Khoảnh khắc cuộc đời - Tập 42

Trần Đức An: Giấc mơ đưa sản phẩm vươn tầm thế giới

Khởi nghiệp lần đầu tiên bị thất bại, mất trắng hai tỉ đồng, Trần Đức An đã vực dậy, ngược đường trở lại vạch xuất phát để đưa sản phẩm vươn tầm thế giới.

Năm 2018, chưa ai biết sâm Ngọc Linh là gì dù sản phẩm này đã được xuất khẩu đi nhiều nước. Từ khi Thủ tướng Chính phủ công nhận sâm Ngọc Linh là quốc bảo thì người dân Việt mới bắt đầu đón nhận. Đó là cả một quá trình đánh đổi mồ hôi và nước mắt để có được thành công mà anh Trần Đức An - Giám đốc điều hành nhãn hàng sâm Ngọc Linh chia sẻ với Khoảnh khắc cuộc đời.

Sâm Ngọc Linh tên thật là Sâm Ngọc Lĩnh, được phát hiện từ nhiều thế hệ trước trong vùng núi Ngọc Lĩnh. Năm 1973, người thầy phát hiện ra loại sâm này đã quyết định đổi tên Ngọc Lĩnh thành Ngọc Linh để tránh tai mắt của thực dân Pháp, nhằm bảo tồn dược liệu quý hiếm của dân tộc. Qua nhiều thế hệ, sản phẩm này đã được nhân giống và đang được người Việt lẫn quốc tế tin dùng.

Trần Đức An: "Thua lỗ 2 tỉ từ khi mới khởi nghiệp, nhưng tôi không sợ hãi!"

Thất bại 2 tỉ đồng

Năm 2009, Đức An tốt nghiệp đại học và được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Vào thời điểm đó, Đức An cũng bắt đầu tìm hiểu về sâm tươi mà gia đình anh và bà con ở Kon Tum nuôi trồng. Những củ sâm tươi rất dễ hư thối, khó bảo quản nên hiệu suất tiêu thụ của người dân không cao. Đức An nhận ra nhược điểm đó, anh thương công sức của mẹ và người dân vùng cao nguyên, từ đó tìm tòi và bước chân vào con đường kinh doanh sâm.

Sau khi ra trường, Đức An vừa giảng dạy vừa phụ gia đình buôn bán sâm tươi. Năm 2011, Đức An gặp được những người thầy hướng dẫn cho anh chuyên môn về sâm, anh bắt đầu rời giảng đường, tập trrung toàn thời gian để tiến hành nuôi cấy, trồng sâm. Mỗi đợt thu hoạch tốn từ 6-8 năm nên thử thách trên con đường này cũng vô cùng gian truân.

Thời gian đầu, Đức An nghĩ đơn giản rằng cứ áp dụng đúng kỹ thuật thì sâm sẽ sống. Anh phối hợp với người dân bản xứ, giao khoán công việc nuôi trồng cho họ. Nhưng rồi mưa lũ, thời tiết khắc nghiệt ở vùng cao nguyên đã phá hỏng toàn bộ đợt sâm đầu tiên. Số vốn thua lỗ lên đến 2 tỉ đồng khiến thương hiệu sâm Ngọc Linh rơi vào giai đoạn khủng hoảng.

Đi tìm những người thầy, quyết tâm thực hiện giấc mơ nhân giống sâm tươi

Vượt qua khủng hoảng

Xem thất bại như bài học kinh nghiệm đắt giá, Đức An can đảm nhìn nhận lại vấn đề trong sự lựa chọn của mình. Anh nhận ra rằng hành trình của mình bị gãy đổ là do thiếu yếu tố "địa lợi". Vùng đất mà Đức An đầu tư vào không đáp ứng được độ ổn định, an toàn cho việc phát triển nhân sâm. Tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho những vướng mắc, Đức An từng bước trở lại với việc kinh doanh, khôi phục thương hiệu sâm của gia đình.

Không chỉ thành công trong việc khôi phục lại thương hiệu, Đức An còn bảo tồn và nhân giống được loại dược liệu quý hiếm này của Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ vinh danh. Với Đức An, thất bại càng lớn thì bài học càng quý giá, và người không bỏ cuộc đã gặt hái được quả ngọt trên hành trình mới.
Bảo Châu