Thịnh hành trào lưu làm MV drama của ca sĩ Việt

Ca sĩ làm video ca nhạc (MV) theo phong cách drama (có câu chuyện như phim ngắn) đang trở thành xu hướng được ưa chuộng. Vừa được nghe một bài hát hay, khán giả còn thỏa mãn phần nhìn thông qua những MV drama ấn tượng.

Cảnh trong MV Người ta có thương mình đâu

Có thể nói, ca sĩ Việt đang theo xu hướng của các nghệ sĩ thế giới, khi thực hiện MV có ý tưởng, đầu tư chất lượng cả phần hình ảnh lẫn diễn xuất. Gần đây làng nhạc Việt đã ra mắt nhiều MV dạng drama có thời lượng dài, kể câu chuyện hoàn chỉnh với diễn biến giống như bộ phim với đủ các đề tài từ gia đình, xã hội đến tình yêu, cộng hưởng với bối cảnh, trang phục và màu sắc ánh sáng gây được cảm xúc cho người xem. 

Dạng MV này dễ chinh phục số đông công chúng, nhận về lượt view (xem), lượt share (chia sẻ) lớn, đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc và theo thống kê có đến 90% MV drama lọt Top Trending Youtube (xu hướng được xem nhiều nhất). Chẳng hạn như MV: Anh đang ở đâu đấy anh, Em đã thấy anh cùng người ấy, Rời bỏ, Chấp nhận, Duyên mình lỡ, Cảm giác lúc ấy sẽ ra sao, Chạm đáy nỗi đau, Những kẻ mộng mơ, Một bước yêu vạn dặm đau, Màu nước mắt, Chị ngả em nâng, Giả vờ say… đều vươn lên vị trí Top Trending Youtube chỉ sau 24 giờ, hoặc sau vài giờ phát hành.  

Cảnh trong MV Anh đang ở đâu đấy anh?

Trước đây, hầu hết dự án âm nhạc mang tính quy mô đều chọn làm album hay DVD, thì hiện nay khán giả có xu hướng thích ngắn gọn, nên MV là loại hình đáp ứng được nhu cầu nghe, xem và nhìn cùng một lúc của họ. Bởi vậy, ngay cả ca sĩ tên tuổi  cũng không ngần ngại đầu tư lớn cho MV như từng dành tâm huyết cho album hay DVD trước đây. Như trên đã kể, những MV drama có phần hình ảnh, kỹ xảo, ý tưởng được đầu tư công phu đều dễ dàng thu hút người xem. Tuy nhiên so với những MV dài tầm 3 – 4 phút thì những MV dạng drama có thời lượng gấp đôi, gấp ba lại phải đảm bảo vừa đẹp về nội dung lẫn hình thức sẽ ngốn rất nhiều chi phí sản xuất. Lượt xem trên Youtube có thể mang về lợi nhuận, nhưng vẫn không đủ so với tổng chi phí để cho ra đời một MV drama ấn tượng. 

Vài năm gần đây, mức đầu tư sản xuất MV không ngừng tăng lên, thậm chí trở thành “cuộc đua” giữa các ca sĩ. Theo ước tính của giới sản xuất, mức chi phí trung bình làm một MV nói chung vào khoảng 500 triệu đồng, bao gồm chi phí cho toàn bộ ê-kip, từ đạo diễn, quay phim, vũ công, may trang phục, dựng bối cảnh. Tuy nhiên có những MV drama đầu tư kinh phí gấp đôi, gấp ba như: Mưa trên cuộc tình của Đan Trường tốn 1,3 tỉ, Người ta có thương mình đâu của Trúc Nhân kinh phí một tỉ đồng, Hello của Đàm Vĩnh Hưng có chi phí 1 tỉ 380 triệu đồng; hoặc Bùa yêu của Bích Phương chỉ tính riêng chi phí trang phục đã lên đến nửa tỉ đồng, Chạy ngay đi của Sơn Tùng M-TP đã chi ra vài tỉ đồng cho khâu phục trang...

