“Tay ngang" làm MC trò chơi truyền hình: Nam diễn viên hài đắt show hơn

“Tay ngang” xuất thân từ giới nghệ sĩ làm MC trò chơi truyền hình (gameshow, truyền hình thực tế) thành công khá nhiều, nhưng các nam diễn viên hài vẫn đắt show hơn. Bởi thế mạnh của họ là sự hoạt ngôn, hài hước, khả năng ứng biến nhanh nhạy.

Trấn Thành làm MC cho Giọng ca bí ẩn

Thời trò chơi truyền hình “nở nồi”, ca sĩ - diễn viên, người đẹp, hoa hậu, người mẫu… lấn sân làm MC rất nhiều. Trong số đó không ít người như: Ngô Kiến Huy, Hoài Linh, Xuân Bắc, Quyền Linh, Phan Anh, Bình Minh, Cát Tường… đã gặt hái được thành công, nhận về những giải thưởng như Mai Vàng, HTV Awards ở lĩnh vực MC “tay trái” bởi tài năng và sự đóng góp, thậm chí tên tuổi còn nổi tiếng hơn so với thời làm nghề “tay phải” trước đó. Tuy nhiên những nam diễn viên hài như Hoài Linh, Xuân Bắc, Trấn Thành, Trường Giang, Đại Nghĩa, Đình Toàn, Quốc Thuận, Mạc Văn Khoa, Anh Đức có phần đắt show hơn. Đặc biệt với nhiều trò chơi truyền hình yêu cầu sự hài hước, tăng động thì nam diễn viên hài gần như “bao show”. Có những thời điểm, khán giả từng quên mất họ là diễn viên sân khấu “lấn sân” làm MC.

Trường Giang - Trấn Thành - Đại Nghĩa cùng tham gia Giọng ải giọng ai 2019

Ở thời điểm gần đây, dù Hoài Linh ít xuất hiện nhưng Trấn Thành, Trường Giang, Đại Nghĩa vẫn tiếp tục “nhẵn mặt” ở  vai trò MC của nhiều trò chơi truyền hình “ăn khách” được phát sóng trên các kênh truyền hình lớn của HTV bởi lối dẫn cuốn hút, khả năng hoạt ngôn và khiếu hài hước trời cho. Cụ thể, Đại Nghĩa đang làm MC cho các trò chơi truyền hình: Đầu bếp thượng đỉnh, Khi chàng vào bếp, Giọng ải giọng ai; Trấn Thành làm MC cho Giọng ca bí ẩn, Người ấy là ai, Nhanh như chớp nhí; còn Trường Giang thì “cầm mic” Nhanh như chớp, Người bí ẩn, Muốn ăn phải lăn vào bếp, Ai là số 1, Kỳ tài thách đấu… Bên cạnh đó, ba diễn viên hài này còn đảm nhận vai trò giám khảo hay đội chủ nhà của một số trò chơi. Trong khi đó, Quốc Thuận, Đình Toàn, Mạc Văn Khoa, Anh Đức cũng đang là những diễn viên hài có duyên “cầm mic” ở một số trò chơi truyền hình khác. 

Trường Giang làm MC cho Kỳ tài thách đấu

Thực tế đã chứng minh, thế mạnh của các nam diễn viên hài kể trên chính là sự hoạt ngôn, hài hước, khả năng ứng biến nhanh nhạy trước những tình huống sân khấu. Đây cũng là lợi thế rất lớn, góp phần tạo hiệu ứng cho các trò chơi truyền hình có nội dung đặc sắc, ý nghĩa, giải trí cao, nhận được khá nhiều sự đón nhận tích cực từ cộng đồng khán giả và lọt vào top rating cao hoặc rất cao. Những trò chơi truyền hình do Trấn Thành, Trường Giang, Đại Nghĩa làm MC cũng đồng thời lọt top trending (top thịnh hành) trên YouTube. Để lại bình luận sau mỗi tập phát sóng, nhiều khán giả khen ngợi sự thông minh, dí dỏm, linh hoạt của các nam diễn viên hài này. 

