Vài nét về phẩm chất hài hước liên văn hóa của Bác Hồ

Hiện nay, hướng nghiên cứu liên văn hóa (intercultural) đang được mở rộng, khái quát, nâng cao thành Triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy), tìm hiểu sự ảnh hưởng, tiếp biến, giao lưu giữa các nền văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc. Ảnh tư liệu

Bác Hồ chính là một hiện tượng liên văn hóa tiêu biểu và đặc sắc của văn chương thế giới. Như một cây xanh bắt sâu chùm rễ vào các mảnh đất truyền thống dân tộc và nhân loại rồi vươn cao lá cành quang hợp ánh sáng tư tưởng tiên tiến của thời đại, những trái cây tác phẩm của Người kết tinh những giá trị tinh hoa đúng nhất với tinh thần liên văn hóa, cả truyền thống-hiện đại, dân tộc-nhân loại. Bài viết xin đi vào một phương diện nhỏ là chất hài hước liên văn hóa, tức chất hài hước toát ra từ những giao tiếp liên văn hóa (intercultural communication) biểu hiện ở ngôn từ thơ ca của Người!

Xuân Giáp Thân-1944, Người viết bài “Chào Xuân”, in trên Báo Đồng Minh, ký tên Hồ Chí Minh. Bài viết theo thể văn xuôi nhưng chất thơ tràn trề xôn xao ra cả bên ngoài câu chữ: "Xuân ơi, Xuân hỡi, hỡi Xuân/ Từ xa tới gần, Xuân khắp mọi nơi". Tiếng gọi Xuân hồ hởi, vui vẻ như tiếng gọi bạn. Kết bài là câu đối truyền thống: "Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng/ Viết bài chào Tết, chúc thành công!". Chỉ khép lại ở hình thức, bài thơ mở ra cả một tương lai mới đầy hứa hẹn. “Rượu Xuân” là cổ điển, dân tộc; “cách mạng” là hiện đại, nhân loại. Ý thơ tươi vui, lạc quan!

Năm 1946 là năm thật đặc biệt với chính thể dân chủ, chính quyền mới còn bỡ ngỡ lại phải đối phó với thù trong giặc ngoài, phải diệt giặc đói, giặc dốt. Thế nên, chỉ trong chưa đầy một tháng, Bác Hồ viết nhiều Thư chúc Tết vừa để động viên, khuyến khích, đồng thời đề ra những nhiệm vụ chiến lược. Trong đó có “Mừng Báo Quốc gia”: "Tết này mới thật Tết dân ta/ Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia/ Độc lập đầy vơi ba cốc rượu/ Tự do vàng đỏ một rừng hoa/ Muôn nhà chào đón xuân dân chủ/ Cả nước vui chung phúc cộng hòa/ Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc/ Những người chiến sĩ ở phương xa".

Nhân dịp Tết Độc lập đầu tiên, Báo Quốc gia-cơ quan ngôn luận của một nhóm nhân sĩ yêu nước, xuất bản tại Hà Nội-đến xin Bác thơ để đăng báo và Người đã tặng bài thơ này. Vì là một đối thoại văn hóa với các trí thức nên lời thơ không nôm na nữa mà hàn lâm, trang trọng nhưng vẫn lấp lánh chất hóm hỉnh, trí tuệ.

Câu đầu là cấu trúc ca dao theo mô hình “A này mới thật A”, cũng là cách nhắc nhở quay về với những giá trị truyền thống. Chúc mừng Độc lập nhưng chỉ trong “đầy vơi ba cốc rượu”. “Rượu” thì có hạn nhưng tự do thì vô hạn, ngập tràn “vàng đỏ một rừng hoa”. Ở đây, “vàng đỏ” đa nghĩa, là màu sắc của hoa, là màu cờ Tổ quốc.

Bài thơ đúng là một giao tiếp nội văn hóa truyền thống-hiện đại, hôm qua-hôm nay: "Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc/ Những người chiến sĩ ở phương xa". Vượt ra ngoài câu chuyện chúc Tết thông thường, bài thơ nói về tình người, về đạo lý: Hãy nhớ về những người ở tiền tiêu đang lấy xương máu bảo vệ Tết tự do này! Đó là văn hóa rất Việt, ăn quả nhớ người trồng cây.

Tháng 7-1950, Chính phủ Trung Quốc cử tướng Trần Canh-bạn cũ của Bác Hồ từ thời cùng ở Trường quân sự Hoàng Phố, sang làm nhiệm vụ tham mưu giúp ta trong Chiến dịch Biên giới. Khi quân ta đang thắng lớn, Bác có bài thơ “Tặng Trần Canh đồng chí”: “Hương tân” mỹ tửu dạ quang bôi/ Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi/ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi" (“Sâm banh” rượu ngọt chén lưu ly/ Toan nhắp, tỳ bà giục ngựa đi/ Say khướt sa trường cười chớ vội/ Chẳng cho địch thoát một tên về).

Bài thơ đậm chất cổ điển, ở lối tập cổ, phỏng theo bài thơ nổi tiếng “Kinh châu từ” của Vương Hàn đời Đường, chỉ thay hai chữ “bồ đào” thành “hương tân” ở câu đầu nhưng thay hẳn câu cuối. Bài thơ mang một nội dung mới hẳn: Quân ta thế mạnh, thắng địch dễ dàng nên tướng quân có thể say khướt nơi sa trường, còn địch thì chẳng một tên thoát. Câu cuối trong “Kinh châu từ” buồn, bi quan: “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay đánh trận mấy người trở về) được thay thế bằng một hoàn cảnh khác, tứ thơ, ý thơ mới mẻ, vui vẻ, trào lộng! Tại sao Bác lại dùng hình thức này? Tập cổ là cách tập hợp những câu có sẵn của tiền nhân gộp lại để tạo ra bài thơ mang ý mới. Đây là lối giao đãi bạn bè vui vẻ, ý nhị mang tính truyền thống của văn hóa phương Đông. Một liên văn hóa “bình cũ rượu mới” tinh tế, hài hước, tình bạn càng thêm đậm đà, nồng nàn!

