Cúp xe đạp Truyền hình TP.HCM lần thứ 35 năm 2023

Trọng tài - người hùng thầm lặng phía sau Cúp Truyền hình

21 thành viên, có người lần đầu tham dự, có người hơn 20 chục năm đồng hành cùng cuộc đua và đặc biệt, có những người đã gần như dành cả thanh xuân với xe đạp, với cuộc đua Cúp Truyền hình TP.HCM.

Đó là những trọng tài, tuy công việc luôn âm thầm phía sau, nhưng sự đóng góp của họ vô cùng quan trọng, mang lại thành công chung cho cả cuộc đua.

 Tổng trọng tài Bùi Ngọc Trung trao đổi với các thành viên trước mỗi chặng đua

Mỗi người một nhiệm vụ

Tổ Trọng tài tham gia điều hành Cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình TP.HCM lần thứ 35 năm 2023 có tất cả 21 thành viên. Được chia thành nhiều nhóm và mỗi nhóm có một nhiệm vụ khác nhau.


Nhóm kẻ đường có 2 thành viên luôn đi trước đoàn đua một ngày. Nhóm này có nhiệm vụ sẽ kẻ những dấu hiệu trên đường để hướng dẫn cho các tay đua biết đi theo đường nào, còn bao nhiêu mét nữa sẽ đến điểm giải thưởng dọc đường, đỉnh đèo hay đích đến. Đồng thời sẽ thông báo cho Ban điều hành biết những đặc điểm của đường đua thế nào, để kịp thời báo cho các đội có sự chuẩn bị tốt nhất.


 
Nhóm báo giờ (2 thành viên): Nhóm này sẽ di chuyển trên xe máy, lên xuống giữa các nhóm và sẽ thông tin cho các VĐV biết là họ đang cách các nhóm khác với khoảng thời gian bao nhiêu, để các tay đua ra quyết định tiếp tục tấn công hay sẽ đi chậm lại chờ bắt tốp.


 
Nhóm tiếp tế trung gian gồm 4 người, 2 người đi trên xe mô-tô và 2 người trên xe ô-tô. Nhóm này có nhiệm vụ tiếp tế cho các vận động viên khi các xe tiếp tế của đội không thể tiếp cận được tay đua của mình.


Nhóm làm kết quả: đây là nhóm trọng tài sẽ được phân ra ở các điểm giải thưởng dọc đường, đỉnh đèo và đích đến mỗi chặng đua. 

Khi có tách tốp, các trọng tài sẽ chia làm ba nhóm, nhóm phía trước gọi là C2 để kiểm soát tốp các vận đồng viên đi đầu và khi cần thiết có thể hỗ trợ tiếp tế cho các tay đua. Nhóm giữa gọi là C1 có Tổng trọng tài Bùi Ngọc Trung làm nhiệm vụ điều phối chung và xử lý, ra quyết định trong tất cả các tình huống. Nhóm đuôi gọi là C3 có nhiệm vụ giám sát các tay đua rớt lại, gặp sự cố, hoặc quá thời gian quy định để quyết định cho lên xe vớt.

 Hết mình vì đam mê

Trong số 21 thành viên, trọng tài trẻ Trương Anh Việt (Huế) lần đầu tiên đồng hành cùng cuộc đua. Còn lại, các thành viên khác đã có thâm niên từ 5 đến 10 năm. Riêng tổng trọng tài Bùi Ngọc Trung đã có 23 năm gắn bó với Cúp Truyền hình TP.HCM.

