Tiếng chuông ngân nga tại “Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2018”

Nhiều gương mặt quen thuộc bước ra từ cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” là trụ cột của các vở diễn dự thi tại “Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2018”.


NSƯT Hồ Ngọc Trinh trong vở "Cuộc đời của mẹ"

Tiếng chuông ngân nga

Khán giả đã được gặp lại nhiều giọng ca quen thuộc, từng đạt giải cao ở cuộc thi Chuông vàng vọng cổ do HTV tổ chức như: Chuông vàng 2015 - Nguyễn Thanh Toàn (vở Thành phố buổi bình minh), Chuông vàng 2008 - Võ Thành Phê (vở Lối về), Chuông bạc 2006 - Hồ Ngọc Trinh (vở Cuộc đời của mẹ), Chuông vàng 2013 - Nguyễn Thị Luận (vở Hiu hiu gió bấc), Chuông bạc 2016 - Trịnh Thị Ngọc Huyền (vở Rạng ngọc Côn Sơn)… và nhiều thí sinh đạt giải cao khác như: Thanh Nhường, Hoàng Oanh, Vĩnh Sơn, Diễm Kiều, Võ Hoàng Dư… Hầu hết các giọng ca đều đã trưởng thành và đủ sức làm chủ sân khấu. Đó là một trong những điểm đặc biệt nhất của liên hoan cải lương năm nay.

Không chỉ có sự tiến bộ trong làn hơi, giọng ca, các diễn viên xuất thân từ Chuông vàng vọng cổ do HTV tổ chức còn cho thấy khả năng diễn xuất chững chạc và có nghề hơn so với những gì đã thể hiện ở cuộc thi trước đây.


Chuông vàng 2008 - Võ Thành Phê trong vở "Lối về" (Công ty TNHH Hồng Lạc Xuân)

Dấu ấn “Thành phố buổi bình minh”

Điểm đáng chú ý tại liên hoan năm nay là không ít vở diễn đề tài lịch sử, chính trị, xã hội đã tạo ấn tượng với khán giả. Trong đó, phải kể đến vở cải lương Thành phố buổi bình minh (tác giả: Xuân Đức, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Phan Quốc Kiệt) – là tác phẩm hợp tác giữa Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Công ty Truyền thông Văn hóa VHT đã chính thức ra mắt khán giả tại thành phố Tân An, tỉnh Long An vào ngày 9/9. Vở có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ: NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lam Tuyền, Thanh Toàn, Thy Phương, Tiến Dũng, Mỹ Linh, Văn Hợp…

Trong dòng chảy các tác phẩm đề tài truyền thống cách mạng ở Liên hoan năm nay, Thành phố buổi bình minh đã khai thác câu chuyện hoàn toàn khác, không phải là những chiến công oanh liệt trên chiến trường hay nỗi niềm thời hậu chiến, mà là “cuộc chiến mới” của những người cách mạng trong vai trò những nhà quản lý ngày đầu đất nước thống nhất.

Vở diễn đã thể hiện một giai đoạn của Thành phố trong những ngày đầu mới giải phóng còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm sâu sát, sự chỉ đạo kịp thời của các lãnh đạo giỏi, đã giúp cuộc sống người dân dần ổn định.


Cảnh trong vở "Thành phố buổi bình minh"

Những năm đầu sau giải phóng, TP. Hồ Chí Minh còn bộn bề những khó khăn vì hậu quả của chiến tranh cùng những bất cập từ chính sách so với tình hình thực tiễn. Là người con của vựa lúa Nam bộ, và không cam tâm để người dân phải đói. Cả Thành ủy, đứng đầu là Đồng chí Bí thư Võ Văn Kiệt do NSƯT Lê Tứ thể hiện phải lo “chạy gạo” cho dân.


NSƯT Lê Tứ trong vở "Thành phố buổi bình minh"

Vở diễn tập trung khai thác những suy tư, trăn trở, những nỗ lực tìm cách “cởi trói” đưa Thành phố vượt qua thách thức. Vở diễn đã khắc họa được phần nào hình tượng đồng chí Võ Văn Kiệt với phong cách phóng khoáng, gần gũi nhân dân, coi trọng người tài và sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trái chiều vì sự phát triển chung.

Bên cạnh đó, một nhân vật khác mà khán giả ấn tượng trong vở diễn đó là tiến sĩ Duy Mão (do Nguyễn Thanh Toàn thể hiện). Đây là một trí thức du học từ nước ngoài về, anh mang theo mình lý tưởng sẵn sàng phục vụ cho đất nước. 

Tuy nhiên, khi đặt chân đến Thành phố, trước mắt anh là những hình ảnh khó khăn của người dân về kinh tế, những bất cập về cơ chế. Chán nản, bất mãn, anh đã nhiều lần vượt biên nhưng không thành. Sau này, đồng nghiệp của anh cho biết, người đã giải thoát cho anh sau những lần vượt biên không thành đó chính là đồng chí Võ Văn Kiệt – người mà chính anh đang bất mãn. Hiểu được tấm lòng, tiến sĩ Duy Mão xóa tan mọi hiểu lầm trước đây và trở thành “cánh tay đắc lực” cho lãnh đạo Tthành phố trên bước đường xây dựng, kiến thiết. 


Chuông vàng 2015 – Nguyễn Thanh Toàn trong vai Duy Mão 

Thanh Toàn cho biết: “Đây là một vai diễn hay, có chiều sâu tâm lý, nhiều đất diễn và cũng là một thử thách không nhỏ cho Toàn. Không sống trong thời kỳ thiếu thốn của những năm đầu giải phóng, nhưng Toàn cảm nhận được những khó khăn của người dân qua những tư liệu Toàn góp nhặt, tìm tòi, cộng với sự hướng dẫn của NSND Trần Ngọc Giàu, đạo diễn Quốc Kiệt...

Duy Mão là vai diễn hay của vở, Toàn thích thể hiện với những vai tính cách cũng như một Trần Thủ Độ mà mình từng thể hiện trước đây. Điểm nhấn của nhân vật này chính là đoạn tự sự trước di ảnh của mẹ và người vợ quá cố đã mất vì chiến tranh. Có khán giả khi xem xong đã gặp Toàn và nói: Nãy cô ngồi xem mà khóc theo con luôn! Toàn vui lắm vì thực sự khiến khán giả khóc với nhân vật của mình chính là thành công”.

Thành phố buổi bình minh đã mang về thành tích: Huy chương Vàng – vai Võ Văn Kiệt (NSƯT Lê Tứ); Huy chương Bạc - vai Duy Mão (Chuông vàng - 2015 Nguyễn Thanh Toàn); Huy chương Bạc - vai Hai Đảm (Chuông vàng 2014 - Nguyễn Minh Trường).

Có thể thấy, những gương mặt nghệ sĩ trẻ sáng giá tại Liên hoan cải lương năm nay đã đáp ứng cho sàn diễn nghệ thuật truyền thống cả về sắc vóc và nội lực. Đây chính là nguồn nhân lực quý cho việc phát triển sân khấu cải lương. 

Phan Thanh