“Tiếu lâm nhạc hội” và những thông điệp giàu tính nhân văn

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, hay “Lá lành đùm lá rách”..., cùng nhiều thông điệp gần gũi, có tính giáo dục đã được đông đảo khán giả đón nhận ở chương trình “Tiếu Lâm nhạc hội”.


Trà Ngọc, Ngọc Hoa cùng các diễn viên nhóm Tươi khiến khán giả rơi nước mắt khi đem vấn nạn bạo hành gia đình lên sân khấu

"Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng"

Người ta thường ví von trẻ con giống như một tờ giấy trắng mà ở đó người lớn rất dễ vẽ nên những đường nét hình thành nên tính cách cho con trẻ. Nếu ba mẹ là những người tốt, có lối sống chuẩn mực sẽ là tấm gương tốt cho con cái noi theo; nhưng ngược lại, nếu môi trường của con trẻ đầy hướng tiêu cực, bạo hành hoặc có những tính xấu sẽ trực tiếp ảnh hưởng xấu đến tính cách của con trẻ. 

Bọn trẻ trong tiểu phẩm của nhóm Tươi là những đứa trẻ ngoan ngoãn, ngây thơ nhưng sâu trong tâm thức luôn là nỗi ám ảnh khi đứa thì có ba đam mê rượu chè, hễ say lại về đánh đập mẹ con chúng; đứa thì có mẹ nghiện cá độ đá banh, cứ cách vài ngày lại đưa chúng "du lịch" từ quận này qua quận khác để trốn chủ nợ. Ba mẹ chúng thì cứ thế xoay vòng giữa vòng xoáy nợ nần, say xỉn cho đến một ngày, họ bừng tỉnh khi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện đầy nước mắt giữa những đứa trẻ. Họ hiểu ra rằng, mình phải là những tấm gương sáng và tạo ra một môi trường trong lành để cho con cái phát triển.

"Không thầy đố mày làm nên" 

Nghề giáo thường được ví như nghề lái đò và thầy cô là những người đưa đò. Những chuyến đò âm âm thầm, lặng lẽ chở những chuyến đò tri thức cập bến tương lai. Thế nhưng, có những cô cậu học trò lại không hiểu được điều thiêng liêng ấy, trong lòng luôn thắc mắc rằng tại sao phải đi học? Thay vào đó, họ có thể đi lao động, kiếm tiền, đặc biệt là những bạn có gia đình khó khăn.

Chính vì suy nghĩ như thế mà Huỳnh Nhu và Huỳnh Quý ôm mộng làm giàu, được đổi đời mà trong phút giây nông nỗi đã cố tình làm cho thầy giáo của mình tức giận bỏ đi. Sau đó, hai anh chàng cùng bạn học của mình tìm cơ hội sang nước ngoài làm việc. Và quả thật, “Không thầy đố mày làm nên”, cả hai nhận “trái đắng” vì những suy nghĩ, tính toán bồng bột. Cuối cùng, nhờ sự ra mặt của thầy giáo nên họ mới may mắn thoát nạn. 

Thông qua tiểu phẩm này, người xem phần nào hiểu được câu nói Không thầy đố mày làm nên trong hoàn cảnh này. Vì thiếu hiểu biết, không nghe lời khuyên từ thầy cô nên các bạn trẻ gặp nguy hiểm. Nhóm Xuân Cười đã rất thành công khi truyền tải thông diệp ý nghĩa và vô cùng thực tế này thông qua tiểu phẩm của mình. Không những vậy mà nhóm còn khiến người xem cười nghiêng ngả vì diễn xuất duyên dáng và hài hước của Huỳnh Nhu và Huỳnh Quý.


Các diễn viên của nhóm Xuân Cười đã mang đến một tiểu phẩm nhiều ý nghĩa về đạo nghĩa thầy trò

"Lá lành đùm lá rách" 

Lá lành đùm lá rách là câu tục ngữ mà nhóm Hảo Hảo lựa chọn để truyền tải trong tiết mục này, thông qua câu chuyện về những đứa trẻ bán vé số có số phận gắn liền với sự bất hạnh, nghèo khổ, bệnh tật. Trong giây phút túng quẫn, phải kiếm tiền trị bệnh cho đứa em nhỏ ở nhà, những đứa trẻ đã quyết định làm một chuyện "động trời" đó chính là sửa số trên tờ vé số nhằm biến một tờ vé số bỏ đi thành một tờ vé số trúng thưởng. 

