Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu

Đã 70 năm trôi qua, nhưng tác phẩm “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, theo Người, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó ắt có tham ô, lãng phí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (Ảnh tư liệu) 

Trong hơn 92 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn vượt qua những thử thách lớn để không chỉ giữ vững vị trí lãnh đạo của một Đảng cầm quyền mà còn luôn xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc. Đó là vì Đảng không chỉ luôn tự chỉnh đốn và đổi mới mà còn thường xuyên phòng và đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, bệnh quan liêu - những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.  

1. Chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, bệnh quan liêu gắn với đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân

Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng giành chính quyền đã khó, nhưng giữ chính quyền và xây dựng một chế độ xã hội mới còn khó hơn nhiều, nên trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Người không chỉ rất quan tâm, sớm tiên liệu và chỉ rõ những nguy cơ, từng tệ nạn liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí, bệnh quan liêu - con đẻ của chủ nghĩa cá nhân; chỉ ra  cách phòng, chống, đấu tranh chống "kẻ thù nội xâm" đó, mà Người còn luôn gương mẫu thực hiện; đồng thời, yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và nhân dân cùng làm theo.

Vì thế, khi chính quyền cách mạng được thiết lập và vận hành trong toàn quốc; khi trong các cơ quan công quyền đã xuất hiện sự lãng phí của công, bệnh quan liêu, cửa quyền, nạn tham ô, tham nhũng… thì Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phiền lòng trước sự lên mặt của những “ông quan cách mạng”, những "quan phụ mẫu của dân" mà Người còn rất nghiêm khắc tự phê bình và nhận trách nhiệm trước quốc dân. Người đã tự phê bình rằng: "Chính phủ do tôi đứng đầu chưa làm việc gì đáng kể cho nhân dân… Có thể nói rằng: những khuyết điểm đó là vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này, lẽ khác. Nhưng không, tôi phải nói thật: những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi"[1].

Theo Người, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó ắt có tham ô, lãng phí và nơi nào bệnh quan liêu càng nặng, thì ở nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô, càng nhiều hiện tượng tham nhũng. Vì vậy, để Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong/cầm quyền/độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì càng khó khăn, gian khổ, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng càng phải nỗ lực rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cụ thể là, trong mọi mặt công tác và cuộc sống đời thường, người cán bộ, đảng viên vừa phải thực hành tiết kiệm, phòng và chống tham ô, tham nhũng,  lãng phí, bệnh quan liêu, vừa phải đấu tranh chống "kẻ địch nội xâm" luôn tiềm ẩn trong mình - đó chính là chủ nghĩa cá nhân. Nơi nào, thời điểm nào mà chủ nghĩa cá nhân phát tác, thì nơi đó, khi đó người cán bộ cách mạng sa vào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vì thế mà nguồn sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất trong từng tổ chức cơ sở Đảng cũng bị rạn nứt và niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, chính quyền cũng bị xói mòn.

Đặc biệt, tháng 3/1952, khi cả nước đang phải tập trung mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ngày càng quyết liệt; khi yêu cầu và đòi hỏi phải tập trung trí lực, sức mạnh của khối đại đoàn kết của toàn dân tộc, nhất là sự nêu gương về đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trở nên cấp bách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”. Trong đó, Người nhấn mạnh rằng để có thể thực hiện được “trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh”, thì tất yếu Đảng, Chính phủ và mỗi cán bộ, đảng viên đều phải đẩy mạnh:

“- Thi đua giết giặc, thi đua tăng gia, thi đua tiết kiệm, và

- Chống nạn tham ô,

- Chống nạn lãng phí,

- Chống bệnh quan liêu”[2].

