ĐẠO DIỄN PHẠM NGỌC CHÂU

Thời nào cũng có Bao Công

Bộ phim Bên kia sông do đạo diễn Phạm Ngọc Châu và Đỗ Phú Hải thực hiện (Hãng phim TFS) thu hút sự chú ý của khán giả ở khung giờ 12g30, từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần trên kênh HTV9.


Đạo diễn Phạm Ngọc Châu

Khi nhận kịch bản Bên kia sông, cảm xúc của anh như thế nào?

Lần đầu đọc xong kịch bản Bên kia sông, tôi có những xúc cảm trái chiều đan xen: vừa hào hứng vừa băn khoăn. Hào hứng với một kịch bản mới, tức là một câu chuyện mới với những nhân vật mang những tính cách mới và cũng là một cuộc phiêu lưu mới với những diễn viên mới cùng một ê kíp có những cá tính đa dạng. Nhưng đồng thời là những băn khoăn trước bao thách thức: xử lý lại trận đánh cuối cùng trong kịch bản theo yêu cầu của hội đồng duyệt, một núi công việc phải giải quyết quanh những bối cảnh phức tạp và trang thiết bị đặc chủng của ngành công an vì những bối cảnh, trang thiết bị này không thể mua hay thuê mướn một cách thông thường trên thị trường dân dụng. Khó nhưng không có nghĩa là bỏ cuộc, cả ê kíp chúng tôi lao vào công việc với niềm say mê và trách nhiệm. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của công an tỉnh Tây Ninh và đặc biệt là công an Tiền Giang, chúng tôi đã vượt qua từng thử thách.

Đạo diễn Phạm Ngọc Châu chỉ đạo diễn xuất trong phim "Bên kia sông"

Điều gì khiến anh tâm đắc nhất ở bộ phim Bên kia sông?

Đó là một cốt truyện lý thú dựa trên nền tảng cuộc sống thực, là sự kết hợp của nhiều vụ án khác nhau được thể hiện qua một dàn diễn viên chuyên nghiệp. Các nhân vật trong kịch bản dù chính hay thứ đều được khắc họa rõ nét trong cuộc sống đời thường, họ có hoàn cảnh và số phận nên tôi đã mời những diễn viên phù hợp nhất với từng nhân vật.

Điều đáng quý là nhiều anh em diễn viên yêu nghề nhận thấy dù vai ngắn chỉ vài phân đoạn nhưng hay và… thương đoàn phim nên đã tham gia tích cực. Bây giờ nhìn lại thì tôi thấy phim có một dàn diễn viên “khủng” với những gương mặt dày dạn kinh nghiệm như các NSƯT Tạ Minh Tâm, Tuyết Thu, Thanh Điền, Việt Anh, Đặng Thụy Mỹ Uyên, Hạnh Thúy; các diễn viên Thương Tín, Hữu Tiến,… đến những diễn viên trẻ tràn đầy sức sống như Diệu Thúy, Nguyễn Phạm Bích Trâm, Xuân Văn, Huỳnh Thanh Tùng, Thanh Bình…

Phim quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng

Thực hiện phim thể loại tâm lý - hình sự có phải là thế mạnh của anh?

Tôi không thích lập lại những gì mình đã làm nên rất vui khi gặp kịch bản có sự mới mẻ, kể cả mới về thể loại. Chính sự mới mẻ càng kích thích mạnh mẽ sự tìm tòi, sáng tạo và đó là nền tảng cho sáng tác. Vì vậy bộ phim Bên kia sông thuộc thể loại tâm lý - hình sự có phải là thế mạnh của tôi hay không thì hãy để khán giả nhìn nhận sau khi xem xong phim. Với tôi, trong suốt quá trình quay, tôi thực sự cảm thấy thú vị với thể loại này vì nó là sự kết hợp giữa yếu tố căng thẳng, kịch tính của hình sự với cái sâu lắng của thể loại tâm lý.

Thể loại phim hành động, tâm lý tội phạm được nhiều đạo diễn thực hiện thành công, khi nhận kịch bản khai thác thể loại này, điều gì khiến anh lo lắng nhất?

Cái lo lắng nhất là ta có vượt qua được rào cản của chính mình hay không chứ không phải lo lắng về sự thành công của người khác. Mỗi kịch bản có một thách thức riêng và người đạo diễn phải vượt qua  thách thức trong kịch bản của mình và thách thức trong bản thân mình. Chính thách thức này tạo nên sự thú vị khi ta tiến hành thực hiện một bộ phim.

Anh nhận xét gì về dàn diễn viên trong phim Bên kia sông?

