Xuất hiện trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” trên HTV9 là chủ những thương hiệu nổi tiếng mà câu chuyện khai sinh ra nó cùng với sứ mạng, tầm nhìn của doanh nghiệp đã tạo dấu ấn đặc biệt cho bức tranh kinh doanh sôi động của thành phố.
Cà phê Đỗ Phủ, cơm tấm Đại Hàn - Một Bảo tàng thông minh
Anh Trần Vũ Bình là con trai của chiến sĩ biệt động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (hay còn gọi là Mai Hồng Quế). Trong niềm trăn trở làm sao để giữ gìn và kể cho con cháu nghe những câu chuyện lịch sử, anh đã quyết tâm phục dựng toàn bộ những di tích liên quan đến hoạt động của Cha anh và đồng đội, trong đó có Quán cà phê Đỗ Phủ, Cơm tấm Đại Hàn.
Toạ lạc tại căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM, quán Cà phê từng là hộp thư và hầm vũ khí bí mật, nơi giao liên của cán bộ nằm vùng, thu tập tin tức cho cách mạng, là nơi đầu tiên phục dựng theo nguyên bản Sài Gòn xưa.
Được CLB Truyền thống Kháng chiến giao nhiệm vụ cho anh và gia đình, công ty TNHH Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định ra đời với kế hoạch xây dựng một “tour” du lịch độc đáo, chở khách đi khắp Sài Gòn bằng những chiếc xe cổ đến gần 20 điểm di tích lịch sử, xem những kỷ vật ghi dấu những câu chuyện về Biệt động Sài Gòn huyền thoại.
Đặc biệt, bảo tàng sẽ được tích hợp công nghệ thông minh, dựng ảnh ảo 3D, chiếu phim về hoạt động của các chiến sĩ biệt động tại di tích đó để các câu chuyện được diễn đạt đầy đủ, sinh động, dễ đi vào lòng người.
Kinh doanh phải có lợi nhuận, nhưng khoản lời mà anh Bình tâm đắc nhất là số lượng các bạn trẻ đến với di tích ngày càng nhiều. Không những thế, các bạn trẻ còn là lớp người kế thừa giữ gìn nét đẹp của lịch sử dân tộc. Chỉ khi họ hiểu về nó và tự hào về đất nước con người Việt Nam, họ sẽ biết sống sao cho tử tế, có trách nhiệm, xứng đáng với sự hy sinh của cha ông.
Các bạn trẻ hào hứng nghe anh Bình giới thiệu về di tích lịch sử
MC Phương Hiếu đã chia sẻ cảm nhận của mình khi đến với quán Cà phê Biệt động Sài Gòn: “Nó giống như một tiết học lịch sử, gói gọn lại trong một buổi thưởng thức Cà phê. Hay nói cách khác, đó là nơi thư giãn trong một môi trường mang tính lịch sử mà ở đó câu chuyện về lòng tự hào dân tộc sẽ được đề cập đến một cách tự nhiên, gần gũi nhất”.
Giá trị cốt lõi của thương hiệu
Ấp ủ giấc mơ kinh doanh trong 10 năm, từ 2006-2016, thương hiệu ẩm thực “Bò Cộng – Vị bò năm châu” do anh Trần Anh Tuấn làm chủ đã ra đời. Nó là dấu cộng của thực tiễn kinh nghiệm quản lý, của đội ngũ nhân viên tâm huyết và sự sáng tạo của người chủ nhiều năm làm việc trong ngành ẩm thực.
Câu chuyện về khát vọng vươn lên của anh Tuấn, từ một nhân viên phục vụ đến một nhà quản lý cấp cao trong chuỗi nhà hàng ẩm thực nước ngoài, đã đem nhiều cảm hứng đến cho nhân viên của anh. Vì vậy, họ cũng có dấu cộng cho bản thân mình, đó là mỗi ngày đều có sáng kiến để phục vụ khách hàng trên cả sự mong đợi.
Tinh thần phục vụ hết mình đó được sinh ra từ giá trị cốt lõi của của doanh nghiệp mà anh Tuấn dày công xây dựng: “Anh em đoàn kết, yêu thương nhau, cùng làm việc, cùng hưởng lợi và thăng tiến”. Anh tin tưởng rằng khi nhân viên của anh được chăm sóc tốt và hạnh phúc thì họ sẽ có động lực tạo ra sự hài lòng cho khách hàng. Sự nổi tiếng của thương hiệu còn được tạo nên bởi sự sáng tạo trong chế biến món ăn. Nhà hàng của anh Tuấn đón chào thực khách với menu beefsteak độc đáo mang hương vị năm châu, từ bò hương vị Pháp, Mỹ đến bò hương vị Mông Cổ, Mã Lai…, đưa thực khách du lịch đó đây mỗi lần đến quán.
Với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp hướng đến con người và vì con người, anh Trần Anh Tuấn cho rằng tầm nhìn của doanh nghiệp trở thành Top 3 thương hiệu ẩm thực của Việt Nam sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
Anh Trần Anh Tuấn – chủ nhà hàng “Bò Cộng”
Nơi người khiếm thị làm chủ cuộc sống
Có một nơi thưởng thức món ăn hoàn toàn trong bóng tối, nơi mà thị giác hoàn toàn đóng lại và cánh cửa của các giác quan khác rộng mở để cảm nhận thế giới, đó chính là nhà hàng Dạ thực Nior. Ở đây, những người khiếm thị yên tâm làm việc, dùng con mắt của trái tim để phục vụ, đổi lại đồng lương chân chính, niềm vui được làm việc và cảm giác tự hào, tự tin về bản thân, một cảm giác rất khác biệt so với khi sống nhờ vào sự bảo trợ từ thiện từ các nhà hảo tâm.
Không gian ẩm thực Nior, nơi làm việc của người khiếm thính
Có thể nói mô hình kinh doanh của Nior rất lạ ở Việt Nam, nhưng nó hoàn toàn không mới ở các nước mà người sáng lập Nior đã đi qua. Anh Vũ Anh Tú đã mạnh dạn kết nối với Hội người mù thành phố, trường mù Nguyễn Đình Chiểu, Trung tâm bảo trợ cho người khiếm thị, đưa những bạn trẻ về đây làm việc. Vì 90% người khiếm thị đang trong tình trạng thất nghiệp nên anh tự hào vì mình đã đem lại nghề nghiệp mới cho họ và xác định đó chính là sứ mệnh xã hội của doanh nghiệp nhà hàng Nior.
Chia sẻ với diễn thuyết gia Francis Hùng về khoảnh khắc cuộc đời của mình, anh Tú cho biết Nior chính là đứa con tinh thần đầu tiên của anh sau thời kỳ anh rơi vào tình trạng khủng hoảng tuổi trung niên, thời kỳ xuống dốc về sức khoẻ, cảm giác phù phiếm với những thành công mà mình đã đạt được và có nhu cầu đi tìm những giá trị sống mới.
Vũ Anh Tú - người sáng lập Nior
Những năm 35-37 tuổi, trên cương vị giám đốc của một chuỗi doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, địa vị, thành đạt, vật chất đều đầy đủ, nhưng anh luôn tự hỏi – mục tiêu tiếp theo của cuộc đời là gì? Làm thế nào cho cuộc sống của anh có ý nghĩa hơn? Thế là anh đã dừng mọi công việc, dành một năm để đi du lịch đến những vùng đất mới – mở rộng tầm mắt và thế giới quan để cuối cùng đọng lại cho mình một cái “Tâm” và “Tầm” kinh doanh mới tại Nior.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22h45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Thủy Nguyễn