Đạo diễn

Trần Đức Long: Để “Rừng thiêng” thành phim, càng khó khăn càng thực tế

“Rừng thiêng” tiếp tục khai thác chủ đề nạn phá rừng hiện nay. Phía sau những thước phim khốc liệt và đầy cảm xúc là quá trình ghi hình vất vả của ê-kíp. Thế nhưng, càng trải qua nhiều khó khăn, bộ phim mới đủ thực tế để thuyết phục người xem.


“Rừng thiêng” phản ánh vấn nạn phá rừng nóng bỏng hiện nay

Để thực hiện 30 tập Rừng thiêng, ê-kíp đã phải mất 81 ngày ghi hình, di chuyển hơn 100 cây số mỗi ngày, vượt những cánh rừng sâu cách trung tâm hơn 50km. Và để phục vụ cho cảnh quay, mọi người trong đoàn phim còn phải mang vác bộ các thiết bị vào rừng. Tất cả chỉ là một phần trong hành trình tái hiện vụ án “ăn chặn” kỳ nam. 

Rừng thiêng của bộ đôi đạo diễn Phạm Lộc - Trần Đức Long khắc họa cuộc sống của người dân nghèo, mỗi người mỗi số phận khác nhau nhưng vì cuộc sống túng quẫn nên tìm cách lật cuộc đời sang trang mới. Họ chạy theo kiếp phu trầm, bất chấp phá hoại rừng, để rồi tự chuốc lấy những diễn biến phức tạp, bất hạnh cho chính mình. 

Tạp chí HTV đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Trần Đức Long để hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện 30 tập phim Rừng thiêng.


Đạo diễn Trần Đức Long (ngoài cùng, bên phải) đã mất nhiều thời gian chọn lọc chi tiết đặc sắc đưa lên phim

Chào đạo diễn Trần Đức Long! “Rừng thiêng” là một bộ phim tâm lý xã hội - hình sự, anh đã cảm nhận ra sao khi tiếp nhận kịch bản phim?

Đề tài về thiên nhiên, về môi trường luôn mang cho tôi những ấn tượng đặc biệt. Vì trước đây, khi làm bài tốt nghiệp khóa đạo diễn, tôi cũng từng chọn đề tài này. Do đó, khi lần đầu đọc kịch bản Rừng thiêng, tôi đã cảm thấy rất hứng khởi và vui sướng. 

Anh đã bắt tay thực hiện ý tưởng trong kịch bản như thế nào? 

Quan điểm giữa tôi và biên kịch Rừng thiêng có phần đối nghịch nhau. Trong kịch bản, quá trình sống của các nhân vật chính là khởi điểm để viết lên những bi kịch cuộc đời từ những tham vọng lớn lao. Tôi thì ngược lại, bởi tôi muốn hướng cuộc sống vào những điều tích cực.

Vì hai điểm chênh về quan điểm sống ấy mà tôi có cơ hội gợi mở những cảm hứng mới. Tôi bắt đầu khai thác và đưa các nhận định từ bản thân vào tác phẩm. Đồng thời, việc chọn lọc chi tiết đặc sắc để đưa lên phim cũng chiếm của tôi nhiều thời gian suy nghĩ và cân nhắc. Sau cùng, mục đích của tôi và biên kịch Rừng thiêng là mang đến cho khán giả những cảm xúc chân thật nhất về câu chuyện nhân quả của đời người mà qua đó, các tuyến nhân vật là bằng chứng sống động và thiết thực nhất. 


Quy luật nhân quả được thể hiện sắc nét qua hoàn cảnh của các nhân vật

Vụ án “ăn chặn” kỳ nam đã được đưa lên phim với nhiều chi tiết đắt giá. Vậy “Rừng thiêng” đã được chuẩn bị ra sao để khéo léo tái hiện vấn đề mang tính thời sự này?

Điều đầu tiên tôi muốn đề cập đến công đoạn làm kịch bản Rừng thiêng được chắp bút bởi nhà biên kịch, tác giả Minh Diệu vốn là một nhà báo mảng chính trị - xã hội, và trước đó, chị còn công tác trong ngành công an. Vì vậy, biên kịch Minh Diệu đã có cơ hội tìm hiểu sâu sắc về những câu chuyện có thật này. Do đó, nội dung với chi tiết chị thể hiện trong kịch bản đều là những hình ảnh thật, gần gũi để tôi và đạo diễn Phạm Lộc có thể tái hiện đầy đủ và sống động.

