Tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở miền Nam ra đời ngày 15/4/1865 là tờ “Gia Định Báo”. Những năm đầu, tờ báo do một người Pháp là Ernest. Potteaux làm tổng tài. Đến năm 1869, Trương Vĩnh Ký thay Potteaux làm giám đốc, trông coi việc biên tập.
Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898)
Sau khi xâm chiếm miền Nam nước ta, chính quyền thực dân Pháp đã cho ra đời tờ “Courrier de Saigon”, thực chất chỉ là một tờ công báo, đăng tải các công văn, nghị định, luật lệ của chính quyền thuộc địa. Đến ngày 15/4/1865, tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở miền Nam ra đời, đó là tờ Gia Định Báo. Về sau, Huỳnh Tịnh Của thay Trương Vĩnh Ký làm chủ bút.
Nhà báo, nhà giáo, nhà bác học
Trong quá khứ, đã từng có những đánh giá không chính xác, không công bằng về con người và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký. Ví dụ như Phạm Quỳnh đã nhận xét trên tạp chí Nam Phong (số 16,1918): “Ông Trương chẳng qua là một nhà làm sách giáo khoa thường cho con nít học mà thôi”.
Thật ra, Trương Vĩnh Ký có một sự nghiệp văn hóa rất đồ sộ không những về phẩm mà còn về lượng với hơn 118 tác phẩm đã in và hơn 14 công trình lớn chưa in về đủ thể loại (vừa viết bằng tiếng Việt, vừa viết bằng tiếng Pháp), đã đóng góp cho lịch sử ngôn ngữ học và văn học Việt Nam rất đáng kể ở cuối thế kỷ 19.
Trương Vĩnh Ký không những là một nhà thông thái của Việt Nam, mà đương thời, ông được giới văn học thế giới khen tặng là một trong 18 nhà bác học của thế giới hồi đó. Sự đóng góp về nhiều mặt của Trương Vĩnh Ký về văn hóa đến ngày nay vẫn còn là một công trình lớn đáng cho thế hệ hiện nay nghiên cứu và tìm hiểu.
Ở quận Tân Bình và Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) hiện có 2 con đường mang tên Trương Vĩnh Ký.
Tổng quan về Gia Định Báo
Gia Định Báo dưới thời quản lý của Ernest Potteaux chỉ là bản dịch của tờ Courrier de Saigon. Nhưng từ khi Trương Vĩnh Ký làm quản lý, tờ Gia Định Báo mới trở thành tờ báo bằng tiếng Việt chính thức và đầu tiên của Việt Nam. Mục đích của Trương Vĩnh Ký (tức của tờ báo) là nhằm:
- Cổ động tân học.
- Truyền bá quốc ngữ.
- Giáo dục quốc âm.
Tờ báo vì vậy trở thành diễn đàn chung cho các nhà trí thức thời ấy ở miền Nam thường quan tâm đến chữ quốc ngữ, chấn hưng cổ học, dung hòa giữa cái học truyền thống và cái học mới. Chính nhờ cơ sở đó mà tiếng Việt ở miền Nam có điều kiện phát triển. Đây là một thời điểm đáng ghi nhớ của lịch sử văn học và báo chí Việt Nam.
Ngày 16/9/1869, thống đốc Nam Kỳ là G.Ohier ký quyết định số 189, chính thức bổ nhiệm Trương Vĩnh Ký, với khoản lương hàng năm là 3.000 đồng quan Pháp.
Cũng theo quyết định nêu trên, tờ báo tiếp tục ra hàng tuần. Nó sẽ được chia ra làm 2 phần: một phần chính thức gồm các văn kiện, quyết định của ông thống đốc và nhà cầm quyền với tài liệu bằng tiếng Pháp do Nha nội vụ cung cấp và được ông Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ quốc ngữ; phần khác không chính thức về những đề tài lịch sử, những sự kiện về quản lý, thời sự… để có thể đọc trong các trường học bản xứ và khiến cho công chúng Việt Nam quan tâm.
Thời Trương Vĩnh Ký làm chánh tổng tài, Gia Định Báo có thêm một số bài về “Sử Việt”. Tiết mục Tạp vụ cũng được nâng tầm, đăng những bài có nội dung nhiều ý nghĩa. Tỉ dụ như bài nói về cái lưỡi (số ra ngày 16/2/1870): “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Cái lưỡi tuy là một phần thân thể rất nhỏ trong thân mình người ta, mà nó như là cái lái, khiến cả chiếc thuyền đi xuôi, đi ngược đi bát đi cạy (tức rẽ trái, rẽ phải) mặc ý nó. Nó là cái đốm lửa nhỏ, đốt cả rừng cháy tiêu ra tro. Sự lành sự dữ cũng đều do cái lưỡi mà ra. Có nó mới ra lời ăn tiếng nói, mà lời ăn tiếng nói làm ích cho người ta biết là nhường nào”.
