Di ngôn của Bác đơn giản, mộc mạc và chân thành, nhưng ý nghĩa và giá trị thực tiễn dành cho hậu thế lại rất sâu xa, bao quát những giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.
50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi vào vĩnh hằng. Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam một bản Di chúc thiêng liêng, gói ghém đầy đủ nhất những tình cảm yêu thương:
“Di chúc Người viết cho ta, đâu phải vì Người
Bác sợ khi Bác đi rồi, ta sẽ lạnh
Sợ ta đau, sợ ta rồi lơ đễnh
Sợ ta quên
Người gởi lại một niềm tin”
(trích “Di chúc của Người” của Chế Lan Viên)
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến rất nhiều vấn đề: về Đảng, về tình đoàn kết, về lực lượng đoàn viên thanh niên, về công cuộc kháng chiến chống Mỹ, về phong trào cộng sản thế giới, về việc riêng…
Và điều không thể thiếu trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là Người viết về nhân dân lao động. Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng giờ đây đọc lại bản Di chúc này, thế hệ hôm nay như cảm nhận được văn kiện này chỉ mới viết ngày hôm qua, bởi Bác đã căn dặn những việc phải làm, bao việc cấp bách mà toàn Đảng, toàn dân thực hiện có tính thực tiễn và ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Bản Di chúc chỉ hơn 1.000 từ nhưng đã kết tinh được tất cả trí tuệ, tâm hồn, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số
Tư tưởng Hồ Chí Minh phản ánh trong Di chúc có tầm chiến lược, là những chỉ dẫn quan trọng của Đảng trong hoạch định đường lối, phương hướng, xác định nhiệm vụ, kế hoạch, chính sách, chương trình hành động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm đưa đất nước phát triển bền vững, nhất là trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong Di chúc là đạo đức cách mạng với hệ chuẩn mực giá trị cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đó cũng là đạo đức hành động, mà điểm đặc biệt nhấn mạnh là đạo đức và sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền. Đó là đạo đức trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân, giữa Nhà nước với nhân dân, sự quan tâm chăm lo của Đảng đối với giáo dục, rèn luyện đạo đức trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ tương lai của đất nước.
Bút tích bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Năm mươi năm là một mốc thời gian mang nhiều ý nghĩa trọng đại trong việc thực hiện Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh. Tinh hoa Di chúc của Người không chỉ trong câu chữ, mà còn ở những hành động đầy trách nhiệm của một lãnh tụ đối với Đảng, nhà nước và chính quyền, sự cống hiến hết mình của một công dân gương mẫu đối với đất nước, sự trung thành và phụng sự dân tộc Việt Nam của một nhân cách vĩ đại.
Di ngôn của Bác đơn giản, mộc mạc và chân thành, nhưng ý nghĩa và giá trị thực tiễn dành cho hậu thế lại rất sâu xa, bao quát những giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Di chúc Hồ Chí Minh là ngọn đuốc lớn, góp phần soi tỏ con đường đi đến tương lai của dân tộc Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đã đạt được những kết quả và thành tựu tốt đẹp
Thùy Trang