Nhìn chung là tốt. Tôi đã mời được những diễn viên hợp vai, đầy nhiệt huyết, đam mê nghề, có trách nhiệm với công việc. Có những diễn viên đã được làm mới qua sự phân vai khác với những vai thường đóng của họ như NSƯT Tạ Minh Tâm. Sự phức tạp, xảo quyệt, tàn bạo trong bản thân nhân vật Lê Tuấn đội lốt doanh nhân thành đạt đã mang đến cơ hội cho Tạ Minh Tâm thể hiện một hình ảnh mới cho bản thân. Nhìn tổng thể tôi hài lòng với sự thể hiện của họ.

Một số người cho rằng nhân vật Lê Tuấn giống trùm xã hội đen Năm Cam đã bị công an triệt phá đầu những năm 2000, sự thực ra sao?

Trong sáng tác, những nhân vật hư cấu có thể có nền tảng từ những nhân vật thực ngoài đời - tuy mức độ có khác nhau. Theo hai đồng tác giả kịch bản: Minh Diệu và Ngô Hoàng Giang, kịch bản được xây dựng trên nhiều vụ án có thật của ngành công an. Cả hai biên kịch đều là nhà báo nên chất liệu họ xây dựng nên tính cách nhân vật rất đời. Minh Diệu từng là công an nên cô ấy có dịp tiếp xúc khá nhiều vụ án và tội phạm. Tôi thấy tính cách nhân vật trong kịch bản được hai biên kịch xây dựng trên hình tượng có thật trong đời sống, gần gũi với đời thật. Nhân vật Lê Tuấn do Tạ Minh Tâm thủ vai có số phận đáng thương từ nhỏ. Do dòng đời xô đẩy, Lê Tuấn nhìn thấy cả mặt tốt lẫn mặt xấu của xã hội. Anh ta không hẳn là người xấu nhưng va đập với cái xấu, cái ác từ nhỏ, anh ta học nhanh thói xấu ngoài xã hội, lọc lõi để tồn tại nên tinh ranh, gian xảo, mưu mô, độc ác và nhanh chóng trở thành ông trùm trong giới xã hội đen. Nhân vật Lê Tuấn là sự tổng hòa của nhiều con người, tức nhiều ông trùm khác nhau.

Đâu là những thuận lợi, khó khăn khi anh thực hiện bộ phim này?

Khó khăn không phải ít nhưng căng thẳng nhất là quân phục, trang thiết bị đặc chủng của lực lượng công an. Ngoại trừ quay ở Tiền Giang, những bộ đồng phục, trang thiết bị đặc chủng phải mất rất nhiều thời gian để mượn khi quay ở tỉnh khác. Và có những trang thiết bị không thể mượn được nên tôi đành liệu cơm gắp mắm (cười). Tuy cực nhưng nhiều anh em rất nhiệt tình và máu lửa trong công việc nên mọi việc cứ thế mà hoàn tất thôi.

Sau 5 năm phim Bên kia sông mới  phát sóng, vậy nội dung phim có bị “lạc hậu” không?

Chính đây là thử thách đối với kịch bản. Nếu nội dung, vấn đề có tính khái quát thấp thường dễ bị lạc hậu theo đà tiến của thời gian, còn ngược lại thì không thành vấn đề. Nội dung tác phẩm thường đặt trên một bối cảnh lịch sử cụ thể nên các nhân vật sống trên cái nền đó. Vấn đề là những tình tiết phải hợp lý trên cái nền lịch sử đó. Bên kia sông đi vào cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, sự giành giật giữa ánh sáng và bóng tối trong mỗi con người, sự tha hóa của những kẻ công bộc nên là vấn đề muôn thuở, không lạc hậu, vì thời nào cũng có kẻ gian và thời nào cũng có Bao Công.

Vai diễn của NSƯT Mỹ Uyên được đánh giá cao

Chủ đề, thông điệp bộ phim Bên kia sông đặt ra cũng rõ: Khoảng cách giữa nghèo khổ với tội lỗi thường là rất gần, con người nếu không trầm tĩnh suy xét thì dễ bước qua  “khoảng cách” ấy. Nhưng, ranh giới giữa địa vị và giàu sang với tội lỗi cũng rất mong manh. Con người không kềm chế được tham vọng thì sẽ bước qua “ranh giới mong manh” ấy không chút khó khăn. Bộ phim Bên kia sông như một lời cảnh tỉnh với cả người nghèo khó lẫn kẻ sang giàu đầy tham vọng, rằng hãy tránh xa tội lỗi. Bởi vì, chỉ có cuộc sống trong lành và lương thiện mới đem đến bình yên cho chính mình, cho người thân và toàn xã hội. Chúng tôi mong muốn khán giả xem phim đồng cảm với mình về câu chuyện Bên kia sông - nơi đó, đặt ra biết bao câu hỏi “Tại sao?”. Và trong cuộc sống, nếu mỗi chúng ta luôn tự hỏi “tại sao?” cho từng hành vi của mình sẽ góp phần hạn chế được những lỗi lầm.

Xin cám ơn những chia sẻ của anh!
Thu Trang thực hiện