Cảnh trong MV Chị ngả em nâng

Nếu MV drama quay bối cảnh ở nước ngoài thì chi phí sản xuất còn đội lên khá nhiều so với quay trong nước, hay MV drama dạng cổ trang còn tốn thêm chi phí cho phần kỹ xảo... Chính vì vậy chỉ những ca sĩ đã có chỗ đứng hoặc có nguồn lực tài chính mới có thể sản xuất ra một MV drama đảm bảo “xứng đồng tiền bát gạo”. Cũng bởi vấn đề “ tiền đâu” mà có không ít MV drama chất lượng kém ra đời, dẫn đến những phàn nàn về thị trường “vàng thau” lẫn lộn trong thời gian qua.  

 Cảnh trong MV Chạm đáy nỗi đau

Khi đầu tư làm MV drama, ê-kíp sản xuất còn gặp một khó khăn lớn khác là diễn xuất. Thông thường với MV ngắn, các ca sĩ có thể không góp mặt vào MV mà giao việc diễn xuất minh họa cho những diễn viên hay người mẫu. Thế nhưng với thể loại drama thì vai trò của ca sĩ sẽ mờ nhạt nếu như không trực tiếp xuất hiện trong MV. Vì là drama nên yêu cầu về diễn xuất cũng cao hơn, đòi hỏi ca sĩ phải có khả năng hóa thân vào nhân vật, mà thường ca sĩ sẽ đóng vai chính. Chưa kể nhiều ca sĩ còn mời những nghệ sĩ đang “hot” diễn xuất trong MV, nếu nhân vật chính là họ diễn xuất kém sẽ bị khách mời lấn át. 

MV Thương em là điều anh không ngờ là một bản ballad buồn với giai điệu nhẹ nhàng, ca từ cảm xúc, cảnh quay rất đẹp. Noo Phước Thịnh đã nhận được nhiều lời khen với diễn xuất trong MV này, khi từ biểu cảm, cử chỉ của nhân vật chính do anh thủ vai đều được lột tả khá hoàn hảo. Trên thực tế, các ca sĩ như Noo Phước Thịnh, Ngô Kiến Huy, Đan Trường, Lam Trường, Mỹ Tâm, Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Tóc Tiên… từng tham gia đóng phim, nên có ít nhiều kinh nghiệm diễn xuất. Vì thế trong MV của mình, họ đã cân bằng hài hòa giữa ca hát và diễn xuất. 

Cảnh trong MV Những kẻ mộng mơ

Không phủ nhận rằng, nhiều MV drama đã thu hút người xem từ đầu đến cuối nhờ chất lượng hình ảnh và cách xây dựng câu chuyện có cao trào, có nút thắt, có nhân vật chính diện, nhân vật phản diện. Điểm chung của MV drama là chọn ca khúc thể loại ballad dễ nghe, nội dung đề cập đến chuyện tình tay ba, yêu đơn phương, phản bội, đau khổ… kiểu ngôn tình, lãng mạn hay giới tính thứ 3 nên dễ dàng chạm được cảm xúc và nhận được sự đồng cảm của số đông khán giả. Thậm chí có những MV âm nhạc bình thường nhưng vẫn “sốt” vì nội dung xoay quanh chuyện tình yêu đầy kịch tính. 

Đành rằng, một bộ phận khán giả hiện quan tâm nhiều hơn đến những kịch tính của nội dung MV thay vì chất lượng âm nhạc, nhưng nếu vẫn tiếp tục có những sản phẩm như thế khó tránh khỏi đi vào lối mòn, gây nhàm chán. Hơn nữa, MV ra đời là để tôn vinh bài hát và một MV đúng nghĩa phải gây “sốt” bằng âm nhạc chứ không phải câu chuyện và hình ảnh minh họa. Bởi vậy, hiện nay MV drama liên tục leo Top Trending Youtube nhưng vẫn thật khó có được một số bài hát hay có ý nghĩa và sức sống lâu bền.

Đan Khanh