Sau nhiều tháng năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Một năm sau đó, Tết Nhâm Ngọ - 1942, lần đầu tiên Bác Hồ gửi thơ Chúc Tết - mừng Xuân.
Bắt đầu từ Tết Bính Tuất - 1946 đến Tết Kỷ Dậu - 1969 trước ngày Bác đi xa, hầu như năm nào Bác cũng có thơ Chúc Tết - mừng Xuân (trừ các năm 1955, 1957, 1958 Bác chúc Tết bằng thư). Bác để lại cho chúng ta 21 bài thơ Chúc Tết - mừng xuân. Tết Bính Tuất - 1946 là Tết độc lập đầu tiên đến trong bối cảnh Nam Bộ đang phải đương đầu với cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. Trong thơ chúc Tết, Người gửi đến toàn dân tộc tinh thần lạc quan hướng về tương lai tất thắng, làm phấn khích và ấm lòng chiến sĩ: “...Bao giờ kháng chiến thành công/Chúng ta cùng uống một chung rượu đào/Tết này ta tạm xa nhau/Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”. Qua những vần thơ, Bác đã hòa cùng các chiến sĩ, hòa vào đoàn quân, hoàn toàn không còn khoảng cách giữa lãnh tụ và chiến sĩ. Người chủ động gần gũi bằng một lời hẹn, một biểu cảm chân tình, thân ái...
Vào đúng giao thừa Tết Đinh Hợi (20-1-1947), sau ngày toàn quốc kháng chiến chưa được bao lâu, lần đầu tiên, từ chùa Trầm (Hà Tây cũ), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi tiếng nói Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sỹ cả nước, kiều bào ở nước ngoài: “…Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/Tiến lên chiến sĩ!Tiến lên đồng bào/Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi/Thống nhất độc lập, nhất định thành công.” Từ đó, cứ mỗi năm, khi đón giao thừa, nhân dân ta lại được nghe Bác đọc thơ chúc Tết - mừng xuân, hình thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày Tết. Còn nhớ Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức kỷ niêm lần thứ 50 ngày Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trên đài (1997), Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến dự, trong bài diễn văn tại buổi lễ, Tổng Bí thư nói: “Chúng ta vô cùng xúc động nhớ lại những năm tháng kháng chiến trước đây, trong ngục tù hay ở những vùng địch tạm chiếm, đồng bào, chiến sĩ ta đã tìm mọi cách lắng nghe qua máy thu thanh lời thơ chúc Tết của Bác Hồ từ Hà Nội, trái tim của cả nước. Dù ở Đồng Tháp hay giữa Sài Gòn, ở miền Đông gian lao mà anh dũng, hay Tây nguyên, Khe Sanh, Quảng Trị, Vĩ tuyến 17… không ai ngăn nổi làn sóng phát thanh để mỗi Giao thừa thiêng liêng được nghe thơ Bác, “Bác Hồ gọi ấy là mùa Xuân đến”.
Xuân Mậu Tý 1948, năm thứ hai của cuộc kháng chiến trường kỳ, quân và dân ta vừa đập tan cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1947 của thực dân Pháp. Trong âm hưởng chiến thắng, Người đã gửi thư chúc Tết đồng bào và chiến sỹ cả nước: “…Kháng chiến được thắng lợi/Toàn dân đại đoàn kết/Cả nước dốc một lòng/Thống nhất chắc chắn được/Độc lập quyết thành công”.
Xuân Kỷ Sửu 1949: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công. Đây là năm thứ hai cả nước hưởng ứng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, huy động sức mạnh vật chất, tinh thần của toàn thể nhân dân Việt Nam vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc: “Thi đua ái quốc thêm tiến tới/Động viên lực lượng và tinh thần/Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi/…Ta nhất định thắng/Địch nhất định thua”.
Xuân Canh Dần 1950: Người đã nhấn mạnh hai nhiệm vụ trọng tâm cho toàn quân, toàn dân: “Toàn dân xung phong thi đua/Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới/Chuyển mau sang tổng phản công/Kháng chiến nhất định thắng lợi.”
Xuân Tân Mão 1951: Quân và dân ta kết thúc giai đoạn phòng ngự, cầm cự và chuyển mạnh sang tổng phản công. Vào ngày mồng sáu Tết, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng khai mạc, đêm mồng năm, Bác Hồ đã đến thăm hỏi các đại biểu từ khắp nơi trong cả nước về dự Đại hội. Trong đêm xuân giữa núi rừng Việt Bắc, bên ánh lửa hồng, các đại biểu sung sướng vây quanh Bác, nghe Bác đọc lại những vần thơ đã chúc Tết đồng bào đêm giao thừa:“ Xuân này kháng chiến đã năm xuân/Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công/Toàn dân hăng hái một lòng/Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời.”
Thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác là hồi kèn xung trận, là khẩu hiệu hành động, là lời kêu gọi, lời hịch của cha ông và của Đảng ẩn trong tiếng nói, tiếng thơ của một lãnh tụ vĩ đại. “Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời” Ta thắng, Pháp thua. Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm kết thúc. Miền Bắc bước vào mùa xuân tươi đẹp, mùa xuân của chủ nghĩa xã hội, đường lên hạnh phúc rộng mở, miền Nam giữ vững thành đồng đấu tranh tiến tới với sức mạnh triệu triệu người hơn sóng cuộn biển Đông . Những hình ảnh “15 Xuân xanh”, “30 tuổi trẻ”, “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”, “cả năm châu phất phới cờ hồng”, “bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong”, “sức triệu người hơn sóng biển Đông” sao mà rộn rã, vui tươi, reo vang một sức sống trẻ trung vô tận, đã nói lên tất cả sự phấn khởi, khỏe khoắn của mỗi tấm lòng khi được giao cảm với tấm lòng yêu đời, yêu người tuyệt vời của Bác .Con đường giải phóng dân tộc, độc lập, thống nhất có nhiều lúc gập gềnh gian nan, Bác không những động viên mọi người vượt qua khó khăn mà còn ân cần dặn dò “Bắc Nam như cội với cành/Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng.” (Thơ chúc Tết năm 1964) hay: “ Miền Bắc thi đua xây dựng/Miền Nam giữ vững thành đồng/Quyết chí bền gan chiến đấu/Hòa bình thống nhất thành công.” (Thơ chúc Tết năm 1956 ).
Niềm tin tưởng vào thắng lợi của kháng chiến như nhựa mạnh trong thân cây, một lời chúc đầu Xuân của Bác Hồ làm cho muôn vàn lộc non nở rộ ở đầu cành, mườn mượt màu xanh hy vọng hướng tiến tới đích thắng lợi. Chúc Tết – mừng xuân năm 1968 Bác viết:“ Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên!Toàn thắng ắt về ta”. Năm 1968, Bác đi dưỡng bệnh ở nước ngoài, nhưng tin vui chiến thắng liên tiếp báo về Bác đã làm bài thơ “không đề”: “Đã lâu không làm bài thơ nào/Nay lại thử làm xem ra sao/Lục khắp giấy tờ vần chẳng thấy/Bỗng nghe vần “Thắng” vút lên cao”.
Bài thơ Chúc Tết Kỷ Dậu - 1969 của Bác trở thành lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết của Tổ quốc, là lời hịch của cha ông ta vang vọng từ ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với muôn đời con cháu: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn”.
Lời hịch của Quang Trung Nguyễn Huệ được phát ra từ mùa Xuân Kỷ Dậu – 1789 quyết đánh tan 29 vạn giặc Thanh xâm lược đến bài thơ “Mừng Xuân 1969” của Bác Hồ - mùa Xuân Kỷ Dậu – 1969 cách nhau 180 năm đều thể hiện quyết tâm đánh đến tên xâm lược cuối cùng phải cút khỏi Tổ quốc ta!
Qua những bài thơ mừng xuân của Bác, chúng ta càng nhận thức sâu sắc:
Một là, kiên định tư tưởng chính trị. Niềm tin vào tương tai tươi sáng của dân tộc, độc lập, ấm no hạnh phúc xuyên suốt từ bài thơ đầu tiên năm 1942 đến bài thơ cuối cùng trước khi Người về với thế giới người hiền năm 1969. Trong 22 bài thơ Người thể hiện sự kiên định quyết tâm bằng những những từ và những mệnh đề “nhất định thành công” (thơ chúc tết 1947), “quyết thành công” (1948), “nhất định thắng lợi” (1950), “Chiến thắng trăm phần trăm” (1952) “nhất định hoàn toàn thành công” (1954) “ắt thành công” (1965) “toàn thắng ắt về ta” (1968). Bác nhắc đến con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thật sảng khoái, tin tưởng “Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi” (1961), "Chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi" (1965), đó là con đi tới tương lai “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh” (1961).