Bác Hồ là một trong những người sớm nhất dùng thơ để phê bình thơ. Nhà thơ Huy Cận tặng Bác tập thơ “Bài thơ cuộc đời” với mong muốn Bác cho nhận xét. Bác gửi lời bình: “Cảm ơn chú biếu Bác quyển thơ/ Bác xem quyển thơ suốt mấy giờ/ Muốn Bác phê bình, khó nói nhỉ!/ Bài hay xen lẫn với bài vừa”. Có thể gọi bài thơ này là một “liên thể loại”, vừa là thơ, vừa là phê bình(1).

Một lối phê bình vui hóm, thân ái và cũng rất “nghề nghiệp”. Còn là một liên văn hóa đến nhiều đối tượng khác với các ẩn ý: Nhiều việc nên chỉ có “mấy giờ” để đọc hết “quyển thơ”, do vậy, rất khó để “phê bình” nên chỉ nêu cảm nhận chung: "Bài hay xen lẫn với bài vừa". Có thể còn là ý nhắc giới phê bình: Muốn phê bình phải đọc thật kỹ, đừng đọc qua loa đại khái rồi “phán”. Thậm chí, có người không đọc tác phẩm cũng... “phê bình”...(!?).

Thời kỳ đầu ở Việt Bắc, một tác giả làm thơ, có câu: “Lửa thiêu củi mục ù ù cháy” có ý ví lửa như đoàn thể Việt Minh, nhân dân đang u mê như củi mục nhưng gặp lửa vẫn cứ cháy. Nghe xong, Bác cười: “Hay đấy, nhưng không được ví dân như củi mục. Nhân dân ta có nhiều người tài giỏi gấp trăm nghìn lần chúng ta, nên sửa lại...”(2). Chỉ một câu nói ngắn mà chứa bao ý nghĩa: Yêu thương, kính trọng nhân dân; năng lực phát hiện vấn đề tinh tế, nhanh nhạy, sắc sảo.

Ông Phạm Khắc Hòe đọc cho Bác nghe bài "Câu cá gỗ" tự sáng tác: "Hỏa Lò, Tây đến rước ông ra/ Hỏi dẫn đi đâu chẳng biết mà/ Cất cánh Gia Lâm trời đất cũ/ Đặt chân Sơn Nhất nước non nhà/ Vai tù muốn đổi ra vai tướng/ Chước quỷ không thành lại chước ma/ Ba tháng công toi câu cá gỗ/ Hồ Gươm, Tây lại thả ông ra". Nghe xong, Bác cười nói: “Mình thích bài này... nhưng phải sửa một chữ!”. Qua một đêm mà ông chưa nghĩ ra, đành phải hỏi Bác. Người trả lời: “Câu cuối phải thay chữ “ông” bằng chữ “tau” thì mới đúng là... câu cá gỗ”(3).

Quả phải là “dân cá gỗ” thì mới dùng đúng chữ “tau” ngộ nghĩnh, đầy cá tính. Thì ra bài thơ được dệt nên bằng những sợi tơ văn hóa. Mỗi con chữ là một mã ký hiệu đa sắc màu nên muốn thơ có hồn, phải thật sự tắm mình vào bầu khí quyển văn hóa!

Một nghệ sĩ hát vở kịch thơ “Vẹn cả đôi đường” (tác giả Xuân Bình), có đoạn: "Yêu anh mũ cứng sao vàng/ Ngày đêm giữ vẹn xóm làng yên vui!". Bác cười nói: “Bộ đội có mũ cứng, mũ mềm, nay lại có cả mũ kê-pi nữa, sao lại chỉ yêu anh mũ cứng? Bác sửa lại thế này: “Yêu anh mũ đính sao vàng”. Bác chỉ thay chữ “cứng” (tính từ) thành “đính” (động từ) làm ý thơ mới hẳn. Không hiểu biết về bộ đội, không giàu có vốn ngôn từ thì không thể có sự thay chữ chính xác như vậy.

Tới đoạn hát ru con: “Mẹ no thóc gạo, con no sữa đầy...”. Bác lại bảo: “Để Bác chữa thế này cháu có hát được không: “Mẹ no thóc đủ, con no sữa đầy...”(4). Đúng là dùng “thóc gạo” cụ thể quá thành kể lể, vả lại thóc và gạo tương đồng, đẳng lập về nghĩa. “Thóc đủ” còn nói thêm được cái ý về cuộc sống đã ấm no, đầy đủ hơn, do vậy, ý thơ lạc quan cũng vươn xa hơn về phía chân trời hy vọng, ấm áp. Phải có sự thấu hiểu cảnh đời, thấu cảm tình đời, phải có một trái tim nhân hậu, một trí tuệ sắc sảo, hóm hỉnh mới có những phát hiện tinh tế ấy!

Bản chất của liên văn hóa là tiếp thu, học tập để làm giàu có thêm bản sắc văn hóa. Với Bác Hồ, điều đó như là một sự tất nhiên vậy!

-------

(1) Nhiều tác giả, Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ-Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2012, tập 4, tr.13

(2) Nhiều tác giả, Bác Hồ, Hội Văn nghệ Cao Bằng, 1990, tr.224

(3) Nhiều tác giả, Bác Hồ ở Việt Bắc, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr.569

(4) Nhiều tác giả, Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu, Viện Sân khấu, 1990, tr.88, 91

Sỹ Thành ( Theo Ban Tuyên giáo TW)