Những bộ phim về thời thanh xuân luôn chiếm được cảm tình
của đông đảo khán giả mọi lứa tuổi và có khả năng tạo nên trào lưu
hoài niệm về tuổi trẻ.
“NỞ RỘ” PHIM THANH XUÂN
Điện ảnh và truyền hình Việt từng có những bộ phim đề tài thời thanh xuân (phim thanh xuân) gắn với tuổi học trò, tình yêu đầu đời, kỷ niệm tuổi trẻ… để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả như Nước mắt học trò, Vị đắng tình yêu, Vĩnh biệt mùa hè, Những nụ hôn rực rỡ, 12A & 4H, Thứ ba học trò, Kính vạn hoa, Cổng mặt trời… Nhưng suốt một thời gian dài sau đó, phim thanh xuân chỉ được xem là mảng phụ để thêm vào chút màu sắc tươi trẻ cho phim Việt nói chung.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, và cả Nhật Bản mấy năm nay, dòng phim thanh xuân được đầu tư khá nhiều, thậm chí được xem là chủ lực với số lượng hàng chục bộ phim truyền hình dài tập và điện ảnh ra đời mỗi năm. Dàn diễn viên trẻ đẹp, những câu chuyện tình yêu giàu cảm xúc, cảnh quay ấn tượng, âm nhạc bay bổng…dễ dàng lay động hàng triệu trái tim khán giả là những điểm chính làm nên sự thành công của dòng phim này.
Cảnh trong phim "Cô gái đến từ hôm qua"
Để bắt kịp với xu thế chung, tuy số lượng chưa nhiều nhưng phim Việt đang chứng kiến sự “nở rộ” của dòng phim thanh xuân với một loạt tác phẩm đã công chiếu như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua, Chàng trai năm ấy, 12 Chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, Yêu, 4 năm 2 chàng và 1 tình yêu, Chờ em đến ngày mai, Biết có bao lần tuổi đôi mươi, Em chưa 18, Tháng năm rực rỡ, Yêu em bất chấp, Hạ cuối tình đầu, Tuổi thanh xuân, Glee, Thanh xuân ký, Học viện âm nhạc Lalaschool, 5S online, Thần tượng tuổi 300… Không chỉ gây được hiệu ứng khá tốt về mặt truyền thông, chất lượng chuyên môn, dàn diễn viên trẻ đẹp diễn xuất tốt và đồng đều, thì nhiều phim thanh xuân còn đạt được doanh thu cao, như Em chưa 18 giữ kỷ lục 171 tỷ đồng, Cô gái đến từ hôm qua hơn 60 tỷ đồng, Tháng năm rực rỡ hơn 85 tỷ đồng… Các phim truyền hình Tuổi thanh xuân, Glee, Thanh xuân ký… đều có được rating và hiệu ứng khán giả khá tốt. Kết quả này cho thấy tương lai tươi sáng của dòng phim thanh xuân.
Có lẽ thế nên ở thời điểm này, đang có nhiều đạo diễn và nhà sản xuất tập trung vào dòng phim thanh xuân với dàn diễn viên trai xinh gái đẹp cùng những tình tiết, cuộc sống lãng mạn của tuổi trẻ. Đó là Mối tình đầu và 100 ngày bên em sẽ ra mắt từ ngày 27/4, Nhắm mắt thấy mùa hè sau khi công chiếu ở Nhật Bản sẽ được ra mắt ở Việt Nam từ ngày 1/6, Em gái mưa và Chàng vợ của em ra mắt hè 2018… hay những phim đang thực hiện như Thạch thảo, Bình tĩnh mà yêu, Cà chớn anh đừng đi, Thật tuyệt vời khi ở bên em, Mùa tử đằng yêu em, Mùa hè năm ấy, Vũ khúc thanh xuân, Trường học bá vương, Em trên 18, Ngốc ơi tuổi 17, Mối tình đầu của tôi, Vì sao đưa anh tới, Hậu duệ mặt trời (phiên bản Việt hóa)…
MONG ƯỚC MỘT DÒNG PHIM THUẦN VIỆT
Những bộ phim thanh xuân không đơn giản kể về tuổi học trò đã qua hay tuổi mới lớn đầy mộng mơ với những nhân vật chính đã hoặc đang trưởng thành và nhìn về quá khứ, mà trong đó còn lồng ghép những câu chuyện khác nhau, và thường gắn với một tình yêu đầu đời đậm chất ngôn tình ngọt ngào, trong sáng… Qua chúng, khán giả thấy như chính mình xuất hiện trên màn ảnh cùng những rắc rối của thời thanh xuân tươi đẹp. Đó là lý do khiến Tháng năm rực rỡ tạo nên cơn sốt với trào lưu nhiều khán giả chia sẻ hình ảnh của mình chụp với nhóm bạn thân từ thời trung học và hiện tại. Hay Cô Ba Sài Gòn cũng tạo nên cơn sốt “áo dài cô Ba” được nhiều người từ trẻ tuổi đến trung niên ưa chuộng.