Hai là, khoa học và độc đáo. Bác là một nhà cách mang lão luyện, là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, danh nhân văn hóa thế giới. Bác làm thơ là vận động cách mạng, đưa đường lối của Đảng thấm sâu vào quần chúng bằng hình thức rất độc đáo. Thơ là tiếng lòng, tiếng của con tim. Nhịp tim của Người và nhịp tim của nhân dân đã hòa điệu làm một. Bác chọn thời điểm giao thừa, lúc mà mỗi người đang ngây ngất, lâng lâng trạng thái tinh thần phấn chấn để tiễn năm cũ đi và đón chào năm mới. Bác vừa tổng kết những công việc, những thắng lợi của năm cũ và chờ đón định hướng mới, nhiệm vụ mới bằng những vần thơ. Đúng như một nhà báo Mỹ đã cảm nhận: “Chủ tịch Hồ chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt kháng chiến bằng những vần thơ…” Thơ chúc Tết - mừng xuân của Bác đi vào lòng người vì Bác nói một cách dễ hiểu, sâu sắc, hàm súc về những vấn đề trung tâm của cách mạng, đáp ứng sự chờ đón, khát khao của quần chúng, giải đáp những câu hỏi của thời đại. Những bài thơ chúc Tết của Bác đều xuất phát từ yêu cầu, từ nhiệm vụ của cách mạng. Chất liệu của thơ Bác là chất liệu của hiện thực được ánh sáng lý tưởng soi rọi nên vừa chân thật, vừa bay bổng. Tất cả đều hài hòa trong cái nhìn toàn diện, thấu đáo. Những bài thơ ấy đã đi vào nhân dân, nhân dân nhận thức rõ đường lối cách mạng, mục tiêu cách mạng và ý thức được nhiệm vụ của mình một cách rõ ràng với quyết tâm cao.
Ba là, thơ của Bác vừa dân tộc vừa đại chúng. Dân tộc ta có truyền thống khai bút làm thơ, làm câu đối vào ngày xuân để chúc tụng nhau, để ca ngợi cuộc sống, ca ngơi thiên nhiên tươi đẹp. Từ khi Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng, ta có thơ chúc Tết- mừng xuân của Bác. Đầu năm Bác đọc thơ chúc Tết, “Mấy câu thành thật nôm na” (1952) hay “Mấy lời thân ái nôm na” (1964) khởi sắc lên hương, thấm vào lòng, in vào trí nhân dân ta, trở thành một niềm vui đầu xuân đối với mọi lứa tuổi, chan hòa với các niềm tin chung của dân tộc trong ngày Tết. Đọc thơ Bác và qua những biểu hiện thực tế trong cuộc sống hằng ngày của Bác, ta thấy Bác yêu thương con người, quan tâm chăm sóc, động viên mọi người vươn lên cùng đồng tâm hiệp lực trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Chúng ta từng biết, trong thời khắc giao thừa linh thiêng vào ngày mùng Một đầu năm mới, Bác thường đến thăm những gia đình lao động Thủ đô nghèo khó ở một số ngõ phố, hoặc về ăn Tết với đồng bào Hà Bắc. Có năm Người lại đến tận mâm pháo chúc mừng bộ đội, hoặc đi trồng cây với cán bộ và nhân dân trên đồi Vật Lại (Hà Tây cũ)… Tình yêu thương quốc dân, đồng bào của Bác thật vô cùng sâu sắc, mênh mông.
Bốn là, thấm đượm tinh thần quốc tế trong sáng. Tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản Bác đã nêu lên bằng mệnh đề “Bốn phương vô sản đều là anh em” điều này cũng thể hiện xuyên suốt trong thơ chúc Tết – mừng xuân của Bác “Các mạng thành công khắp thế gian” (1942), “Mừng phe dân chủ hòa bình thế giới” (1953), “Mừng Việt Nam, mừng thế giới” (1961)…Sự đoàn kết ấy nhằm những mục tiêu lớn của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, là hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước, các dân tộc. Tinh thần quốc tế trong sáng là phẩm chất đạo đức, là yêu cầu đạo đức nhằm vào mối quan hệ rộng lớn, vượt qua khuôn khổ quốc gia dân tộc.
Dù 50 mùa xuân đã trôi qua, trên sóng radio, đồng bào cả nước không còn được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trong thời khắc giao thừa thiêng liêng. Nhưng khi xuân sang, quyện trong chồi xuân biếc, sắc thắm hoa xuân, hòa cùng nhịp đập trái tim hân hoan của hàng triệu người con đất Việt, những bài thơ chúc Tết của Bác như còn mãi ngân vang. Từng từ, từng ý thơ của Người đã tạc vào núi sông và bừng sáng như ngọn lửa thiêng, soi tỏ đường cách mạng cho dân tộc vững bước trên con đường ấm no, hạnh phúc.
Sỹ Thành ( Theo Xây dựng Đảng)