Khoảnh khắc cuộc đời - Tập 326

Trần Anh Tuấn: 30 năm miệt mài với “tiếng động”

Góp phần tạo nên thành công của một bộ phim ngoài diễn viên và kịch bản, thì những người phía sau hậu trường cũng vô cùng quan trọng. Trong đó có nghề lồng tiếng động trong phim - một công việc đã tồn tại trong thầm lặng.

Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia lồng tiếng động cho phim

Đến với chương trình "Khoảnh khắc cuộc đời" là ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia lồng tiếng động. Ông giải thích thêm: "Việc lồng tiếng nhân vật thì có các diễn viên. Còn tôi chỉ làm tất cả những gì phát ra tiếng động trên phim. Ví dụ, diễn viên đi đứng phát ra tiếng động, vỗ tay, vỗ vai, hay người ta xách túi, đẩy vali, hoặc tiếng đất cát bung lên khi bom rơi, đạn nổ... Ngoài ra còn có những tiếng phức tạp khác như tiếng giã gạo, xay lúa, núi lở, tiếng lội qua suối... Tóm lại, tôi chỉ không sử dụng miệng, còn mọi vật dụng khác tôi đều dùng".

Ông Tuấn xác định: "Thực sự, bước chuyển rõ nét nhất, cũng như khoảnh khắc tôi chuyển sang nghệ thuật là muốn giải tỏa cảm xúc thất bại trong lần tuyển diễn viên kịch nói của Hội Sân khấu. Cuộc đời tôi chưa bao giờ gặp phải cảm giác hụt hẫng đến thế. Sau đó, tôi tìm gặp Ban giám hiệu của trường Nghệ thuật Sân khấu, thì thầy hiệu trưởng nói tôi hãy vào trường học. Tôi quyết định bỏ công việc ở xí nghiệp đang làm, đi rửa chén thuê để có tiền học nghệ thuật".

 Khoảnh khắc ông chuyển sang nghệ thuật là để giải tỏa cảm xúc thất bại

Ông cho biết, mình bén duyên với nghề lồng tiếng động bắt đầu từ lồng tiếng nhân vật. Năm 1992, khi ông đang học tại trường Nghệ thuật Sân khấu 2 thì cố nghệ sĩ Hồng Phúc - ông trùm lồng tiếng lúc bấy giờ vào trường để tìm diễn viên cho phim Ông cố vấn của nhà văn Nguyễn Hữu Mai, do Hội Nhà văn Việt Nam sản xuất. Đây là một bộ phim tập hợp giọng nói từ các vùng miền, và ông được tìm để lồng vai giọng Huế. Ông kể: "Đến nơi thử giọng có rất nhiều người gốc Huế, tôi nghĩ chắc mình không cạnh tranh nổi. Vậy mà cuối cùng tôi được chọn. Vì họ lồng được giọng chuẩn nhưng không lồng được vào hồn của nhân vật.

Sau đó, tôi tiếp tục lồng tiếng Huế ở những bộ phim khác với thầy Minh Khánh. Hồi trước, nghề lồng tiếng khó lắm, không giống như bây giờ có kĩ thuật vi tính. Bước vào phòng thu chỉ một micro, cả 10 người lồng mà 9 người làm được, chỉ 1 người bị chập một tiếng là phải làm lại hết. Vì vậy, khi bước vào lồng tiếng, một diễn viên mới như tôi rất áp lực tâm lý. Sợ các đàn anh đàn chị làm tốt mà mình làm hỏng việc của người ta. Lồng tiếng được thêm vài phim thì thầy Khánh nói tôi ở lại lồng tiếng động với thầy. Cũng là duyên trời kêu chứ tôi có biết lồng tiếng động là gì".

Ông nói mình được nghề lồng tiếng động chọn

Phim đầu tiên ông Tuấn lồng tiếng động là phim Hạ sĩ quan của đạo diễn Lê Dũng. Đầu tiên, thầy cho ông thử cầm búa gõ vào bánh xe để tạo tiếng động. Vì tiếng động phải bao quát màn hình chứ không phải chỉ một chỗ, nên ông không biết phải làm sao. Mà một mình ông làm không được thì mọi người phải làm lại hết. Ông tâm sự: "Bén duyên là vậy nhưng tôi phải theo thầy hết 10 năm. Mười năm trời bước ra ngoài tôi giống như vịt bước ra biển lớn, không biết phải làm gì. Sau đó, vì lớn tuổi, thầy không làm được nữa và vì nhu cầu xã hội nên mới kéo tôi sang. Thật sự tôi không chọn nghề tiếng động, tôi không thể làm được. Nhưng tôi đã quay lại thì chứng minh tôi thuộc dạng được nghề chọn".

Sau này ông tự nhận phim, trách nhiệm thuộc về ông hoàn toàn thì khó đến mấy ông cũng làm cho bằng được, chứ không được phép bỏ qua. Nhiều khi ông thức tới hai ba giờ sáng rồi vắt tay lên trán trăn trở, không biết ngày mai ông sẽ lấy cái gì để tạo ra được tiếng động phù hợp. 

Nhắc về đặc điểm của lồng tiếng động, một số người làm công việc này thường mua tất cả mọi thứ có thể tạo được tiếng động mà họ cần. Nhưng theo ông Tuấn, việc này cần phải có quá trình, không phải cứ có tiền là mua sắm được. Ông hay lượm lặt những vật dụng người ta bỏ ngoài đường để thiết kế lại theo đúng ý mình. Cứ thế, ông Tuấn đã làm nghề được gần 30 năm. Đến bây giờ, ông mới cảm thấy hạnh phúc với nghề, còn trước đây là vì gian nan, khó khăn quá. 

"Khoảnh khắc cuộc đời" phát sóng lúc 22g45 hàng ngày trên kênh HTV9. 

Hoàng Dương