Cả 3 anh em tự biết rằng, đây là một hành động sai trái nên trong lòng thấp thỏm lo âu. Cuối cùng giấy cũng không gói được lửa, trò lừa vặt vãnh đó liền bị vạch trần qua con mắt của bà chủ quầy bán vé số. Tuy nhiên, bà không tố cáo 3 đứa trẻ mà chỉ nhẹ nhàng khuyên nhủ chân thành và cho 3 anh em mượn tiền giúp em út trị bệnh. Cảm động trước tình cảm của bà, 3 anh em hứa rằng sẽ không tái phạm, cố gắng thành những con người tốt, có ích cho người khác.


Nhóm Hảo Hảo đã lựa chọn để truyền tải câu chuyện về những đứa trẻ bán vé số có số phận gắn liền với sự bất hạnh, nghèo khổ, bệnh tật được bà chủ quầy vé số mở lòng giúp đỡ

"Người trong giang hồ" 

Nhóm Hey Men lấy ý tưởng từ Người trong giang hồ - một bộ phim ăn khách của Hồng Kông có 6 phần xoay quanh các nhân vật chính và các băng đảng xã hội đen khét tiếng. Trong tiểu phẩm, Lạc Hoàng Long và Tuấn Dũng vào hai đại ca giang hồ trong cùng một xã đoàn đang tranh giành quyền quản lý khu chợ.

Để giành phần thắng, giữa họ đã xảy ra không ít cuộc chiến từ sử dụng mưu kế đến dùng bạo lực, tuy nhiên, khi cùng đối mặt với nguy hiểm từ một thế lực khác mang đến, họ đã đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn. Chính điều này đã khiến chị Mười Chín - vợ của ông trùm quyết định trao quyền quản lý khu chợ lại cho cả hai. Không có những chi tiết hành động "gây sốc", tiết mục của nhóm Hey Men vẫn thể hiện được trọn vẹn cái hồn của những người trọng tình trọng nghĩa, hung hăng nhưng cũng đầy đạo nghĩa nơi “xã hội đen”.


Chuyển thể một tác phẩm đình đám như “Người trong giang hồ” trên sân khấu hài, Lạc Hoàng Long và Di Dương đã lần lượt hóa thân thành đại ca của những băng đảng “xã hội đen” ấy

"Gieo gió gặt bão, ác giả ác báo" 

Nhân quả báo ứng là một thông điệp được truyền rất nhiều qua những câu chuyện cổ tích và ngụ ngôn của Việt Nam, từ đó mà ông bà xưa có câu “Gieo gió gặt bão hay ác giả ác báo” để nói về những người chuyên làm việc ác, hãm hại người khác, sớm hay muộn ắt sẽ phải lãnh hậu quả.

Với ý tưởng đó, nhóm Mọc đã xây dựng lên một vở kịch đầy ý nghĩa mà trong đó, nam diễn viên hài Hà Linh hóa thân thành Thầy đồ “một bụng văn thơ”. Ông có một cô con gái và 2 người học trò. Biết học trò tư chất thông minh nhưng lại mãi chẳng chịu lai kinh ứng thí, ông đành cùng con gái và cậu học trò còn lại bày kế nhà bị mất chiếc tráp vàng và đuổi anh học trò kia ra khỏi nhà, hòng ép anh quyết tâm ứng thí.

Câu tục ngữ "Gieo gió gặt bão", "Ác giả ác báo" chính là dành cho ông bá hộ (Dương Thanh Vàng đóng) và con trai khi vì yêu thích con gái của thầy đồ, muốn đem cô về làm con dâu, làm vợ đã sẵn sàng "tát nước theo mưa" làm nhân chứng giả để vu oan cho anh học trò nghèo - người con gái thầy đồ đem lòng yêu mến. Vì thế, khỏi phải nói họ đã run sợ như thế nào khi biết anh học trò nghèo kia đỗ Trạng về làng và cuối cùng đã nhận về kết cục vô cùng thích đáng.


Nam diễn viên hài Hà Linh (thứ 2 từ phải qua) hóa thân thành Thầy đồ “một bụng văn thơ”. Trong lớp học, thầy đồ phát hiện cái tráp của mình bị mất. Lúc này, các học trò của thầy đồ nghi ngờ lẫn nhau thậm chí còn vu oan cho người tốt
Mạnh Nguyễn