Không dừng lại ở mức chỉ là một bộ phim hoạt hình với nền màu sắc tươi sáng, nhí nhảnh, “Teen Titans làm phim” (Teen Titans Go! To The Movie) còn mang đến cho khán giả nhiều thông điệp gần gũi, thú vị.
Cảnh phim bắt mắt của Biệt đội siêu anh hùng Teen Titans (Teen Titans Go!)
Trải qua vô vàn sóng gió, những lời chê bai, phàn nàn của vô số người hâm mộ đa phần có tuổi thơ lớn lên cùng series “Teen Titans” giai đoạn 2003-2006, Biệt đội siêu anh hùng Teen Titans (Teen Titans Go!) chứng minh được hướng đi mới của mình là hoàn toàn đúng đắn, ít nhất là ở phương diện kinh tế, và dần được công nhận nhiều hơn.
Cốt truyện
Teen Titans làm phim (Teen Titans Go! To The Movie) kể về những trợ tá siêu anh hùng, tuy ít được xã hội coi trọng thậm chí còn bị cho là bọn dở hơi, nhưng họ vẫn yêu đời, cố gắng phát huy bản thân. Bối cảnh Teen Titans làm phim áp đặt thước đo thành công của một nhóm siêu anh hùng bằng việc họ phải có được bộ phim dành cho riêng mình.
Những anh hùng như: Superman, Batman, Wonder Woman hay Aquaman… đều đã có cho riêng mình những bộ phim được công chiếu và khán giả đón nhận. Nhóm Teen Titans tin rằng đã đến lúc mình được làm phim và đặc biệt là đội trưởng Robin luôn khao khát có một bộ phim dành cho riêng mình. Chính vì mong ước đó đã đẩy cả nhóm đến những cuộc phiêu lưu hấp dẫn, xích mích tranh chấp và tan vỡ đổ nát.
Những thành viên của Biệt đội Teen Titans
Diễn biến lẫn cấu trúc nội dung phim tương đối chắc chắn nếu dựa trên tiêu chuẩn là một phim dành cho thiếu nhi. Các tình huống, tình tiết của phim không quá phức tạp, nhưng được vay mượn khôn khéo, tinh tế từ những chất liệu bên ngoài khiến trải nghiệm khi xem là vô cùng thú vị và phong phú. Các nút thắt cũng như cách tháo nút của Teen Titans làm phim cũng nhanh gọn, nội dung không quá chú trọng đến việc đánh đố, thử thách người xem, mà trải nghiệm về giải trí, hài hước, âm nhạc mới là quan trọng.
Âm nhạc
Teen Titans làm phim vẫn tuân theo công thức chung của các phim hoạt hình dành cho thiếu nhi gần đây: Kể chuyện kết hợp với âm nhạc.
Và giống với Người Dơi Lego (Batman The Lego Movie) thì Teen Titans làm phim đưa vào rất nhiều thể loại âm nhạc từ pop, rock, rap… có những bài hát sôi động, có những khúc nhạc sâu lắng phối hợp nhịp nhàng theo từng cung bậc cảm xúc của nhân vật và tình tiết phim.
Mọi cảnh quay đều tràn đầy âm thanh và màu sắc
Bài nhạc thú vị nhất có lẽ là đoạn rap giới thiệu từng nhân vật thành viên của Biệt đội siêu anh hùng Teen Titans, và khán giả sẽ được thưởng thức ít nhất hai lần trong bộ phim. Ngoài ra, các theme song (bài hát chủ đề) hay original soundtrack (nhạc nền gốc) của một số nhân vật DC nổi tiếng cũng có cơ hội vang lên.
Đồ họa
Teen Titans làm phim cũng rất đa dạng trong thể hiện các nét vẽ biến đổi sao cho phù hợp với từng diễn biến của câu chuyện. Trong đó, các nét vẽ hoạt hình truyền thống của kiểu phim Disney được áp dụng cho một số cảnh chiêm bao. Nét vẽ của các phim hoạt hình DC thời 90s cũng được áp dụng nhằm tri ân đến huyền thoại sống Bruce Timm. Kiểu múa rối (với nét vẽ kĩ thuật số) làm tăng thêm sự đa dạng về chất liệu của bộ phim và thể hiện sự táo bạo của nhà sản xuất.
