"Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ" là phần tiếp theo của “Thế giới khủng long” ra mắt năm 2015. Cả hai tựa phim đóng vai trò tái khởi động cho thương hiệu điện ảnh kinh điển “Công viên kỷ Jura” từng do Steven Spielbe cầm trịch.
Poster phim Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ
Sau sự kiện công viên giải trí Jurassic World bị hủy diệt bởi các loài khủng long được lai tạo tại đây, chính phủ quyết định xem loài bò sát khổng lồ này như một mối hiểm họa cần dè chừng. Trong khi đó, Claire Dearing (Bryce Dallas Howard) cùng các đồng sự lại kiên quyết đấu tranh vì sự sống của chúng. Chính điều này đã đưa đẩy cô đến với Sir Benjamin Lockwood - một nhà tài trợ tuyên bố rằng ông ta có thể xây dựng “địa đàng” mới dành riêng cho loài khủng long.
Trong phần hai, “Sao Chúa” Chris Pratt trở lại với vai diễn tay huấn luyện khủng long kỳ cựu Owen Grady. Anh đồng hành cùng Claire đến hòn đảo Isla Nublar với hy vọng có thể sơ tán các sinh vật khổng lồ kịp thời. Nhưng từ khi bước chân lên hòn đảo, những người hùng của chúng ta nhận ra nhiều hiểm nguy và bí mật đen tối đang chờ đón họ.
Như đã trở thành truyền thống, các phần phim của thương hiệu “Công viên kỷ Jura” sẽ có tuyến phản diện là một loài khủng long lai tạo vô cùng khát máu. Trong Thế giới khủng long (Jurassic World), loài bạo chúa Indominus Rex đã khiến người xem kinh hoàng bởi kích cỡ cũng như ngoại hình rùng rợn của mình. Ở phần hai, chuỗi gene của “con ác quỷ bạch tạng” được dùng để khai sinh một loài quái vật mới đáng sợ không kém - Indoraptor.
Con quái vật này là tâm điểm của Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ (Jurassic World: Fallen Kingdom), gieo rắc nỗi kinh hoàng trong mỗi phân cảnh mà nó xuất hiện. Tuy có kích cỡ nhỏ hơn Indominus, nhưng Indoraptor sở hữu sự ma mãnh khôn lường. Chính vì độ khát máu của loài khủng long này, nhiều phân cảnh trong phần hai thót tim không thua gì phim kinh dị.
Khủng long khát máu Indoraptor
Đây cũng là điều dễ hiểu, khi chiếc ghế đạo diễn phần này thuộc về J.A. Banoya, bộ não đứng đằng sau tựa phim kinh dị Tây Ban Nha nổi tiếng Cô nhi viện (The Orphanage 2007). So với đạo diễn Colin Trevorrow của phần trước vốn tập trung vào những trường đoạn rượt đuổi với nỗi sợ hãi đầy tính trực diện, thì Banoya lại chọn cách “hù dọa” người xem bằng những cảnh phim giật gân, bất ngờ và đầy ám ảnh.
Ngoài ra, những loài khủng long từng gây choáng ngợp trong phần một như T-Rex, Triceratops hay Mosasaurus... cũng xuất hiện dàn trải xuyên suốt phim. Những sinh vật khổng lồ vẫn kì vĩ và đáng gờm, nhưng những ai đã từng xem qua phần một hẳn sẽ mất đi yếu tố bất ngờ khi chúng xuất hiện.
Người xem không còn cảm thấy hào hứng khi nhìn thấy loài cá sấu cổ đại đớp mồi, hay hòa cùng nhịp tim đập thình thịch của nhân vật khi chứng kiến loài Khủng long bạo chúa chầm chậm bước ra từ trong bóng tối. Có thể nói đây là điểm trừ nhỏ của phim, khi vẫn đảm bảo đủ “lượng” nhưng “chất” thì suy giảm khá nhiều.
Điều này khá dễ lý giải, khi Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ trừ trường đoạn ở đảo Isla Nublar thì thiếu hẳn ngoại cảnh, máy quay chủ yếu chỉ đặt trụ quanh điền trang của gia tộc Lockwood. Không còn những góc quay rộng, các cảnh chiến đấu của những loài khủng long không thể bao quát toàn diện, liên tục cắt cảnh, nên những ai đã mê đắm với phần một khá hụt hẫng.
Khung cảnh hoành tráng không cứu được kịch bản thiếu tính đột phá của phim
Khi thế giới hoang dã không được khai thác triệt để, nhóm biên kịch quyết định gửi gắm vào phim nhiều thông điệp “nặng kí” hơn. Đây tưởng chừng sẽ là điểm cộng, nhưng nỗ lực tỏ ra sâu sắc “quá lố” khiến cho kịch bản của phim chậm chạp, lan man.
Nhiều vấn đề của thế giới đời thực được đưa vào Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ như quyền sống còn của loài khủng long, cũng như nạn buôn bán trái phép các sinh vật quý hiếm. Song, những chi tiết này ở nửa sau phim lại bị khai thác quá sơ sài và gượng ép, dẫn đến việc mọi thứ liên quan đến mặt cảm xúc của người xem đều chỉ gói gọn bằng từ “chưng hửng”.
Chưa hết, tựa đề “Vương quốc sụp đổ” mang đầy tính sử thi, trong khi đó bản thân bộ phim lại sở hữu nhịp điệu “bình bình”, thiếu đột phá. Dù các fan gạo cội đã chấp nhận rằng phần thứ hai “xào nấu” lại một kịch bản y hệt phần một, thì việc độ hoành tráng suy giảm không khỏi khiến họ thất vọng.
Công bằng mà nói, Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ vẫn sở hữu những phân đoạn ấn tượng, như trường đoạn “Vương quốc khủng long” bị sụp đổ rất giàu cảm xúc, đủ khiến những tín đồ của loạt phim phải thổn thức. Song, tuyến nhân vật con người lại khiến những trường đoạn này mất dần cảm xúc, khi cả Chris Pratt lẫn Bryce Dallas Howard không hề có sự phát triển tâm lý nhân vật cần thiết; trong khi đó họ từng diễn rất ăn ý trong phần một.
Cảnh quay trong phim thiếu ngoại cảnh và chỉ tập trung trong nhà Lockwood
Nhìn chung, Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ vẫn làm tròn vai trò của một bom tấn giải trí. Tuy nhiên, đúng với nhận định của một số nhà phê bình nước ngoài, tác phẩm là một bước lùi của thương hiệu “Công viên kỷ Jura”, một phần tiếp theo có-hay-không-cũng-được đối với một tượng đài điện ảnh đã góp phần định hình nền văn hóa giải trí Mỹ.
Để có được nhận xét cho riêng mình, mời bạn đọc đón xem bộ phim “Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ” (Jurassic World: Fallen Kingdom) phát sóng lúc 21g ngày thứ sáu 12/07/2019 trên kênh HBO thuộc hệ thống HTVC.
Song Anh