Trần Bạch Đằng là một nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo Việt Nam. Ông còn là một nhà chính trị lão thành của Việt Nam đã tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945.
Chân dung Nhà báo Trần Bạch Đằng
Nhà báo Trần Bạch Đằng tên tên thật là Trương Gia Triều, sinh ngày 15/7/1926 tại Rạch Giá, Kiên Giang trong một gia đình truyền thống với những tên tuổi đã đi vào lịch sử của đất nước như: ông cố nội là nhà chí sĩ yêu nước Trương Gia Mô, cụ Trịnh Hoài Đức, Trần Hữu Độ... Là người có năng khiếu văn chương từ nhỏ nên khi còn là cậu học trò lớp nhất trường Bến Cá – Biên Hòa, ông đã nổi tiếng vì làm báo tường chế diễu những thói hư tật xấu, những bất công lố bịch trong trường và ngoài xã hội.
Ông đến với cách mạng từ khi mới 17 tuổi như là điều tất yếu và sẵn sàng đối mặt với cái chết hàng trăm lần không chùn bước, cũng còn bởi “trong đồng bào tôi có vợ, con và cháu tôi” – cái chân lý thật giản dị đó đã đem lại nguồn sức mạnh vô tận cho ông cũng như cho bao người cộng sản lớp cha anh chúng ta giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh không cân sức chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.
Nhà báo Trần Bạch Đằng (thứ 2 từ trái sang) tại chiến khu Lộc Ninh năm 1972
Đầu năm 1946, sau ngày Nam Bộ kháng chiến, Trần Bạch Đằng từ quân đội được Đảng điều về công tác ở Thành ủy lâm thời Sài Gòn – Chợ Lớn, rồi sau đó ông trở thành thư ký tòa soạn của tờ báo chuyên viết xã luận và bình luận thời sự. Cũng từ đây như một duyên nợ, Trần Bạch Đằng luôn luôn gắng bó với sự nhiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Cầm bút hơn 60 năm, ông có nhiều bút hiệu như: Hưởng Triều, Nguyễn Hiểu Trường, Nguyễn Trương Thiên Lý, Trần Quang... và sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau.
Tuy nhiên, sau ngày giải phóng, các bài thơ, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết của ông mới được tập hợp và xuất bản. Bộ tiểu thuyết 6 tập Ván bài lật ngửa của ông sau đó cũng được chuyển thể thành kịch bản phim và là bộ phim nhựa dài nhiều tập đầu tiên của Việt Nam, cùng với tiểu thuyết Chân dung một quản đốc đã dánh dấu bước thành công lớn trong lĩnh vực văn học và cũng là bước ngoặt của nhà chính trị cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng. Từ một nhà chính trị cấp cao, tuyên huấn tư tưởng, ông trở thành một nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà báo lão thành tài năng, sáng giá trên bầu trời văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Nhà báo Trần Bạch Đằng (thứ hai từ bên phải) trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp tại tòa soạn Báo Tuổi Trẻ, ngày 15/7/1996
Người ta gọi ông là một trong những người thủ lĩnh trên mặt trận văn hóa tư tưởng, sẵn lòng đọc ông, tin ông và nghe ông nói. Nhắc đến ông là nhắc đến hàng ngàn bài báo sắc sảo, những bình luận không khoan nhượng, độ rung cảm tinh tế trước cuộc sống, tình cảm sâu đậm với người dân lao động... Ông cũng là một cây bút tích cực phê phán tiêu cực và có nhiều kiến nghị sâu sắc về việc đổi mới đất nước, ở đâu có những vấn đề bức xúc, nan giải là ở đó có ông. Không những vậy, các bài viết của ông còn cho người đọc một lượng thông tin cao như một công trình nghiên cứu mà tác giả là người am hiểu thấu đáo cả diện rộng lẫn chiều sâu của vấn đề. Các nhà xuất bản, các tòa soạn tìm đến ông như tìm về một người cố vấn nhiều kinh nghiệm, con người đầy trách nhiệm với sự nghiệp báo chí của lớp trẻ.
Nhà báo Trần Bạch Đằng và ông Lê Văn Nuôi
Ngày 16/4/2007, ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng, gia tài ông để lại không gì cao quý hơn đó chính là hành trang của một người cầm bút giản dị mà cao cả. Với thời lượng 25 phút 2 tập, bộ phim tài liệu Trần Bạch Đằng – một người cầm bút phần nào giới thiệu đến khán giả xem Đài cuộc đời và sự nghiệp của ông – nhà cách mạng lão thành, nhà nghiên cứu uyên bác, nhà báo đầy nhiệt huyết.
Đón xem bộ phim "Trần Bạch Đằng – một người cầm bút" phát sóng lúc 8g thứ năm 20/6 và thứ sáu 21/6 trên kênh HTV9.
Thùy Trang