Với kinh phí sản xuất không cao, nhưng Teen Titans làm phim đã được đầu tư rất công phu về mặt hình ảnh và tỉ mỉ trong từng khung hình.
Đồ họa miễn chê của phim
Thông điệp thâm thúy
Có nhiều người nhận xét, nói một cách khác, Teen Titans làm phim là một phiên bản hoạt hình của Deadpool dành cho mọi lứa tuổi. Lí do là bởi vì bằng cách lồng ghép những nhân vật cameo một cách đầy ẩn ý, nhằm đả kích, trêu ghẹo khéo léo một số nhân vật, sự việc trong giới văn hóa đại chúng, thậm chí “chủ nhà” Warner Bros và DC còn bị chính “đứa con” của mình “bóc phốt” tả tơi. Sau đây là một vài ví dụ điển hình
Stan Lee: Đây không phải là điều quá ngạc nhiên vì chính Warner Bros đã tung clip trên trang xã hội của họ nhằm kéo người hâm mộ đi xem. Stan Lee xuất hiện với một thông điệp rất đáng trân trọng là muốn xóa tan những mâu thuẫn và định kiến của fan hâm mộ hai bên của DC và Marvel.
Stan Lee đã có một màn cameo trong phim
Deadpool và Ryan Renolds: Đây là hai nhân vật có nhiều “ân oán” với DC. Khi việc nam diễn viên Ryan Renolds từng tham gia bộ phim Lồng đèn xanh (Green Lantern 2011) là cú vấp lớn trong sự nghiệp. Còn Deadpool đã không ít lần “ném đá” DC trong phần 2 bộ phim cùng tên của hắn.
Một chi tiết "Lồng đèn xanh" trong Teen Titans làm phim đã khơi gợi lại bộ phim thất bại năm 2011, một câu đùa nhắm vào cả phía DC lẫn Ryan Renolds. Không những thế, “kẻ xấu” trong bộ phim, Slade (Deathstroke) lại bị nhóm Teen Titans gọi nhầm thành Deadpool, nhằm ám chỉ gã bựa nhân áo đỏ chỉ là đồ nhái.
Trở về tương lai: Bộ phim có cảnh các thành viên Teen Titans di chuyển xuyên không thời gian để ngăn chặn các siêu anh hùng ra đời, điều đó sẽ khiến họ trở thành những anh hùng duy nhất trên Trái đất. Đây là một đoạn rất lỗi logic đặc biệt là với Robin, nhưng vì khuôn khổ là một phim cho trẻ em nên không cần phải bắt bẻ nhiều. Cảnh phim này có sử dụng nhạc nền của phim Trở về tương lai (Back to the Future), đồng thời Robin cũng hô lên khẩu hiệu tương tự.
Tóm lại, Teen Titans làm phim là một bộ phim hết sức thú vị, đem lại những tràng cười sảng khoái và đặc biệt kích thích hơn khi người xem có nhiều kiến thức về văn hóa đại chúng, hoặc chí ít là trong giới hâm mộ siêu anh hùng. Bộ phim đem tới cho khán giả những bài học gần gũi, quen thuộc mà đôi khi vì một lý do nào đó mà chúng ta đã bỏ quên trong tiềm thức của mình. “Teen Titans Go! To the Movie” nói riêng và “Teen Titans Go!” nói chung xứng đáng được tôn trọng và đối xử tử tế hơn trong lòng những người hâm mộ thương hiệu Teen Titans và DC.
“Teen Titans làm phim” (Teen Titans Go! To the Movie) phát sóng vào lúc 17g30 thứ sáu ngày 12/07/2019 trên kênh HBO thuộc hệ thống HTVC. Mời bạn đọc đón xem.
Song Anh