Xem xét phương án thành lập Hội đồng tư vấn về chuyển đổi số để giúp quá trình đầu tư đồng bộ, khoa học; tập trung công tác truyền thông, nhân rộng các ứng dụng phục vụ người dân, giảm thủ tục hành chính thông qua kết nối thủ tục định danh,…
Đoàn giám sát UBMTTQ Việt Nam TP.HCM do Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM Phạm Minh Tuấn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong việc công khai, minh bạch thực hiện thủ tục hành chính nhà nước liên quan đến công tác chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, qua 2 năm triển khai thực hiện, chương trình Chuyển đổi số và Đề án xây dựng TPHCM trở thành Đô thị thông minh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, TP.HCM đã có những kết quả đáng kể. Theo đó, xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của Thành phố liên tục nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố ở thứ hạng cao (năm 2020 đứng thứ 5, năm 2021 đứng thứ 3, năm 2022 đứng thứ 2).
Ngoài ra, năm 2022, tỷ lệ đóng góp kinh tế số cho GRDP của Thành phố ước đạt 18,66% (xếp hạng 7). Năm 2023, TP.HCM vinh dự nhận giải thưởng về hạng mục Chính phủ số xuất sắc do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) bình chọn.
Với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu triển khai chương trình, đề án, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành Chương trình tổng thể triển khai đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025 và Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM, trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt chương trình này.
Trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, Sở ra mắt Cổng thông tin Chuyển đổi số của TP.HCM, phát hành định kỳ bản tin Chuyển đổi số, tham mưu tổ chức các hội thảo, hội nghị liên quan.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch, phương án Chương trình chuyển đổi số và Đề án đô thị thông minh phải linh động, điều chỉnh kịp thời phù hợp với các quy định, giải pháp mới, hiện đại, tuân thủ theo kiến trúc Chính phủ điện tử và đô thị thông minh của Việt Nam; quy định về Luật đầu tư công và Luật ngân sách nhà nước.
“Đảm bảo việc đầu tư, xây dựng các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các đơn vị trên địa bàn Thành phố trong triển khai Chính quyền số phải tổng thể, phát triển đồng bộ trên cơ sở của hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu dùng chung theo Kiến trúc chính quyền điện tử và đô thị thông minh của Thành phố nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, tiết kiệm, hạn chế trùng lắp, liên thông kết nối, kế thừa và đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, Sở Thông tin và Truyền thông cho hay.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Thành ủy, UBND TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông đã soạn thảo và trình đề án thành lập Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM; Triển khai các hoạt động nhằm đổi mới tư duy và nhận thức về chuyển đổi số thông qua các sự kiện, các chương trình đào tạo, huấn luyện, truyền thông về chuyển đổi số; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ số.
Đồng thời, tổ chức lại hệ thống đánh giá chỉ số kinh tế số bài bản, khoa học, duy trì hoạt động thường xuyên; Thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế số của Thành phố; Triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số; Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số để thực hiện các nhiệm vụ được giao; kỹ năng ứng dụng công nghệ số và an toàn thông tin; trong đó đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng nêu một số khuyết điểm, hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số như việc tổ chức thực hiện dự án thuộc Đề án đô thị thông minh, đặc biệt các dự án có quy mô lớn còn chậm; nguồn nhân lực có chuyên môn cao còn hạn chế; công tác tuyên truyền chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát cùng Sở Thông và Truyền thông thảo luận một số vấn đề gồm: hợp tác quốc tế về chuyển đổi số; đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật giữa các khu vực; nhân sự, con người trong tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các vấn đề trên không gian mạng; tuyên truyền sâu, rộng các sản phẩm chuyển đổi số; tập trung phát triển xã hội số, doanh nghiệp số; xử lý, phát hành văn bản trên nền tảng số; tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, xây dựng, quy hoạch; quy định, quy chế về ứng dụng các văn bản điện tử;…
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng nhấn mạnh, TP.HCM đang thúc đẩy ba trụ cột trong chuyển đổi số gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính quyền số là trụ cột trọng tâm, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp trong các hoạt động giao dịch hàng ngày.
Thời gian tới, Sở sẽ có những biện pháp thúc đẩy kinh tế số, hướng đến TPHCM năm 2030 đi đầu cả nước về trụ cột này. Nhằm phát triển xã hội số, bên cạnh nền tảng số, thương mại điện tử, các công cụ giao tiếp giữa chính quyền và người dân, Sở đang triển khai hai giải pháp là phủ sóng hạ tầng viễn thông và thiết bị thông minh đến toàn bộ người dân trên địa bàn.
Trưởng đoàn giám sát Phạm Minh Tuấn đánh giá Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện tốt vai trò của cơ quan thường trực trong thực hiện chương trình Chuyển đổi số và Đề án xây dựng TP.HCM trở thành Đô thị thông minh.
Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM Phạm Minh Tuấn lưu ý Sở Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục là đơn vị tiên phong trong công tác này. Đồng thời, đề xuất có thể thành lập hội đồng tư vấn về chuyển đổi số, qua đó giúp quá trình đầu tư đồng bộ, khoa học. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung công tác truyền thông, nhân rộng các ứng dụng phục vụ người dân, xác định mảng công việc chủ trì dẫn dắt các hệ thống phục vụ đi theo, giảm thủ tục hành chính thông qua kết nối thủ tục định danh,…
Sỹ Thành (Theo: chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn)