Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công chúng Việt Nam lần đầu tiên biết đến cách đây 93 năm, khi nó được đăng trên báo "Chuông Rè" (La cloche fêléc) ở Sài Gòn vào năm 1926. Người phụ trách tờ báo này là nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng Nguyễn An Ninh.
Năm 1848, trước những lập luận xuyên tạc của những phần tử phản động trong giai cấp tư sản, Marx và Engels đã thảo ra bản tuyên ngôn được coi là cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Bản tuyên ngôn đã trình bày những quan điểm nhằm đáp lại “câu chuyện hoang đường về chủ nghĩa cộng sản”. Trải qua hơn 170 năm, những luận điểm cơ bản trong Tuyên ngôn vẫn có sức sống, vẫn cổ vũ và thúc đẩy các lực lượng cách mạng và tiến bộ, tiếp tục chiến đấu cho một thế giới văn minh, công bằng và nhân đạo.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công chúng Việt Nam lần đầu tiên biết đến cách đây 93 năm, khi nó được đăng bằng tiếng Pháp trên báo Chuông Rè (La cloche fêléc) ở Sài Gòn vào năm 1926. Người phụ trách tờ báo này là nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng Nguyễn An Ninh (1900 – 1943).
Báo "Chuông Rè"
Một chiến sĩ cách mạng kiên cường
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng miêu tả Nguyễn An Ninh là “một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, kiên quyết đấu tranh vì Tổ quốc và dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng”.
Nguyễn An Ninh sinh ngày 13/9/1900 tại quê ngoại ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Ông lớn lên và học tập tại quê nội ở xã Trung Mỹ Tây, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Thân sinh của ông là nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Khương, là một trong những người nhiệt liệt cổ vũ phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ và cũng là một trong những người đầu tiên hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Người ta kể lại rằng, khi ông Nguyễn An Khương xin cho con được qua Pháp tiếp tục học, ông đã đưa con lên Lăng Ông (Bà Chiểu) bắt thề không bao giờ thay đổi chí hướng để theo bả vinh hoa và phải luôn luôn nghĩ đến Tổ quốc. Về sau, ông Ninh đã giữ đúng lời thề đó.
Năm 1917, khi đang học tại trường Cao đẳng Luật và cai trị ở Hà Nội, ông bỏ sang Pháp thi lấy bằng tú tài ở trường trung học tại Bordeaux rồi thi đậu vào khoa luật trường đại học Sorbonne ở Paris và tốt nghiệp cử nhân luật tại đây. Trong thời gian 5 năm ở Pháp (từ 1917 đến 1922), ông đã tiếp xúc với các nhà trí thức yêu nước Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền và đặc biệt là với Nguyễn Ái Quốc. Họ hình thành một nhóm 5 nhà yêu nước lớn mà Việt kiều tặng cho danh hiệu là Ngũ Long. Nguyễn An Ninh đã viết một số bài báo đăng trên các tờ Le Libertaire, Europe, La Tribune Annamite, đề cập đến việc phổ cập các tư tưởng tiến bộ của cách mạng Pháp “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” cho người dân Việt. Ông tham gia Hội liên hiệp thuộc địa, có quan hệ với những lãnh tụ nổi tiếng của Đảng Cộng sản Pháp như: Marcel Cachin, Paul Vaillant Couturier, Gabriel Péri.
Nguyễn An Ninh khi du học ở Pháp
Tháng 10/1922, ông trở về Sài Gòn, từ chối lời mời ra làm quan của chính quyền thuộc địa và bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng gian khổ và không gián đoạn cho đến khi từ trần trong nhà tù Côn Đảo.
Hai buổi diễn thuyết đầu tiên của ông tại Hội khuyến học Nam Kỳ đề cập đến các vấn đề dân trí và lý tưởng của thanh niên đã gây ra tiếng vang lớn. Ông cho xuất bản từ báo Chuông Rè (La cloche fêlée) để truyền bá những tư tưởng tiến bộ, lên án chế độ thực dân Pháp. Từ năm 1923, ông đã là người bạn cùng lý tưởng với Hà Huy Tập, Ung Văn Khiêm, Châu Văn Liêm (sau này đều trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản). Ông lập ra một tổ chức yêu nước có tên là Thanh niên Cao Vọng, mà thực dân gọi là Hội kín Nguyễn An Ninh.
Về sau, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều đảng viên Thanh niên Cao Vọng được ông giới thiệu gia nhập Đảng Cộng sản. Bản thân ông không vào Đảng, nhưng ông đã tích cực tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, cổ động tích cực để cho các đại biểu lao động như Nguyễn Văn Tạo (đảng viên cộng sản), Trần Văn Thạch trúng cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn (1933). Ông cũng là người tích cực vận động cho việc tổ chức Đông Dương Đại Hội năm 1936, theo chủ trương của Đảng Cộng sản.
