"Thor: Tận thế Ragnarok" - Màn "lột xác" ấn tượng của Thần Sấm

"Thor: Tận thế Ragnarok" (Thor: Ragnarok) không những mang đậm tính giải trí về nội dung, mà còn mang đến cho khán giả một tác phẩm duy mĩ tuyệt vời.

"Thor: Tận thế Ragnarok" xây dựng dàn nhân vật cực "chất"

Sự khác biệt từ những màn đối thoại ngẫu hứng

Với kinh phí 180 triệu đô, Thor: Tận thế Ragnarok (Thor: Ragnarok) là bộ phim có kinh phí xếp thứ 7 trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Tác phẩm được cầm trịch bởi Taika Waititi, đây là bộ phim bom tấn đầu tiên của vị đạo diễn người New Zeland. 

Các nhà sản xuất đến từ Marvel Studios đã không chút sai lầm khi chọn Waititi làm vị thuyền trưởng lái con tàu mang tên "Thor" đi theo một hướng đi hoàn toàn mới lạ và khác xa với hai phần phim về Thor trước đây.

Ý tưởng khác lạ của phim xuất phát từ óc khôi hài, tư duy mới mẻ của đạo diễn Taika Waititi. Ông đã thổi làn gió mới vào thế giới siêu anh hùng bằng những pha đối đáp thú vị, ngẫu hứng và tạo tiếng cười cho khán giả.

Đạo diễn Taika Waititi (trái) - Chris Hemsworth (giữa) - Mark Ruffalo (phải)

Ở các phần phim trước, Thor chỉ là một vị anh hùng cương trực nhưng lại khá ngớ ngẩn, không có chút gì nổi bật so với các siêu anh hùng khác. Nhưng với Thor: Tận thế Ragnarok, anh đã biết cách để khiến cho nhân vật của mình không còn nhạt nhòa so với bạn diễn, và thậm chí còn vượt qua được cả em trai Loki – nhân vật luôn cướp ánh hào quang của Thor mỗi khi xuất hiện.

Nhưng ở phần phim thứ ba, "con trai của Odin" đã thông minh hơn, mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những gì chúng ta từng chứng kiến trong phim riêng của anh và cả các bộ phim Avengers. Nhưng điều đáng nói ở đây nhất chính là cái cách mà đạo diễn đưa Thor đi từ biến cố này đến biến cố khác cũng rất khác biệt.

Nhân vật Thor đã có rất nhiều thay đổi tích cực

Nội dung Thor: Tận thế Ragnarok bắt đầu sau khi Thor (Chris Hemsworth) phát giác ra Odin (Anthony Hopkins) tại Asgard là do Loki (Tom Hiddleston) giả dạng, Thor liền đi tìm cha và gặp lại ông tại Midgard - Trái đất.

Lúc này, do bùa phép của Loki, Odin đã trở nên yếu đuối và không còn sống được bao lâu. Trước khi lâm chung, ông tiết lộ với hai cậu con trai rằng lời tiên tri về sự kiện Tận thế Ragnarok sẽ xảy ra, và cái chết của mình sẽ giúp giải thoát một ác nhân hùng mạnh: Tử thần Hela (Cate Blanchett).

Ngay khi Odin trút hơi thở cuối cùng, Hela được giải thoát và tấn công hai anh em Thor - Loki. Họ bị đánh bật khỏi Asgard rồi rơi xuống hành tinh lạ Sakaar do nhân vật bí ẩn Đại Chủ nhân (Jeff Goldblum) cai quản. Tại đây, Thor bị bắt trở thành đấu sĩ, tham gia những trận giác đấu do lão chủ trì.

Thần Sấm nay buộc phải chiến đấu để sinh tồn và sớm trốn thoát nhằm ngăn chặn Hela, trước khi ả sử dụng sức mạnh vô song để trở thành bá chủ Cửu Giới. Cũng tại Sakaar, anh tái ngộ người bạn trong biệt đội Siêu anh hùng: Người Khổng lồ xanh Hulk (Mark Ruffalo).

Trên hành trình thoát khỏi Sakaar, Thor và Hulk đã làm quen với những người bạn đồng hành mới đầy thú vị, mối quan hệ giữa anh và em trai Loki cũng đã phát triển tốt đẹp hơn. 

Sự thay đổi tích cực trong mối quan hệ giữa anh em Thor - Loki

Điều đáng khen là cái kết diễn ra hợp lí và thuyết phục, không chỉ thể hiện khéo léo sự kiện Ragnarok, mà còn giúp nói lên tư tưởng tiến bộ mà nhân vật chính mới giác ngộ. Chi tiết đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Thor.

Bối cảnh được đầu tư hoành tráng

Các chi tiết gây cười trong phim diễn ra duyên dáng và tinh tế, không thô tục hay bị lạm dụng thái quá. Đạo diễn Taika Waititi đã khéo léo không để sự hài hước vô duyên phá hỏng tính liền mạch, kịch tính và nghiêm túc của các trường đoạn hành động trong phim. Các cảnh chiến đấu trong phim ấn tượng hơn hẳn hai tập trước, giúp thể hiện sức mạnh thật sự của Thần Sấm. Đặc biệt, trận giác đấu giữa Thor và Hulk mãn nhãn theo đúng chất siêu anh hùng, bất chấp việc nhân vật chính thiếu cây búa thần Mjölnir.

 Những trận đánh lúc nào cũng như bức tranh thời phục hưng hùng tráng

Về phần hình ảnh, Thor: Tận thế Ragnarok là một bộ phim đẹp không chỗ nào để bắt lỗi. Những cảnh đánh nhau giống như những bức tranh được các họa sĩ thời phục hưng vẽ ra vậy, rất hoành tráng và ấn tượng. Gam màu nóng được đạo diễn Waititi sử dụng rất nhiều trong phim, khiến cho người xem cảm thấy mới lạ và phấn khích vô cùng.

Hai cảnh dựng của hành tinh Asgard và Sakaar tại phim trường Village Roadshow Studios đều có kích thước tương đương với một sân bóng. Phim trường Village Roadshow Studios có tổng cộng 9 sân khấu, và đoàn làm phim Thor: Tận Thế Ragnarok đã sử dụng cả 9 sân khấu này phục vụ cho quá trình ghi hình và sản xuất bộ phim. 

 Bối cảnh phim được quay ở Australia và New Zealand

Không gian trên hành tinh Sakaar thực sự khác biệt so với những gì mà khán giả từng được thấy trong các bộ phim trước đây mà Marvel Studios sản xuất. Nhóm thực hiện với số lượng đôi lúc lên tới 450 thành viên đã phải mất 4 tháng để hoàn tất bối cảnh này.

Sự thú vị của Thor: Tận thế Ragnarok còn đến từ âm nhạc. Không chỉ trên phim mà âm nhạc luôn xuất hiện ở khắp mọi nơi trên phim trường. 

Hài hước, hoành tráng và hấp dẫn, Thor: Tận thế Ragnarok là tác phẩm thuộc hàng đáng nhớ nhất của MCU trong thời gian qua.

Đón xem phim "Thor: Tận thế Ragnarok" phát sóng lúc 17g45 ngày 28/4 và 15g35 ngày 30/4 trên kênh FOX Movies thuộc hệ thống Truyền hình Cáp HTVC.

Minh Thiện