Năm 1998 là một cột mốc đáng nhớ khi bộ phim “The Truman Show” được công chiếu rộng rãi. Hai mươi năm đã trôi qua nhưng sức hút của bộ phim vẫn còn rất lớn vì những lớp ý nghĩa và thông điệp bộ phim càng đào sâu càng phát hiện nhiều điều thú vị.
Nam diễn viên hài Jim Carrey tái xuất với vai diễn chính Truman
Một nhà sản xuất chương trình tên Christof (Ed Harris) lên ý tưởng thực hiện một chương trình thực tế lớn nhất, dài nhất và chân thật nhất trong lịch sử truyền hình. Ông ta “nhận nuôi” một đứa bé sơ sinh ngay lúc chào đời và đặt tên nó là Truman Burbank. Một phim trường khổng lồ to như một thị trấn cùng hàng ngàn diễn viên được thuê để đóng các vai nhằm biến cuộc đời của Truman Burkbank (Jim Carrey) thành một chương trình truyền hình thực tế mà thế giới chưa từng được chứng kiến. Hơn 5000 máy quay được đặt khắp nơi soi rõ từng ngóc ngách cuộc đời của Truman, dựng lên câu chuyện cuộc đời, định hướng cả nỗi sợ, ước mơ và gia đình mà một người phải trải qua từ khi mới sinh đến tuổi trưởng thành.
Cậu ta đôi khi cũng nghi ngờ với cuộc sống của bản thân (hệt như cách chúng ta nghi ngờ cuộc sống của mình) nhưng đạo diễn cùng các diễn viên trên phim trường đó tìm mọi cách để khỏa lấp và che đậy. Một ngày nọ, anh đem lòng yêu một cô gái và để tìm cô, anh vượt qua nỗi sợ nước mà lên đường đi đến hòn đảo Fiji. Cuối cùng, một kết cục anh chưa bao giờ tưởng tượng tới, đường chân trời anh chạm tới chỉ là một bức vách giả, cuộc đời anh sống chỉ là giả, mọi thứ đã được sắp đặt. Đau khổ đến cùng cực nhưng cũng vui sướng đến cùng cực, anh chọn bước ra bên ngoài để sống một cuộc đời đúng nghĩa.
Bộ phim kể về quá trình Truman thức tỉnh khỏi thực tại ảo anh đang sống bằng cách quan sát kỹ lưỡng thế giới và nhận ra những kẽ hở. Ý tưởng này cũng tương tự như ý tưởng phim “The Matrix” hay “Inception”. Trong Truman Show, sự sắp xếp (kiểm soát) dường như hoàn hảo nên khả năng thức tỉnh của nhân vật chính được xem là không thể xảy ra. Đây chính là yếu tố tạo nên sự gay cấn, kịch tính của bộ phim. Người xem sẽ không thể đoán biết được các nhân vật sẽ hành động như thế nào để thực hiện mục đích của mình.
Không giấu giếm ý định đề cập đến vấn đề thần quyền, các nhà làm phim để cho nhân vật đạo diễn nắm quyền chỉ đạo chương trình thực tế tên Christof. Christof (chơi chữ Christ-off) điều khiển, lên kế hoạch và quyết định mọi thứ diễn ra trong phim trường khổng lồ mang tên Seahaven Island, ở đó ông ta là Thượng đế. Điểm hay nhất khi xây dựng nhân vật này là ông ta không hoàn toàn là một phản diện. Quả thật, có phần dễ dàng nếu để đạo diễn hướng Christof thành kẻ ác, tham lam nhưng may thay hình tượng nhân vật này vượt qua sự tầm thường đó.
“Thượng Đế” Christof - người điều khiển vở kịch do Ed Harris thủ vai
Ông ta thực sự tin tưởng việc mình làm đã đem niềm vui và hy vọng truyền cảm hứng cho hàng triệu khán giả, ông ta yêu thương Truman, quan tâm và dõi theo từng bước đường cuộc đời như người cha của Truman. Đặc biệt, người xem ấn tượng ở phân cảnh cuối phim khi Christof thuyết phục Truman ở lại, hay cảnh hằng đêm ông vuốt lên màn hình ngắm nhìn Truman ngủ. Christof nói: “Ta đã ngắm con khi con được sinh ra đời. Ta trông chờ lúc con bước những bước đi đầu đời và vui mừng ngày đầu tiên con đến lớp… Trong đây có thể là giả nhưng con được an toàn, được vui vẻ và hạnh phúc, còn ngoài kia người ta sẽ lừa gạt, làm hại và tổn thương con.”. Ông ta là Thượng đế, là người cha yêu thương và muốn kiểm soát. Thông điệp hết sức rõ ràng: nếu có tồn tại một vị Thượng Đế sắp đặt mọi thứ thì cuộc đời của chúng ta đều là một màn kịch giả dối.