Không chỉ thu hút khán giả từ việc trực tiếp “cầm mic” trên sân khấu mà các nam diễn viên hài rất chịu khó  sử dụng tài lẻ để giúp thêm cho trò chơi truyền hình mà họ đang tham gia trở nên thu hút hơn. Trấn Thành thi thoảng vừa dẫn chương trình vừa hát vừa diễn xuất; còn Trường Giang làm hẳn một kênh YouTube dạng trải nghiệm thực tế liên quan đến nấu ăn vì nhiều khán giả biết “Mười Khó” - biệt danh của anh ở lĩnh vực diễn hài trên sân khấu kịch - có tài trong việc bếp núc. Chưa kể, các nam diễn viên hài như Trấn Thành, Đại Nghĩa, Trường Giang, Mạc Văn Khoa… còn sở hữu số lượng người hâm mộ khá đông đảo. Bởi vậy, mỗi khi thông tin về trò chơi truyền hình nào đó mà họ đang “cầm mic” xuất hiện trên trang fanpge cá nhân, đều thu hút hàng trăm ngàn, đến hàng triệu lượt “like” (thích) hoặc “view” (xem).

Đại Nghĩa (thứ 3 từ phải sang) “cầm mic” cho Khi chàng vào bếp

Dù vậy, cũng không khó để tìm thấy “điểm yếu" của các nam diễn viên hài khi dẫn chương trình. Đó là sự bông đùa quá đà hay "diễn" quá sâu, “vạ miệng” bởi phát ngôn, nhận xét cảm tính hoặc bị chỉ trích kém duyên khi nói “hớ”, vô tình “bóc mẽ” chuyện đời tư của người chơi, khách mời, giám khảo. Chẳng hạn, nam diễn viên hài Trường Giang sau vài lần bị chỉ trích, đã từng bày tỏ về sự  tiếp thu những ý kiến đóng góp của khán giả để ngày càng làm tốt hơn vai trò MC ở tất cả các trò chơi truyền hình mà anh tham gia với tinh thần phục vụ, cống hiến.

Thực sự cũng không nên quá khắt khe với các nam diễn viên hài hay các nghệ sĩ “tay ngang” làm MC cho các trò chơi truyền hình. Bởi lẽ, hiện nay đội ngũ MC chuyên nghiệp – những người hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực MC không đông đảo. Đó là do sự phát triển mạnh mẽ của các chương trình giải trí trên sóng truyền hình và chưa có trường đào tạo MC chuyên nghiệp, mà chỉ có những khóa đào tạo ngắn hạn. Sự xuất hiện của đội ngũ MC “tay ngang” xuất thân từ nhiều lĩnh vực khác nhau là tất yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển của các chương trình giải trí trên truyền hình.

Quốc Thuận dẫn chương trình cho Vợ chồng son

Tuy không thể sánh với một MC chuyên nghiệp, nhưng để đạt được thành công ở lĩnh vực MC thì các nam diễn viên hài không chỉ phát huy kỹ năng có sẵn (ca hát hay diễn xuất, nhảy múa) mà còn phải trau dồi, tập luyện nhiều kỹ năng khác như sự hoạt ngôn, cách diễn đạt ngôn từ, cách xử lý tình huống, sự đa năng, sự ứng biến… cũng như phải thu nạp kiến thức xã hội để đáp ứng yêu cầu dẫn dắt những dạng trò chơi truyền hình khác nhau. Bởi MC là người truyền tải ý tưởng của cả ê kíp thực hiện chương trình đến với khán giả và cũng là người kết nối họ với chương trình. 

Nếu đứng trên sân khấu, MC muốn nói gì thì nói, thì có lúc không tránh khỏi bị khán giả cảm thấy nhàm chán, thậm chí tẩy chay. Các nam diễn viên hài như Trấn Thành, Đại Nghĩa, Trường Giang hay Quốc Thuận, Đình Toàn đứng được ở vai trò MC cho những trò chơi truyền hình trải qua nhiều mùa phát sóng, chỉ số rating cao hay được “chọn mặt gửi vàng” cho những chương trình mới là nhờ được đông đảo khán giả yêu thích.

Đan Khanh