Nói về những vấn nạn này, Người chỉ rõ: Theo khoa học thì "tiết kiệm là tích cực chứ không phải tiêu cực", vì “tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”[3]; “tiết kiệm là cốt để “ta có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng của ta về mọi mặt cũng tăng gấp bội”[4]. Cho nên, "tất cả mọi người đều phải tiết kiệm"; mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, đoàn thể đều cần phải “tiết kiệm sức lao động”, “tiết kiệm thời giờ”, “tiết kiệm tiền của”, đặc biệt là “vừa thi đua tăng gia sản xuất, vừa thi đua tiết kiệm” để đưa sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc mau chóng đến thành công. Đồng thời, Người cũng khẳng định, tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu rất nguy hiểm, giống như cỏ dại, nên cần phải "nhổ cỏ cho sạch", vì "nếu không, thì nó sẽ làm hại đến công việc của ta".

Tuy tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu biểu hiện trong đời sống xã hội dưới nhiều dạng; và đối với từng đối tượng cụ thể có sự khác nhau, song tham ô, tham nhũng chính là các hành động/biểu hiện: “ăn cắp của công làm của tư”, “đục khoét của nhân dân”, “ăn bớt của bộ đội”, “tiêu ít mà khai nhiều"; là "ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”… Còn sự  “lãng phí sức lao động”, “lãng phí thời giờ”, “lãng phí tiền của"… thì "tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi còn tai hại hơn nạn tham ô”[5]. Cho nên, không chỉ coi “tham ô là trộm cướp” và chỉ rõ mối quan hệ “có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu”[6], Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh rằng, những người, những cơ quan mắc bệnh quan liêu là do “không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng”, “không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn”, thành thử "có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững"[7], nên đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí hoàng hành.

Cũng theo lời Người, tuy tham ô, tham nhũng, lãng phí, bệnh quan liêu “không mang gươm súng” nhưng lại là kẻ thù khá nguy hiểm. Vì nó “nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta” và “cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến… làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”, nên chúng đều là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân. Vì, trong khi các chiến sĩ đã hy sinh xương máu, đồng bào đã hy sinh mồ hôi, nước mắt để góp sức cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, thì những kẻ tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu đã "phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân" nên chúng đều "là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”[8].

Và cũng vì thế, phòng, chống và đấu tranh với những tệ nạn, với những "con đẻ" của chủ nghĩa cá nhân dễ lây lan, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến chính trị và làm xói mòn lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước này cũng “quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”. Hơn nữa, theo Người, để giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh trên "mặt trận tư tưởng và chính trị"[9] này, thì mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức cơ sở Đảng đều “ắt phải chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”.

Trên thực tế, không phải đến năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới bàn về tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu và chỉ ra tác hại của nó đối với Đảng, Nhà nước và xã hội, song phải đến tác phẩm này Người mới nêu chi tiết các biện pháp để không chỉ "đánh thông tư tưởng" mà còn giúp mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân hiểu rõ hơn tác hại của tham ô, tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu. Những chỉ dẫn của Người trong tác phẩm đã giúp mỗi người hiểu đúng bản chất của các tệ nạn; để "sửa chữa những ý nghĩ sai lầm" và tránh coi nhẹ tác hại của chúng/tránh coi “tham ô là có tội, song lãng phí chỉ là một khuyết điểm”. Đồng thời, thông qua đó, cũng khắc phục quan niệm "yên định những lo ngại không đúng" để tránh quan niệm “một sự nhịn, chín sự lành", kiểm thảo nhau làm gì trong tự phê bình và phê bình; tránh suy nghĩ sai lầm rằng: nếu tự nhận thì sợ mất thể diện, sợ mất uy tín, sợ bị phạt, nên ai tham ô, lãng phí thì mặc, còn mình “không tham ô, lãng phí thì thôi”, v.v..

