Tư tưởng Hồ Chí Minh về đức và tài của người cán bộ

Hồ Chí Minh khẳng định: “Có tài phải có đức”[1]. Theo Người, đức và tài phải được biểu hiện bằng kết quả công tác, phải luôn thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau trong nhân cách người cán bộ cách mạng.

Hồ Chí Minh cho rằng, người cán bộ cách mạng trước hết phải có đạo đức cách mạng, bởi vì đạo đức là gốc của người cách mạng. Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[2]; và “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”[3].

Tài của người cán bộ cách mạng, theo Hồ Chí Minh là năng lực được biểu hiện bằng hiệu suất, hiệu quả hoạt động thực tiễn. Tài năng của người cán bộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trí lực, thể lực… và là kết quả của một quá trình học tập, tích luỹ kinh nghiệm của mỗi người. Bởi vậy, trong sử dụng cán bộ Hồ Chí Minh dạy phải biết tuỳ tài mà dùng người. Theo Người, để có được tài năng, người cán bộ cách mạng cần phải tích cực học tập, kiên trì rèn luyện, phải thực hiện lời dạy của V.I. Lê-nin: Học, học nữa, học mãi.

Đức và tài phải luôn gắn bó chặt chẽ, quan hệ biện chứng với nhau trong nhân cách của người cán bộ cách mạng. Trong mối quan hệ đó thì “Đức phải có trước tài”[4] và đức là gốc. Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, vì “có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước”[5]. Bên cạnh đó, Người rất coi trọng tài năng và có đức phải đi liền với có tài, vì “Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”[6].

Sự thống nhất giữa đức và tài của cán bộ, đảng viên hiện nay

Trải qua hơn 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm phải khắc phục. Trong đó, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước”[7]. Thời gian qua, không ít cán bộ được quy hoạch, bổ nhiệm với vỏ bọc đúng quy trình, song thực chất chưa phản ánh khách quan, chính xác phẩm chất, năng lực thực sự của cán bộ.

Trước yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, Đảng cần chú trọng công tác rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức và tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Cần chú ý một số biện pháp sau:

Một là, nhận thức đúng mối quan hệ giữa đức và tài trong xây dựng đội ngũ cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thực chất của vấn đề là phải thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cả về đạo đức, tài năng, lấy đạo đức là cái trước tiên. Thực hiện vấn đề này đặt ra cho các cấp ủy đảng, nhất là vai trò của cấp ủy cơ sở là phải nghiên cứu, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đức và tài trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ. Cần thấy rằng, luôn đề cao việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên là việc làm thường xuyên mà mọi cấp ủy, tổ chức đảng phải thấu triệt. Trong đó, phải coi trọng đúng mức việc phát triển toàn diện, thống nhất cả đức và tài, lấy đạo đức làm gốc cho tài năng phát triển.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII có tác dụng trực tiếp trong xây dựng đạo đức và tài năng cho đội ngũ cán bộ của Đảng. Thực hiện tốt Chỉ thị sẽ làm chuyển biến và nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phải nhận thức rõ đạo đức cách mạng  tạo cơ sở vững chắc để người cán bộ giữ vững phẩm cách của mình trước mọi cám dỗ tầm thường, tạo sức đề kháng cho họ trước sự xâm hại của thứ vi trùng độc hại là chủ nghĩa cá nhân, giúp họ không thể gục ngã bởi sự quyến rũ của đồng tiền, quyền lực và tham vọng. Thực hiện tốt Chỉ thị, nhất là học tập, làm theo phong cách Hồ Chí Minh giúp người cán bộ hình thành và củng cố phương pháp, tác phong làm việc khoa học, nâng cao chất lượng công việc đảm nhiệm.

Ba là, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, giúp họ vươn lên chiếm lĩnh tri thức, làm chủ khoa học công nghệ, vững vàng chuyên môn nghiệp vụ.

Đây là vấn đề hết sức cấp thiết trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Có làm tốt vấn đề này, chúng ta mới có thể xây dựng một đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Trong thời đại khoa học - công nghệ đang tiến nhanh như vũ bão, nếu không chiếm lĩnh được tri thức, làm chủ khoa học công nghệ đồng nghĩa với thụt lùi. Vì thế, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần khuyến khích và yêu cầu cán bộ phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện không ngừng về năng lực, trình độ toàn diện nhưng chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ đảm nhiệm, tiến kịp thời đại. Bởi lẽ, muốn có năng lực và phương pháp làm việc hiệu quả, phải có nền tảng kiến thức khoa học tương ứng. Và đó chính là quá trình liên tục của người cán bộ chịu khó, kiên trì, đổi mới, sáng tạo; là sự kiên trì, bền bỉ trong tiếp thu, vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết công việc được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn trau dồi tri thức, bảo đảm thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ theo cương vị, chức trách đảm nhiệm.

Bốn là, tăng cường vai trò, trách nhiệm cấp ủy các cấp và người đứng đầu trong bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ.                                          

Cấp ủy và người đứng đầu phải luôn quán triệt và thực hiện tốt việc tu dưỡng, rèn luyện cả về đạo đức và tài năng cho đội ngũ cán bộ ở mọi nơi, mọi lúc, mọi công việc và trong các mối quan hệ. Cần chú ý bồi dưỡng, rèn luyện tình thương yêu sâu sắc đối với con người, với đồng chí, với nhân dân. Đặc biệt là sống có nghĩa tình, tôn trọng nhân cách, phẩm giá con người, luôn quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị và nhân dân. Chú trọng rèn luyện cán bộ có tinh thần chủ động khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Luôn tự phê bình và luôn cầu thị, tiếp thu ý kiến của tổ chức và của quần chúng, ham học, ham làm, ham tiến bộ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và quyết đoán trong công việc.

----------------------------------------

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 10, tr.345.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr.292.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr.354.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr.269.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr.345-346.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr.346.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.185.

 
Sỹ Thành ( Theo Xây dựng Đảng)