Một trong những lý do khiến dòng phim thanh xuân “nở rộ” là bởi khán giả xem phim ở Việt Nam hầu hết là thanh thiếu niên, với độ tuổi trung bình từ 16-30 và chị em phụ nữ công sở, nội trợ. Nếu thực hiện một phim có nội dung hướng đến những đối tượng này, có tình tiết, câu chuyện phù hợp với tâm lý họ, thì xem như thấy được đầu ra. Những khán giả này không đòi hỏi phim quá “nghệ thuật cao siêu”, không muốn nghe những triết lý khô khan, giáo điều, họ chỉ cần phim được làm chỉn chu, khơi được cảm xúc người xem, gần gũi, dễ thương và “sến nhẹ” - một đạo diễn cho biết. Tuy nhiên, phim thanh xuân có được doanh thu tương đối cao hay rating khá tốt còn bởi đánh trúng vào tâm lý và khao khát của những đối tượng khán giả khác. Bởi không chỉ khán giả trẻ mà chúng còn thu hút được cả những khán giả đã qua “tuổi rực rỡ” xem phim để hoài niệm, để quên đi những nhàm chán và bận rộn của hiện tại. Trong khi khán giả trẻ thì nhìn nhận lại giá trị của tuổi trẻ mà họ vẫn còn, để sống sao cho sau này không hối tiếc.
Cảnh trong phim "Tháng năm rực rỡ"
Tuy nhiên, trước sự “nở rộ” của phim thanh xuân như hiện nay, đã xuất hiện sự lo ngại về chất lượng và sức hút khán giả lâu dài. Nhất là khi những bộ phim thanh xuân được chú ý trong thời gian qua có kịch bản vẫn còn phải vay mượn nhiều chất liệu, trong đó có cả cốt truyện chính chủ yếu từ phim Hàn, Nhật, Trung Quốc, Mỹ… (tức phim Việt hóa). Chẳng hạn như Tháng năm rực rỡ, Em là bà nội của anh… là hai bộ phim “Việt hóa” từ điện ảnh Hàn thành công nhất gần đây. Cả hai đều gây ấn tượng nhờ có kịch bản đầy cảm xúc, với những hoài niệm chân thành về một thời chưa xa. Còn phim Em chưa 18 tuy là kịch bản thuần Việt nhưng có khá nhiều chi tiết vay mượn, bắt chước từ phim Mỹ.
Dẫu khán giả bây giờ không quá câu nệ chuyện kịch bản “Việt hóa”, miễn là phim làm tốt, có thông điệp sâu sắc, diễn viên diễn xuất tốt… nhưng như ý kiến của một khán giả trên diễn đàn về phim thanh xuân được nhiều người đồng tình thì “mong muốn của khán giả Việt vẫn là một kịch bản của người Việt, viết về tuổi trẻ thuần Việt nhưng lại hay như phim có kịch bản Mỹ hay Hàn Quốc”. Bởi rõ ràng, phim thanh xuân thuần Việt sẽ có bối cảnh, tâm lý, văn hóa, ứng xử riêng biệt của người trẻ Việt, nên dù kịch bản có được “Việt hóa” tốt đến đâu thì vẫn không thể trọn vẹn được.
Làm sao để phim thanh xuân của Việt Nam có sự mới mẻ, khác lạ hơn, ở lại trong ký ức khán giả thật lâu so với các phim thuộc dòng này của châu Á, châu Mỹ? Câu hỏi này chưa tìm được lời đáp thỏa đáng. Vì kịch bản vẫn luôn là khâu yếu nhất của phim Việt bấy lâu nay. Cho nên dù “nở rộ”, nhưng để có một dòng phim thanh xuân thuần Việt đúng nghĩa vẫn còn ở thì tương lai, phụ thuộc vào tâm huyết của các nhà làm phim và chính sự ủng hộ của đông đảo khán giả.
Cảnh trong phim "Tuổi thanh xuân"
Đan Khanh