Là hậu duệ đời thứ ba của gia đình truyền thống cách mạng, tuy chỉ mới 18 tuổi nhưng Trần Trọng Nghĩa đã tái hiện lại những di tích lịch sử, với ý tưởng thành lập bảo tàng thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại bằng hình ảnh 3D.
Trần Trọng Nghĩa
Trần Trọng Nghĩa là cháu nội của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, hiện chỉ mới 18 tuổi, Trần Trọng Nghĩa đã ấp ủ dự án tái hiện lại các địa điểm về các di tích lịch sử, rồi thành lập bảo tàng thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại bằng hình ảnh 3D. Vậy bảo tàng này hoạt động như thế nào?
Trọng Nghĩa giải thích: "Ví dụ khách tham quan đang đứng trong một không gian trống, nhưng khi họ dùng ứng dụng điện thoại của em thì các nhân vật lịch sử sẽ hiện ra và tương tác với người dùng. Các nhân vật này sẽ kể cho khách nghe về những câu chuyện trong lịch sử".
Mô hình dự án bảo tàng 3D của Nghĩa
Trọng Nghĩa cho biết ban đầu ý tưởng này là của ba em, vì ông muốn xây dựng một viện bảo tàng truyền thống như từ trước tới nay. Nhưng Nghĩa thấy nếu làm vậy thì khách tham quan và các hiện vật không tương tác được với nhau. Thay vào đó, chúng ta sẽ dùng bảo tàng thông minh. Các hiện vật sẽ không lồng vào kính nên khách sẽ có một lực tương tác nhất định - họ có thể chạm vào và nghiên cứu kĩ hơn.
Dự án của Trọng Nghĩa có liên quan đến mong muốn của ba em là hi vọng Nghĩa có thể thừa kế và phục dựng những di tích của ông nội, cũng như những căn hầm mà ông đã đào để phục vụ cho chiến tranh ngày trước.
Một trong những căn hầm thuộc di tích của ông nội Nghĩa
Nghĩa khẳng định mình không làm qua loa chỉ vì trách nhiệm, mà em thật sự muốn gìn giữ những giá trị lịch sử từ thế hệ trước. Đó là khoảnh khắc Nghĩa chấp nhận đi trên một con đường khá chông gai, vì thành lập một viện bảo tàng không hề đơn giản, đặc biệt là ở lứa tuổi của em.
Xem lại "Khoảnh khắc cuộc đời" tập 120 trong đoạn video dưới đây. Đón xem các tập tiếp theo vào 22g45 mỗi ngày trên kênh HTV9.
Kha Đồng