Trương Vĩnh Ký cũng là người đầu tiên kêu gọi cộng tác viên cho báo: Số báo ra ngày 8/4/1870 đăng bài kêu gọi các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập viết bài cho báo: “Nay việc làm Gia Định Báo tại Sài Gòn ở một chỗ nên không có lẽ mà viết các việc mới lạ các nơi trong 6 tỉnh mà làm cho thiên hạ coi, nên xin các thầy cứ mỗi tuần hay là nửa tháng hãy viết những chuyện mình biết tại chỗ, tại xứ mình ở như: ăn trộm, ăn cướp, bệnh hoạn, tai nạn rủi ro, hùm tha, sấu bắt, cháy chợ, cháy nhà, mùa màng thế nào. Tại sở, nghề nào thịnh hơn”.
Giúp việc cho Trương Vĩnh Ký có các nhà văn lỗi lạc, sau này chiếm một địa vị hệ trọng trong văn đàn như: Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của.
Có thể nói, một mình Gia Định Báo tung hoành trên chiếu văn học miền Nam, mở đầu cho phong trào báo chí quốc ngữ. Mãi đến hơn 30 năm sau, các tờ báo khác mới tiếp tục nối theo như: Phan Yên Báo (1897), Mông Cổ Mín Đàn (1900), Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo (1900), Đại Việt Tân Báo (1902), Nhật Báo Tỉnh (1905), Lục Tỉnh Tân Văn (1906), Nam Trung Nhật Báo (1906).
Gia Định Báo
Đánh giá tổng quan về Gia Định Báo, nhà báo Thiếu Sơn trong cuốn Phê Bình và Cảo Luận nhận xét rằng: “Gia Định Báo là nguồn ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học đất Nam Kỳ về sau này”.
Nhà báo Khuông Việt trong Nam Kỳ Tuần Báo số ra ngày 2/9/1943 viết: “Các công lớn của Trương đóng góp vào lâu đài văn học Việt Nam, từ xưa tới nay chưa có ai theo kịp, cái công lớn đó là không có quyền quên. Đứng về phương diện quốc gia thì tên tuổi Trương Vĩnh Ký bay khắp đông tây, đã làm rạng vẻ cho non sông Nam Việt”.
Để lại khối tài sản trí thức đồ sộ
Trương Vĩnh Ký mất vào ngày 1/8/1898 hưởng thọ 62 tuổi: tờ Courrier de Saigon ngày 7/9/1898 mô tả đám tang Trương Vĩnh Ký là “đám tang chưa từng có ở Sài Gòn”. Theo tờ Nam Kỳ ngày 8/9/1898 thì trong ngày đem chôn, đám tang đã được chuyển từ nhà riêng ở Chợ Quán đến nhà thờ Đức Bà làm lễ với đủ mặt những chức sắc ở Nam Kỳ cả Pháp lẫn Việt, rồi sau đó đem hạ huyệt trước sân nhà.
Trương Vĩnh Ký mất, nhưng khối tài sản tri thức ông để lại cho đời sau thật đáng khâm phục. Sau khi thôi làm báo, Trương Vĩnh Ký được vua Đồng Khánh mời ra Huế để làm trợ lý cho nhà vua. Trở về Sài Gòn, ông nhận lại chức cũ là giáo sư ở trường Hậu bổ (Collège des Administrateurs Stagiaires) và Trường thông ngôn (Collège des Interforêtes).
Trong thời gian này, ông tập trung vào việc trước với rất nhiều thể lại: sáng tác và dịch thuật sách nghiên cứu về văn học, lịch sử, kinh tế địa lý; từ điển và sách dạy các thứ tiếng Khơ-me, Lào, Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện (Myanmar), Champa, Pháp, Trung Quốc, Tamil…
Nhà mộ Trương Vĩnh Ký
Trong vòng 31 năm, tính từ khi ông xuất bản cuốn sách đầu tiên năm 1867 (Abrégé de grammaire unnamite: Ngữ pháp An Nam yếu lược) cho đến khi ông mất năm 1898, ông viết và cho xuất bản gần 120 cuốn sách và khoảng 20 cuốn chưa kịp in. Đây là công trình đồ sộ của một tác giả mà gần 150 năm qua, chưa có người cầm bút nào làm được. Có người giải thích cái chết của ông là do lao lực quá sức, nên về cuối đời mang nhiều bệnh tật.
Trần Vĩnh An