Tuy vậy, phim vẫn sẽ bị đóng khung trong vài giới hạn. Tôi nghĩ rằng việc khai thác kỳ nam hay phá rừng ở thực tế rất khốc liệt nhưng vì giới hạn của phim ảnh, chúng tôi chỉ có thể tái hiện ở góc độ không khí, cảm xúc chân thật nhất cho khán giả mà thôi.  

Như anh đã nói, tuyến nhân vật là bằng chứng sống động nhất, vậy trong lúc ghi hình, anh có yêu cầu gì ở các diễn viên không? 

Các diễn viên đều là những bạn trẻ nhưng rất giỏi về nghề, nên tôi cũng không quá khó khăn để yêu cầu các bạn hóa thân vào nhân vật của mình. Chúng tôi chỉ luôn mong muốn các nhân vật phải có chiều sâu cảm xúc. Đây chính là mấu chốt để phim tác động đến suy nghĩ và cảm nhận của khán giả. 

Bối cảnh chính của phim là trong rừng, chắc hẳn việc bố trí cảnh quay và thực hiện rất vất vả? 

Đúng là địa điểm làm phim trong rừng đã tạo rất nhiều khó khăn cho chúng tôi. Để tìm được những bối cảnh phù hợp, chúng tôi phải đi tới Đắk Lắk nhưng vào sâu trong các buôn, bản và các cánh rừng cách trung tâm thành phố hơn 50km với địa hình rất bất tiện cho việc di chuyển mỗi ngày. Và để mang được thiết bị làm phim vào rừng, nhiều khi anh em phải vừa khiêng vừa đi bộ hàng tiếng đồng hồ. Tất cả chỉ để phục vụ cho những cảnh quay thật nhất trong Rừng thiêng.

Trong số đó, có cảnh quay nào làm anh ấn tượng nhất không? 

Dù quá trình làm phim trong rừng gặp nhiều khó khăn nhưng mỗi cảnh quay đều là kỷ niệm đẹp. Ông bà ta từng nói: “Rừng thiêng nước độc” quả không sai. Tôi và ê-kíp ấn tượng nhất vẫn là những cảnh quay ở thác Trinh Nữ, Đắk Lắk. Con thác được bao quanh bởi một quần thể đá núi lửa nên việc ê-kíp đặt camera và đưa diễn viên ra đúng nơi diễn là một khó khăn lớn. Thêm vào đó, chúng tôi phải thực hiện một cảnh quay bà con vớt gỗ và Năm Phải chết đuối tại đây. Trước địa hình không mấy khả quan, cả đoàn đã vô cùng lo lắng cho cảnh quay. Từ việc tổ thiết kế phải đưa những khúc gỗ to lên đầu nguồn để thả, việc bảo hộ cho diễn viên khi xuống thác vì nước dưới thác rất mạnh và lạnh, bà con nơi đây cũng ít ai dám xuống.


Quá trình ghi hình “Rừng thiêng” gặp không ít khó khăn nhưng đều là kỷ niệm đẹp với ê-kíp

Cảnh quay này cũng khiến diễn viên Huỳnh Huy (vai Năm Phải) đã phải nỗ lực đến mức tay chân không còn cử động nổi. Lúc đó tiết trời rất lạnh, anh em dù ngâm mình dưới nước cả ngày nhưng ai cũng nở nụ cười tươi. Kết thúc cảnh quay cuối cũng là lúc trời “chập choạng” tối, cả đoàn không nghĩ là mình đã làm được. Nhân đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn ê-kíp và diễn viên, họ đã cùng tôi vượt qua mọi khó khăn để mang đến cho khán giả những cảnh phim ấn tượng và chân thật nhất.

Là đạo diễn của “Rừng thiêng”, anh mong muốn khán giả đón nhận phim ở góc độ nào?

Như tôi đã nói lúc đầu, luật nhân quả hiện diện khắp mọi nơi, đặc biệt rất rõ ràng trong phim Rừng thiêng. Những gì Lộc - nhân vật chính trong phim - gây ra thì cuối cùng anh ta cũng nhận lại hậu quả rất rõ ràng. Không chỉ Lộc mà các nhân vật khác cũng như thế. Cho dù bạn là ai, làm gì cũng nên hiểu rằng: mình phải chịu trách nhiệm chính từ những hành động của bản thân. Đó là điều tôi tâm đắc nhất và mong muốn khán giả sẽ đón nhận thông điệp này.

Cảm ơn đạo diễn Trần Đức Long đã chia sẻ nhiều điều thú vị xoay quanh phim Rừng thiêng!
Nguyễn Oanh