.
Chạy đi chờ chi
Song song với việc theo xu hướng chung của thị trường, đáng kể là THTT trên màn ảnh HTV còn có những điểm khác biệt hay tạo nên dấu ấn riêng đậm nét của những ê kíp sản xuất có tâm, có tầm. Đó là những chương trình THTT truyền cảm hứng và có giá trị nhân văn, từ thiện được khởi đầu từ Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước, Hát mãi ước mơ, Tiếng hát mãi xanh… Hay trong thời điểm xuất hiện rất nhiều chương trình THTT về thi tài năng ca hát, biểu diễn… thì HTV vẫn rất quan tâm đến việc cho ra đời và phát triển các trò chơi truyền hình tôn vinh các giá trị gia đình, tình yêu như Gia đình tài tử, Hành trình kết nối những trái tim, Ý phái đẹp lời phái mạnh, Vợ chồng son, Hát cùng mẹ yêu; dành cho cha mẹ và con cái ở tuổi đến trường như Về trường, Ước mơ của em, Cha con hợp sức, Con đã lớn khôn, Vui cùng hoa lúa, Hành trình xanh, Bố là số 1…
Một điểm đáng kể nữa là dù vẫn “nắm” nhiều định dạng nước ngoài, HTV vẫn đầu tư cho khá nhiều chương trình THTT định dạng thuần Việt, như: Tôi là người dẫn đầu, Tiếu lâm bách nghệ, Tiếng hát mãi xanh, Phái mạnh Việt, Lần theo dấu vết, Khoảnh khắc sinh tử, Đặc nhiệm blouse trắng, Điệp vụ đối đầu, Đường đến danh ca vọng cổ, Hát cùng mẹ yêu, Gương mặt điện ảnh, Dạ khúc tình yêu, Mãi mãi thanh xuân, Thử thách 99 giây cùng Quyền Linh… đề cao sự chia sẻ, gắn kết cộng đồng, định hướng người xem đến các giá trị chân - thiện - mỹ.
Cũng cần phải kể thêm một “đặc sản” trên màn ảnh HTV là các chương trình THTT hài hước luôn đạt rating khán giả rất cao trong nhiều năm qua, như Bí mật đêm chủ nhật, Biến hóa hoàn hảo, Hội ngộ danh hài, Thách thức danh hài, Người bí ẩn, Đấu trường tiếu lâm, 7 nụ cười xuân… Đây là “sân chơi” quy tụ nhiều nghệ sĩ hài tên tuổi như Hoài Linh, Việt Hương, Chí Tài, Trường Giang..., đồng thời phát hiện nhiều gương mặt mới, bồi dưỡng tài năng cho nhiều nghệ sĩ trẻ của làng hài được đông đảo khán giả yêu thích.
Nhìn bao quát mặt bằng trò chơi truyền hình thời gian qua và hiện nay đều đã đề cập đến đủ các thể loại từ thi tài năng, vận động, hài hước, thử thách… đến đề tài xã hội, đời sống, văn hóa, giải trí. Bởi vậy, để khán giả bớt nhàm chán, HTV luôn chú trọng đổi mới và chọn lọc để cho ra đời những chương trình THTT mới lạ, thú vị có sự kết hợp giữa các lĩnh vực. Trong năm 2020, HTV có thêm nhiều trò chơi truyền hình mới lên sóng: Ca sĩ giấu mặt, Gia đình thông thái, Góc bếp thông minh, Tâm đầu ý hợp…vẫn mang đậm nét riêng và truyền tải những giá trị lành mạnh, tích cực.
Phúc Gia Khanh