Tuy không sở hữu ưu thế "thiên thời, địa lợi" như những thí sinh ở khu vực miền Nam, hai giọng ca đến từ miền Bắc là Vũ Thị Nguyệt và Lê Trung Tuấn vẫn xuất sắc vượt qua gần 30 thí sinh để góp mặt trong vòng Chung kết Chuông vàng vọng cổ 2019.
Trò chuyện cùng Trung Tuấn và Vũ Nguyệt trước đêm thi đầu tiên của vòng Chung kết, cả hai thí sinh đã thể hiện rõ tinh thần sẵn sàng chấp nhận thật bại để học hỏi và trưởng thành khi tham gia Chuông vàng vọng cổ.
* Cơ duyên nào đưa bạn đến với bộ môn nghệ thuật cải lương?
Trung Tuấn: Có lẽ là do sở thích. Từ lúc nhỏ tôi đã thích nghe cải lương, hát tuồng trên radio, băng casette... Từ từ sở thích lớn dần thành đam mê và tôi quyết định học bài bản để theo nghề luôn.
Vũ Nguyệt: Sự thật là nghề chọn tôi. Những năm còn đi học phổ thông, tôi chỉ là cô gái thích múa hát nhưng chẳng biết gì về cải lương. Năm cuối cấp 3, tình cờ gần nhà tôi có dán bảng thông báo tuyển sinh chương trình học kết hợp giữa Đại học Sân khấu Điện ảnh và Nhà hát Cải lương Việt Nam. Vì thích đi theo con đường nghệ thuật mà tôi đăng ký thi tuyển và đậu vào trường. Lúc học, tôi mới biết vọng cổ, cải lương là như thế nào và bắt đầu học bài bản từ con số 0.
Vũ Thị Nguyệt và Lê Trung Tuấn là hai thí sinh đại diện cho miền Bắc có mặt tại vòng Chung kết Chuông vàng vọng cổ 2019
* Bạn có gặp áp lực không khi giọng ca miền Bắc khá lẻ loi giữa đông đảo thí sinh xuất thân từ "cái nôi của cải lương, vọng cổ"?
Trung Tuấn: Tôi cảm thấy mình may mắn khi có mặt trong vòng chung kết, điều đó đã có thể gọi là thành công và hạnh phúc đối với tôi. Khi đăng ký tham gia cuộc thi này, việc giao lưu với bạn bè cả nước và học hỏi thực tiễn từ các nghệ sĩ gạo cội trong nghề mới là mục tiêu chính của tôi. Vì vậy, tuy biết khó nhưng tôi không cảm thấy bị áp lực, chỉ cần nỗ lực hết khả năng của mình là được rồi.
Vũ Nguyệt: Tôi có gặp một chút áp lực, nhưng đó là áp lực mặc nhiên có khi tham gia bất kỳ cuộc thi nào chứ không phải vì mình lẻ loi. Tôi vào đây không phải thi vì một thành tích nào cả, mà kỳ vọng của bản thân là được học hỏi nhiều hơn trong bộ môn nghệ thuật mà mình theo đuổi. Chính vì vậy, được tham gia một cuộc thi cùng với những người bạn xuất thân từ "cái nôi của cải lương, vọng cổ" lại càng là điều tôi mong đợi.
* Trở lại lần thứ hai với Chuông vàng vọng cổ 2019, bạn đã chuẩn bị "hành trang" kiến thức và kinh nghiệm như thế nào?
Trung Tuấn: Lần đầu tiên tôi đăng ký tham gia Chuông vàng vọng cổ là vào năm 2014, khi đang còn là sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Tuy không đủ lực đi sâu vào các vòng trong nhưng tôi đã may mắn được khán giả bình chọn là một trong những thí sinh miền Bắc được yêu thích nhất, đó vừa là kỷ niệm đẹp vừa là động lực giúp tôi theo đuổi đam mê của mình. Sau khi tốt nghiệp, tôi công tác tại Nhà hát Cải lương Việt Nam. Nhờ những vai diễn được giao, được các thầy cô chuốt bài mà năm nay trở lại với Chuông vàng vọng cổ, tôi không chỉ mang theo giọng ca, kiến thức mà còn thêm một chút kinh nghiệm diễn xuất trên sân khấu. Điều đó cũng giúp tôi phần nào tự tin hơn.
Vũ Nguyệt: Năm 2016 là năm đầu tiên tôi dự thi Chuông vàng vọng cổ và dừng chân ở top 12. Lúc đó tôi chỉ là sinh viên năm hai của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, chỉ mới biết hát cải lương một khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng nhờ sự động viên và cổ vũ của thầy cô, bạn bè nên tôi đi thi thử để hiểu hơn về con đường mình đang theo đuổi. Tôi không nghĩ việc dừng chân ở top 7 là thất bại mà là may mắn vì cơ duyên đó đã giúp tôi nhìn rõ hơn về khả năng của mình, thiếu ở đâu và thừa chỗ nào. Từ đó, tôi điều chỉnh, học hỏi thêm để hoàn thiện hơn khi trở lại cuộc thi trong lần thứ hai này.
Cảm ơn Vũ Thị Nguyệt và Lê Trung Tuấn, chúc các bạn gặt hái được kết quả như mọng đợi trong vòng Chung kết!
Đêm Chung kết 1 Chuông vàng vọng cổ 2019 sẽ diễn ra vào lúc 20g30 tối nay (8/9) tại Nhà hát Đài Truyền hình TP.HCM, truyền tiếp lúc 21g cùng ngày trên sóng HTV9.
Bảo Châu