“Thím Tư” Thùy Dương suốt ngày lo lắng về sức khỏe

Trong chương trình “Siêu thị cười”, phát sóng lúc 15g20 ngày 15/1/2019 trên kênh HTV9, diễn viên Thùy Dương sẽ vào vai thím Tư – người phụ nữ suốt ngày suy nghĩ và tưởng rằng mình bị bệnh.


Diễn viên Thùy Dương (giữa) trong chương trình "Siêu thị cười"

Chia sẻ về vai diễn này, Thùy Dương cho biết: “Trong tiểu phẩm này, thím Tư là người lo lắng thái quá cho sức khỏe của mình và những người xung quanh. Thím Tư nhìn đâu cũng thấy... “bệnh” nhưng không chịu đi bệnh viện mà chỉ nghe lời “rỉ tai” của nhiều người, uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ. Chính những quan niệm sai lệch về sức khỏe đã khiến cả gia đình thím Tư… nhập viện. Tiểu phẩm hướng tới thông điệp, sức khỏe là tài sản quý giá nhất mà mỗi chúng ta cần bảo vệ”.


Thùy Dương đam mê diễn xuất từ nhỏ và may mắn được thỏa đam mê

Từ năm 4 tuổi, cô bé Thùy Dương đã thích chơi trò “đóng vai” cùng bạn bè với những câu chuyện được đôi mắt tuổi ấu thơ quan sát và cảm nhận để rồi sáng tạo ra một thế giới riêng lung linh những sắc màu. Chính niềm đam mê đó đã thôi thúc Thùy Dương muốn trở thành diễn viên để vừa được thỏa đam mê trên sân khấu chuyên nghiệp, vừa kiếm được tiền từ chính đam mê đó.

Thùy Dương chia sẻ: “Lúc nhỏ tôi và bạn bè cũng bày đồ hàng nữa chứ, nhưng không phải bày ra để “làm bộ” mua bán, nấu ăn mà đó chỉ là một “đạo cụ” để dẫn dắt vào một câu chuyện nào đó. Có lúc thì đóng vai mẹ, vai con, có khi thì đóng vai ông cụ với giọng khàn khàn, run run và hay đằng hắng. Thông qua những bài học trên lớp, những câu chuyện cổ tích, tôi tự nghĩ ra các tình huống như người nông dân bị phú hộ ức hiếp, con bất hiếu về đòi hỏi mẹ. Thật sự thì lúc lên ba lên năm, không biết làm sao để có được nhiều bạn bè, tôi liền nghĩ ra cách bày ra một trò chơi gì đó để có thể chơi thành nhóm. Cũng từ đó, những câu chuyện đầy màu sắc đan xen vẻ lỳ kỳ do tôi nghĩ ra đã “thu hút” được khá đông bạn bè chơi chung và cùng trải nghiệm”.

Nghĩ là ý thích của con nít nên ba mẹ Thùy Dương không quan tâm lắm. Tới khi Thùy Dương tuyên bố với gia đình sẽ đi thi làm diễn viên thì bị mẹ ngăn cản vì gia đình nhiều đời chủ yếu là kinh doanh. Khi nhận giấy báo nhập học, Thùy Dương nhủ thầm “nghề đã chọn mình”! Từ đó mọi thứ trở nên suôn sẻ hơn đối với cô, gia đình thuận tình và hãnh diện khi con gái đã biến được ước mơ thành hiện thực.  


Thùy Dương cùng diễn viên Đình Toàn

Lần đầu đi đóng vai quần chúng cho phim Bẫy tình (đạo diễn Lê Cung Bắc), Thùy Dương vào vai một cô gái làm trong nhà thổ. Mới đi một lần làm quần chúng là được đạo diễn Lê Cung Bắc phát hiện và cho luôn vào vai thứ chính trong phim Duyên phận. Sau hai vai diễn, đạo diễn Lê Cung Bắc khen: “Diễn tốt! Sau này đắt sô lắm đó con”. 

Lời khen đó với Thùy Dương, vừa là động lực nhưng cũng là rào cản, bởi suy nghĩ đã được đóng vai thứ chính rồi thì nếu phim khác vai nhỏ hơn sẽ không đóng. Rồi Thùy Dương tự hỏi: “Vai lớn từ đâu? Ai nhận ra được khả năng của mình khi chỉ với một phim và một vai nhỏ thì liệu có nhiều người biết tới?”. 


Thùy Dương cùng diễn viên Baggio

Thùy Dương quan niệm, giữa diễn viên và vai diễn còn có một cái duyên, không có duyên thì dù có cố đi tìm vẫn không ra. Điều quan trọng là phải biết mở rộng các mối quan hệ, xông xáo tham gia các vai lớn, nhỏ, chứ nếu đóng vai quần chúng mà “chê” thì ai biết tới mình để giao một vai nặng ký? Cô quyết định tự tiếp thị bản thân bằng cách nhận việc làm. Ai kêu gì làm nấy, từ công việc thông tin lưu động, cho đến tổ chức văn nghệ quần chúng, đóng các vai quần chúng cho các phim truyền hình. Thật may mắn! Sau vài lần đóng quần chúng, cô được các đạo diễn gọi về tham gia các vai diễn có chiều sâu hơn trong các vai Sương trong vở kịch Họa hồn, vai người mẹ trong vở kịch Cõng mẹ đi chơi và vai mẹ ghẻ trong vở kịch Lạnh nhẹ từ phía sau tại sân khấu Thế Giới Trẻ. Với Thùy Dương, đó chính là kết quả của quá trình lao động đúng nghĩa. 


Thùy Dương cùng nghệ sĩ Hữu Tiến

Khi được hỏi, giữa kịch nghệ thuật và kịch giải trí, chị nghiêng về bên nào hơn? Thùy Dương tỏ vẻ suy tư: “Thật khó để tôi có phân định rạch ròi giữa chúng. Thí dụ như một vở chính kịch được khen ngợi nhưng bán vé lại không được nhiều. Trong khi những vở giải trí pha kinh dị, hài đan xen, coi xong có thể quên cả nội dung nhưng lại luôn “cháy” vé. Từ khi bước vào nghề, tôi luôn đặt cuộc sống cá nhân vào cuộc sống nghệ thuật, sẵn sàng sống cuộc sống bình dị nhưng bay bổng trong thế giới riêng. 

Song, từ khi có gia đình, bổn phận người vợ, thiên chức người mẹ lo toan về kinh tế, thì cái thế giới riêng mà lúc trước để tôi thỏa sức bay bổng cũng hẹp lại. Có khi phải nhận mọi loại vai, đóng mọi loại kịch để kiếm tiền. Nhưng không phải vì thế mà tôi trọng hay khinh bên nào hơn, ưu ái vai diễn nào hơn. Mọi loại vai khi tôi đã nhận thì phải tìm mọi cách diễn cho tốt, cho ra nhân vật, sống hết mình trong từng buổi diễn. Tôi quan niệm mình cứ vô tư làm nghề, còn thành quả thế nào là còn tùy vào cái duyên!”.

Sâm Nguyễn