Tổng trọng tài Bùi Ngọc Trung

“Thời gian đầu mình đi luật xe đạp khác so với bây giờ. Luật bây giờ cập nhật theo tiến bộ của khoa học nên các trọng tài phải đáp ứng theo. Trình độ chuyên môn của các tay đua cũng thay đổi rất nhiều. Lúc trước chạy với tốc độ chậm, qua từng năm, tốc độ càng tăng và đặc biệt khi có sự tham dự của các tay đua nước ngoài, buộc đội ngũ trọng tài phải đầu tư trang thiết bị tốt hơn; áp lực công việc cũng lớn hơn do yêu cầu phục cho khán giả nên kết quả phải làm thật nhanh và chính xác. Trước kia có khi tối mới ra kết quả, thậm chí để luôn sáng mai, giờ thì chỉ sau 15 phút phải có”. Tổng trọng tài Bùi Ngọc Trung chia sẻ.

Dù đối mặt với áp lực, nhưng tất cả các thành viên đều luôn hăng say làm việc với tinh thần và trách nhiệm cao nhất. Họ luôn muốn hoàn thành công việc bằng cả lòng đam mê, nhiệt huyết và cả lòng tự trọng của người cầm cân nảy mực. 

Dành hết thanh xuân cho xe đạp và cuộc đua

Trong số 21 thành viên tổ trọng tài tham gia điều hành cuộc đua, có hai nhân vật gần như đã gắn bó cả thanh xuân của mình cho xe đạp và Cuộc đua đó là trọng tài Nguyễn Văn Hiệp và Trần Văn Thưởng.

Từng giành Áo Vàng chung cuộc Cúp Truyền hình TP.HCM năm1994 dưới màu áo Cảng Sài Gòn, trọng tài Nguyễn Văn Hiệp sau đó làm nhân viên của Cảng. Những đêm nằm nhớ cái nắng bất tận của xe đạp, ông Hiệp xin đi học lớp trọng tài và cứ lâu lâu lại vắng mặt để làm nhiệm vụ tại những giải đấu lớn.

Trọng tài Nguyễn Văn Hiệp luôn công tâm dù “từng là đồng đội ăn chung mâm, ngủ chung chiếu với nhiều HLV”

 Từng nắm ghi-đông, ông Hiệp biết rõ chiêu thức, chiến thuật và những mưu mẹo lách luật của từng VĐV như thế nào. Do vậy, vị trí lưu động trên đường đua thường được phân cho vị trọng tài mang tiếng “khó chịu” và “hay la” này. Ông Hiệp bộc bạch: “Từng là đồng đội ăn chung mâm, ngủ chung chiếu với nhiều HLV nhưng tôi không vì tình riêng mà bỏ qua cho các học trò của bạn bè”. 

Trọng tài Trần Văn Thưởng luôn tâm huyết với Cúp Truyền hình TP.HCM

Nếu ai đã từng chứng kiến hình ảnh tay đua vác xe về đích tại cuộc đua Cúp Truyền hình diễn ra lần đầu tiên vào năm 1989 ắt hẳn sẽ không thể nào quên Trần Văn Thưởng, một tay đua kiên cường và đầy nghị lực. Sau khi rời con ngựa sắt, ông Trần Văn Thưởng vẫn tiếp tục gắn bó với xe đạp nhưng trên cương vị khác: trọng tài. 

35 mùa Cúp đã trôi qua, ông Thưởng giờ đây đã ở tuổi U60, nhưng tình yêu của ông dành cho xe đẹp vẫn còn vẹn nguyên. “Lúc trước còn đua thì luôn kiên trì tập luyện và chịu sức ép về thành tích. Giờ đây, làm công việc trọng tài, sức ép cũng không nhỏ, bởi chúng tôi phải luôn làm một cách chính xác và công tâm nhất”.

Tổ trọng tài luôn làm việc cường độ cao, đảm bảo tính chính xác

Cùng các tay đua dầm mưa dãi nắng và cũng xa nhà hàng tháng trời, nhưng vinh quang thường không đứng về các trọng tài. Họ như những người hùng thầm lặng, đứng phía sau hậu trường, bằng tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết của mình để giúp cho cuộc đua diễn ra thành công và về đích an toàn.

Thanh Anh - Ảnh: Vĩnh Nam