Thời gian qua, TPHCM liên tục đổi mới các giải pháp để phát huy vai trò giám sát của người dân đối với cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Lắng nghe người dân góp ý
Ông N.Q.T. nhận được 2 thông báo thu thuế phi nông nghiệp năm 2023 của Chi cục Thuế quận Bình Thạnh với mã số thuế, diện tích khác nhau, trong khi ông chỉ có 1 căn nhà. Ông T. lên Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đề nghị hủy bỏ một mã số thuế, nhưng được hướng dẫn về UBND phường. Trong khi đó, UBND phường đã có văn bản xác nhận diện tích căn nhà, mã số thuế cho ông T.
Theo quy định, nếu đã có giấy xác nhận của UBND phường thì chi cục thuế ra thông báo nộp thuế theo mã số thuế và diện tích nhà mà UBND phường đã xác nhận là xong. Bức xúc, ông T. phản ánh đến lãnh đạo quận Bình Thạnh. Nhận được thông tin, lãnh đạo quận Bình Thạnh chỉ đạo chi cục thuế giải quyết ngay; đồng thời chỉ đạo cấp ủy nhắc nhở, giám sát cán bộ này nghiêm túc.
Có thể thấy, từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương của TPHCM công khai số điện thoại của lãnh đạo, là cầu nối góp phần giúp lãnh đạo địa phương và người dân gần nhau hơn, kịp thời giải quyết những phản ánh của người dân.
Nhiều địa phương khác cũng có mô hình phát huy vai trò giám sát của người dân, như hộp thư “Ý Đảng - lòng dân” của quận 8. Hiện quận 8 có 123 hộp thư “Ý Đảng - lòng dân” được đặt tại trụ sở UBND 16 phường và các điểm sinh hoạt dân cư.
Theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8 Trần Thanh Hà, hộp thư “Ý Đảng - lòng dân” đã phát huy rất tốt vai trò giám sát của người dân. Từ các thông tin người dân cung cấp, địa phương đã kịp thời uốn nắn những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu sai phạm hoặc có dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Trong khi đó, huyện Hóc Môn phát huy hiệu quả mô hình “MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, công chức trên địa bàn dân cư”. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đây là mô hình huyện vận động người dân tham gia giám sát người đứng đầu và cán bộ, đảng viên tại địa phương khá hiệu quả.
Theo đó, huyện thực hiện công khai địa chỉ hộp thư điện tử, số điện thoại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, hộp thư góp ý tại trụ sở làm việc và tiếp nhận phản ánh, kiến nghị các nội dung liên quan đến những vi phạm về tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ. Ngoài ra, huyện còn thành lập mô hình “Tổ hỗ trợ, vận động nhân dân tham gia giám sát cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên ở khu dân cư”, qua đó thúc đẩy đội ngũ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Loại bỏ rào cản
Tại hội thảo “Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên” do Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức mới đây, các đại biểu nhìn nhận, dù TPHCM có nhiều giải pháp huy động người dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, nhưng trên thực tế người dân vẫn còn tâm lý e ngại, né tránh.
Thời gian qua, TPHCM liên tục đổi mới trong phương thức tiếp thu ý kiến của nhân dân. Chẳng hạn, định kỳ hàng tháng, hàng quý, các địa phương từ thành phố đến cơ sở tổ chức hội nghị nhân dân; trang bị các ki ốt, màn hình để người dân đánh giá, nhận xét cán bộ trong giải quyết thủ tục hành chính. Cổng thông tin 1022 của TPHCM cũng trở thành kênh quan trọng trong tiếp nhận các phản ánh của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài tiếp xúc cử tri theo từng ngành, giới, HĐND TPHCM còn tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”...
Trong công tác xây dựng Đảng, Thành ủy TPHCM có Chỉ thị 13 về lãnh đạo thực hiện Đề án 06 về “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam TPHCM và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TPHCM giai đoạn 2021-2023”; Quy định 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mới nhất là Quy định 1629 về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TPHCM…
Theo các chuyên gia, người dân còn tâm lý e ngại và né tránh việc góp ý, phê bình cán bộ bởi lo lắng bị gây khó dễ khi đến các cơ quan công quyền để giải quyết công việc của cá nhân, gia đình. Ngoài ra, việc chậm giải quyết phản ánh của người dân hoặc giải quyết không triệt để cũng tạo tâm lý thờ ơ, ngại góp ý nơi người dân. “Có lẽ người dân cảm thấy bị áp lực và lo ngại khi đối tượng mà họ giám sát có quyền lực chính trị và vị trí xã hội cao”, TS Nguyễn Thị Toàn Thắng, Học viện Cán bộ TPHCM, nhìn nhận về một trong những rào cản trong quá trình người dân giám sát cán bộ, đảng viên.
Theo TS Nguyễn Thị Toàn Thắng, cần tuyên truyền sâu rộng hơn để người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, tạo môi trường an toàn thông qua cơ chế bảo vệ cụ thể để người dân yên tâm thực hiện giám sát và cung cấp thông tin giám sát.
SGGP