Để thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu hiệu quả, thiết thực, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu rõ cách thức nghiên cứu những tài liệu về tiết kiệm, về tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu để tiến hành, sửa chữa những căn bệnh đó với tinh thần “giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”, mà Người còn yêu cầu phải có khen thưởng và kỷ luật công minh khi thực thi phong trào này. Quán triệt sâu sắc rằng: "Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng"[10] và "chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ"[11], Người nhấn mạnh các nguyên tắc tiến hành trên tinh thần "từ trên đến dưới phải đồng tâm hiệp lực để thắng lợi trong phong trào này". Cụ thể, là phải làm một cách có trọng tâm, từng bước, phải nắm vững và vào sâu; phải làm từ cấp trên xuống cấp dưới, từ bộ phận chính đến bộ phận phụ. Trong đó, cán bộ cao cấp mỗi nơi phải “thật thà kiểm thảo để làm gương mẫu”, “thật thà báo cáo tình hình của đơn vị mình”, phải kiên quyết “nhổ cỏ” và phải "nắm vững trọng điểm". Trong khi tiến hành phong trào, phải "tổ chức nhóm trung kiên" và khi kiểm thảo thì phải dựa vào sự thực, phải đào tận gốc những khuyết điểm để tránh tình trạng "thoa vẽ, che giấu"; nhất là "ai kiểm thảo đúng người khác, sẽ được khen thưởng", "ai có lỗi mà không thật thà nói ra, sẽ bị kỷ luật" và "ai ngăn cản, đe dọa người kiểm thảo mình, sẽ bị kỷ luật"[12]…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng, tham ô, tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, kẻ thù của việc xây dựng một xã hội cần, kiệm, liêm, chính, nên muốn chiến thắng kẻ thù “ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng”, “phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công”. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh rằng, để chống kẻ thù lúc nào cũng kề cận trong ta, “ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng cách mạng” thì “chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy”, vì sự theo dõi, sự cảnh giác, sự giúp sức nhân dân sẽ là những ngọn đèn pha soi rọi khắp nơi, không để cho tệ nạn tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu còn nơi ẩn nấp, phát tác và hoành hành.

Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại những ý kiến, chỉ dẫn của đồng chí V.I. Lênin và Xtalin: "Chúng ta phải dùng tinh thần bônsêvích mà thực hành một chế độ tiết kiệm nghiêm ngặt"[13]; "chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sự sinh hoạt" và "cần phải chấm dứt nạn phô trương, lãng phí"; "phải chống nạn ăn cắp của công, mà các cơ quan quen gọi là trộm cắp "đường hoàng", vì "tiêu diệt trộm cắp, là một cách để bảo vệ, tiết kiệm và tránh lãng phí" và cần một Cuộc vận động "tiêu diệt lười biếng, nâng cao năng suất, củng cố kỷ luật lao động"… để khẳng định lại sự cần thiết phải kiên quyết chống những tệ nạn này. 

2. Tiếp tục chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, bệnh quan liêu để xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói và viết về vấn đề chống tham ô, tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu đều yêu cầu mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều cần phải "thực hành", chứ không chỉ kêu gọi chung chung là “nên làm” hay là “cần làm”. Bởi theo Người, chú trọng và thường xuyên phòng và đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu sẽ giúp cho mọi người hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn; giúp cho “cán bộ ta cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng, giúp chính quyền ta thành một chính quyền trong sạch, xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào ta”. Bởi theo Người, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ quản lý chính là một điển hình thực tế, vừa sinh động vừa có giá trị thuyết phục hơn nhiều lần những lời kêu gọi, những bài diễn thuyết sáo rỗng. Và chính Người, từ khi còn bôn ba tìm đường cứu nước, bị tù đày, ở trong chiến khu hay khi đã trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước thì cũng luôn là một tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực. Người suốt đời phấn đấu, tận tâm, tận lực vì Tổ quốc và nhân dân; luôn giản dị, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và tài sản của nhân dân, tránh lãng phí khi không cần thiết. Với Người - không có gì là của riêng, tất cả cuộc đời Người đều thuộc về Tổ quốc và nhân dân và "- Giàu sang không thể quyến rũ, - Nghèo khó không thể chuyển lay, - Uy vũ không thể khuất phục"[14].

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ và căn dặn về phòng và đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu từ thập niên 1950 gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn được quán triệt và triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, hội nhập. Thực tế, những kết quả đạt được trong đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, bệnh quan liêu thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội… đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, cùng với thời gian và nhất là dưới tác động của nền kinh tế thị trường, thì dường như những thói hư, tật xấu, những biểu hiện tiêu cực, suy thoái vốn là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà lại càng "trỗi dậy". Văn kiện Đại hội XI, XII, XIII của Đảng đều đã có những đánh giá nghiêm túc về những biểu hiện suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và đi liền cùng đó là yêu cầu phải tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với phòng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân nói chung, tham ô, tham nhũng, quan liêu, lãng phí nói riêng.