Truman cũng là cách chơi chữ của True-man - con người thật, một ẩn dụ về chính cuộc đời của mỗi chúng ta. Cách con người sống, bị thao túng từ xã hội, người khác hay chiều theo những luật lệ chẳng phải cũng giống cách Truman bị thao túng trong chương trình đó sao, có khác là quy mô của “phim trường” chúng ta đang sống lớn hơn thôi. Cảnh cuối khi Truman bước ra khỏi phim trường như một tiếng thét được giải thoát không chỉ khỏi sự giả dối mà còn khỏi những ràng buộc vô hình bủa vây xung quanh. Cảnh phim này gợi nhớ đến một ngụ ngôn triết học nổi tiếng của Plato: ngụ ngôn cái hang. Một nhóm người bị mắc kẹt trong hang cả đời, chỉ nhìn thấy bóng của cuộc sống thực được chiếu trên tường trước mặt họ. Nếu những người đó ra khỏi hang và nhìn thế giới thực, điều đó sẽ quá sức chịu đựng và họ muốn quay lại với những gì họ đã quen.
“The Truman Show” lồng ghép nhiều triết lý sâu sắc qua những câu thoại châm biếm hài hước
Truman chọn bước ra ngoài đối diện với thế giới thật, thế giới mà anh không biết đến, nơi đầy bất trắc hiểm nguy hơn là phải sống trong phim trường và bị sắp đặt cả đời. Hẳn ai khi xem cũng đồng tình với chọn lựa của anh ta nhưng liệu mọi người có nhận ra cuộc sống của chính mình cũng có thể là một cái hang khác và đáng tiếc là cả đời cũng không có thể tìm được cửa ra. Truman có một người vợ đẹp, cha mẹ tốt bụng, công việc ổn định, hàng xóm thân thiện, cuộc sống an bình – đây là những thứ người bình thường hằng khát khao. Truman dám vứt bỏ đi thứ chắc chắn để tìm đến sự thật bấp bênh nhưng liệu ta có dám đánh liều mọi thứ hiện hữu để phấn đấu cho ước mơ thật sự của mình?
Đây không chỉ là bộ phim về một xã hội tưởng tượng, nó nói về chúng ta: cách chúng ta bị “Thượng đế” kiểm soát, làm thế nào chúng ta đánh mất tự do ý chí hay sự thật về cuộc sống đang bị ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Chúng ta luôn muốn rời khỏi hang động, muốn sống cuộc đời thật nhưng thậm chí chúng ta không nhận ra mình đang ở trong hang. Chúng ta bị theo dõi, bị nghe lén, bị thao túng và kiểm soát, mọi thông tin cá nhân bị rao bán vì chúng ta muốn sử dụng các mạng xã hội miễn phí. Chúng ta ảo tưởng về tự do ý chí và hiện thực trong khi mỗi hành xử, cảm nhận hay suy nghĩ đều là từ một thứ gì đó tác động hướng chúng ta phải làm như vậy.
Ở cảnh quay cuối phim, Truman đã lựa chọn sống cuộc đời thật của mình
Bộ phim khép lại bằng cảnh Truman nở nụ cười và trả lời: “Cho dù không được nhìn thấy ông nhưng cũng chúc buổi trưa, buổi tốt vui vẻ và ngủ ngon”. Rồi anh quay lưng lại ống kính, bước ra khỏi trường quay, đi vào bóng tối đen thẳm. Truman đã lựa chọn một cuộc sống thực sự dành cho mình chứ không phải do bất cứ ai tạo ra, dù có thể gặp đau khổ, tai ương hay mất mát. Kết phim tưởng rất thỏa mãn khi Truman bước ra thế giới thật nhưng lại là một nhát đâm đau đớn khác. Hàng triệu khán giả vỗ tay chúc mừng khi thấy anh ra khỏi phim trường nhưng nhanh chóng sau đó lại tìm kiếm một chương trình tương tự, một đứa trẻ nào đó sắp ra đời có thể lại bắt đầu cuộc đời mà Truman vừa rời khỏi. Tựa như một vòng lặp tuần hoàn, bộ phim đặt ra một câu hỏi nhức nhối: Ta sẽ chọn làm gì nếu đời ta chỉ là một vở kịch?
Bộ phim “The Truman Show” được phát sóng vào lúc 15g10 Thứ Sáu (13/03/2020) trên kênh HBO thuộc hệ thống HTVC . Mời bạn đọc đón xem và theo dõi.
Song Anh