Nguyễn An Ninh khi bị bắt lần thứ năm (1939)
Trước sau, ông bị thực dân Pháp bắt giam 5 lần, tổng số thời gian ông bị giam trong tù là 3.363 ngày, tức là gần 10 năm. Lần thứ năm, ông bị bắt vào ngày 4/10/1939, bị kết án 5 năm tù và 10 năm biệt xứ. Ông bị đưa ra Côn Đảo ngày 10/12/1940, khi phát xít Nhật tràn vào Đông Dương. Chúng cử đại diện ra Côn Đảo mời ông đứng ra cộng tác với Nhật, nhưng ông kiên quyết từ chối. Không chịu nổi chế độ hà khắc trong nhà tù, ông qua đời ngày 14/8/1943, năm 43 tuổi.
Báo “Chuông Rè”
Nguyễn An Ninh là nhà hoạt động cách mạng, đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo xuất sắc. Ngoài hai bài diễn văn nổi tiếng bằng tiếng Pháp, tại Hội khuyến học Nam Kỳ, ông còn soạn nhiều tác phẩm bằng tiếng Việt như: Hai Bà Trưng (tuồng hát), Tôn giáo (sách nghị luận), Dân ước, dân quyền, dân đạo (trích, dịch cuốn Le Contrat social của Jean Jacques Rousseau), Phê bình Phật giáo.
Tác phẩm "Hai Bà Trưng" của Nguyễn An Ninh
Về hoạt động báo chí, ông viết cho nhiều tờ báo bằng tiếng Pháp và tiếng Việt như: Le Paria (của Nguyễn Ái Quốc), La Lutte (Tranh đấu của ĐCS Việt Nam), Trung lập, Đuốc Nhà Nam.
Tờ Chuông Rè (La cloche fêlée, nếu dịch đúng thì gọi là Chuông Rạn) đánh dấu một sự kiện quan trọng lịch sử báo chí cách mạng ở miền Nam. Đây là một tờ báo công khai theo xu hướng mác-xít và chủ nghĩa xã hội, ra đời trong một xã hội bị thực dân đè nén và khủng bố gắt gao. Tại sao lại không ra bằng tiếng Việt mà bằng tiếng Pháp? Bởi vì lúc bấy giờ, báo tiếng Việt bị hạn chế bởi luật thuộc địa, chẳng những không được tự do ra báo mà còn bị kiểm duyệt gắt gao. Còn báo tiếng Pháp thì được theo luật báo chí dân chủ của nước Pháp. Nếu người quản lý là người Pháp hoặc có quốc tịch Pháp thì chỉ cần nộp lá đơn xin phép là ra báo ngay, không phải chờ lệnh cho phép của nhà cầm quyền, hơn nữa lại không bị kiểm duyệt.
Hai nhân vật chính của tờ báo là Jean de la Batie và Nguyễn An Ninh, về sau có thêm luật sư Phan Văn Trường tham gia. Báo ra tất cả được 62 số, từ số 1 ngày 10/12/1923 đến số 62 (ngày 3/5/1926), sống được gần 2 năm rưỡi. Tòa soạn báo đặt tại số 29 đường Pierre Flandin (ngày nay là đường Bà Huyện Thanh Quan).
Số ra đầu tiên đăng bài Tiếng chuông đầu (Le premier son de cloche) của Nguyễn An Ninh, dưới bút danh Nguyễn Tịnh. Trong số báo này, trong bài Gửi đồng bào (Aux compatriotes), Nguyễn An Ninh viết: “Để có hiệu quả chắc chắn, công tác tuyên truyền của chúng tôi phải có thể tác động đến càng nhiều người càng tốt. Chúng tôi cũng sẽ phải có một cơ quan báo bằng chữ quốc ngữ, chúng tôi không phải thuộc hạng người mới bập bẹ vài câu tiếng Pháp đã vội vàng muốn bỏ tiếng mẹ đẻ của mình. Những kiến thức mà nước Pháp truyền cho chúng tôi, thay vì làm cho chúng tôi xa rời, cách biệt thì lại làm cho chúng tôi trở về với nòi giống của chúng tôi. Chúng tôi mong tất cả những người An Nam tin tưởng vào tương lai của đất nước, hãy góp viên đá của mình vào tòa nhà mà chúng tôi muốn xây dựng”.
Tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Marx và Engels được đăng toàn văn bằng tiếng Pháp trên tờ Chuông Rè, nhưng chia ra nhiều kỳ, từ số 53 (29/3/1926) đến số 60 (26/4/1926). Ngoài ra, ban biên tập còn viết lời giới thiệu như sau:
“Từ ít lâu trong nước An Ninh của chúng ta, người ta thường nói đến chủ nghĩa cộng sản và ở đây cũng như khắp mọi nơi, có những người nói đến nó trong lúc họ không biết một tí gì về chủ nghĩa cộng sản…”.
“… Trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi cho rằng sẽ bổ ích nếu tái bản cho độc giả của chúng tôi bản tuyên ngôn nổi tiếng của Karrl Marx và Friedrich Engels, nhằm giúp cho những ai chưa từng nghiên cứu cái học thuyết xã hội này có được một ý nghĩa tốt nói chung”.
“… Dù tán thành hay chống lại một học thuyết, điều cần thiết là phải hiểu chí ít những nguyên lý để có thể đánh giá đúng giá trị của nó”.
Trần Vĩnh An