Đặc biệt, cùng với tham ô, tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu, những biểu hiện tiêu cực khác của cán bộ, đảng viên cũng được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" (với 27 biểu hiện suy thoái); đồng thời, sẽ tiếp tục được chỉ ra cụ thể theo đúng tinh thần của Quy định số 32-QĐ/TW ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị về "Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" (ăn cắp vặt; nhận phong bì; cục bộ; lợi ích nhóm; bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất; thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân…).

Thực tế toàn cầu hóa sâu rộng cho thấy rằng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi thì Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: Đó chính là sự biến chuyển khôn lường của tình hình thế giới và khu vực; là những hệ lụy từ đại dịch Covid-19; từ những ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, hạn hán và cả những nguy cơ, tác động từ sự suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang đe dọa sự tồn vong của một Đảng cầm quyền. Vì vậy, hơn bao giờ hết, càng tự hào về một Hồ Chí Minh “suốt đời thanh bạch chẳng vàng son”, “suốt đời không có gì là của riêng”, càng đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì toàn Đảng, toàn quân và toàn dân càng phải quán triệt và hành động để biến những giá trị tinh thần lớn lao trong di sản của Người thành sức mạnh vật chất, để nhân nguồn sức mạnh nội lực dân tộc Việt Nam trong hành trình đi tới tương lai.

Có thể khẳng định rằng, 70 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, những phân tích, cảnh báo và chỉ dẫn của Người vẫn vẹn nguyên giá trị hiện thực. Trong bối cảnh đất nước tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và đổi mới, hội nhập quốc tế Đảng càng phải nỗ lực để hoàn thành trọng trách trước Tổ quốc và nhân dân. Vì thế, để Đảng xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân/xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì toàn Đảng cần quán triệt và tập trung thực hiện những giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương về yêu cầu phải tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là gốc, là nền tảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng theo Nghị quyết Đại hội XIII gắn với đẩy mạnh đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm và các Quy định về nêu gương…

Hai là, mỗi tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, cơ quan, đơn vị các cấp đều phải chủ động phòng và đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu; chống chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo; phòng và chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ gắn với nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát theo kế hoạch, định kỳ, đột xuất các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ theo đúng phương châm gắn chống với xây, xây với chống... Thông qua đó, kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh, ngăn chặn các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân từ sớm, từ xa, không để bùng phát, lây lan, làm ảnh hưởng đoàn kết nội bộ và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật, Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, để Đảng trong sạch, vững mạnh từ cơ sở.

Ba là, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, quản lý các cấp; của cán bộ, đảng viên về rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phong cách, phương pháp công tác trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm. Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải luôn tự giác thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư gắn với phòng, chống, đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân nói chung, với chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu nói riêng theo đúng tinh thần Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương "về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương"; coi đây là việc làm thường xuyên, nền nếp, trở thành nhu cầu tự thân.

Bốn là, thực hiện tốt hơn nữa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo Nghị quyết Đại hội XIII cảu Đảng; dựa vào nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong phòng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống các tệ nạn, các biểu hiện tiêu cực, suy thoái trên tinh thần nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu những ý kiến phù hợp để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Phải thông qua phong trào cách mạng của quần chúng để xem xét, phát hiện và lựa chọn những người ưu tú kết nạp, bổ sung vào đội ngũ của mình những người đủ đức và tài; đồng thời, thông qua sự giám sát của nhân dân để đánh giá cán bộ, đảng viên và lấy kết quả công việc, sự hài lòng, sự tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng từng cấp ủy, từng tổ chức và từng cán bộ, đảng viên cũng như chất lượng cả đội ngũ./.

---------------------------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.192

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.351

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.352

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.354

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.357

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.357

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.357

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.357

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.358

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.361

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.362

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.361

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.367

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.50

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam