Với tựa đề bộ phim "Biển xanh và ốc nhỏ" (đang phát sóng trên HTV7), có lẽ người xem sẽ liên tưởng đến hình ảnh mặt nước biển trong xanh, êm ả. Nhưng thực tế, để có được những cảnh quay trong bộ phim này, mọi thứ đều dữ dội chứ không hề dịu êm.
Phim khiến người xem liên tưởng đến hình ảnh nước biển trong xanh, êm ả
Bối cảnh đẹp ngẩn ngơ
Câu chuyện của phim Biển xanh và ốc nhỏ lấy bối cảnh chính là một làng chài, nhưng để tìm kiếm được một nơi ưng ý và phù hợp với kịch bản, lại chưa hề trùng lặp trên màn ảnh quả không hề đơn giản.
Sau khi tìm hiểu nhiều nơi, cuối cùng, trời không phụ lòng người, ê-kíp cũng tìm được một làng chài ở vùng biển Cà Ná, Phan Thiết, Ninh Thuận, là nơi chưa từng được sử dụng làm bối cảnh ghi hình trong các phim truyền hình.
Hình ảnh những con tàu neo đậu nơi bến bãi luôn xuất hiện trong phim
Trong thời gian đoàn phim “đóng đô” hơn 40 ngày ở đây, không ai là không mê vẻ đẹp thơ mộng của cảnh biển cùng không khí trong lành gắn liền với những hoạt động đặc trưng của làng chài.
Hình ảnh những người dân phơi cá, ngâm cá, cảnh thuyền ra khơi, ngư dân chuẩn bị ngư cụ… đến những con thuyền đậu san sát dọc bến khiến người xem ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của quê hương, đất nước.
Hậu trường một cảnh quay trong phim Biển xanh và ốc nhỏ - Ảnh: Cắt từ youtube
Khi biết được thông tin sẽ có đoàn phim đến đây ghi hình, người dân ở làng chài rất vui mừng. Họ đón tiếp mọi người nồng hậu, nhiệt tình giúp đỡ và kiêm luôn vai trò cố vấn để các diễn viên diễn cho đúng chất của một người dân làng chài. Ngoài ra, khi quay những phân đoạn liên quan đến hoạt động của các ngư dân, người dân nơi đây còn tình nguyện làm “diễn viên quần chúng”.
Và để có được cảnh quay có không khí chân thật, đoàn phim đã bí mật đặt một máy quay “lén” ghi hình một số diễn viên được “cài” vào đang làm việc cùng những người dân làng chài.
Bão thật, bão giả đều đuối
Tựa đề bộ phim là Biển xanh và ốc nhỏ nhưng không phải lúc nào biển cũng dịu êm, thơ mộng. Thời gian đoàn phim đóng đô tại Cà Ná đúng vào mùa gió Nam nên thường bị “đụng” với những con sóng lớn trên mặt biển. Vì thế, mỗi lần quay cảnh ngoài biển, ê-kíp và diễn viên đều rất vất vả.
Cảnh trong phim Biển xanh và ốc nhỏ
Nhiều lần khi đang quay phim gặp sóng to gió lớn, tàu lắc lư khiến cho cả ê kíp phải chào thua. Mọi người nằm la liệt trên sàn tàu vì bị say sóng, buộc đạo diễn phải cho tàu quay lại bờ.
Đạo diễn Bá Vũ cho biết, ngay ở tập đầu của Biển xanh và ốc nhỏ, đoàn phim đã “dính” phải cơn bão khủng khiếp đúng như trong kịch bản. Đó là cảnh hồi ức của ông Minh (diễn viên Thạch Kim Long đảm nhận), về trận bão biển khủng khiếp năm nào từng gây ra biến cố đau đớn cho gia đình ông. Từ biến cố này kéo theo một loạt biến cố khác xuyên suốt câu chuyện trong phim.
Diễn viên Thạch Kim Long vai ông Minh
Để khắc họa một cách sống động cảnh bão biển, đoàn phim đã nhờ được một con tàu lớn của kiểm ngư Ninh Thuận cùng ba vòi rồng cỡ lớn của xe cứu hỏa để tạo mưa bão. Cảnh quay được thực hiện vất vả suốt cả đêm, nhiều người dính nước vòi rồng ướt sũng, ai nấy đều mệt nhừ vì “trận bão” đó quá lớn.
Cảnh sử dụng vòi rồng để tạo cảnh mưa bão - Ảnh: Cắt từ youtube
Diễn viên Thạch Kim Long cho biết, khi quay cảnh này, anh không chỉ rét run do ngâm nước lạnh nhiều giờ, mà cả tuần sau đó cổ họng bị đau rát vì phải gào thét rất nhiều trong lúc quay.
Tìm kiếm “sói biển”
Đã có biển, có thuyền thì phải có thuyền trưởng, nhân vật đó chính là ông Minh, một người dày dạn kinh nghiệm trong những chuyến ra khơi. Với tiêu chí chọn diễn viên phải hợp vai, đoàn phim may mắn tìm được nam diễn viên Thạch Kim Long.
Với vóc dáng khỏe khoắn, nước da sạm nắng gió, gương mặt có những nét dữ tợn nhưng nụ cười hiền lành, Thạch Kim Long đã hóa thân rất tốt vào vai ông Minh, người được mệnh danh là “sói biển. Sau khi người vợ qua đời trong cơn bão biến, ông Minh đã giã biệt những chuyến đi biển dài ngày, chủ yếu đánh bắt gần bờ để dành thời gian chăm sóc con gái Hải Mây.
Để thể hiện đúng “chất” ngư dân, Thạch Kim Long đã tập chèo thuyền thúng
Ngoài ra, để thể hiện đúng “chất” một ngư dân dày dạn kinh nghiệm, Thạch Kim Long tranh thủ thời gian tập lái tàu, chèo thuyền thúng, sửa chữa ngư cụ… thật thuần thục trước khi bấm máy.
Khi theo dõi Thạch Kim Long trên phim trường, mọi người nói với nhau vai diễn ông Minh dường như được “đo ni đóng giày” cho nam diễn viên này, bởi từ ngoại hình đến cách khắc họa tính cách, cử chỉ, hành động, suy nghĩ… đều đúng y như nhân vật mà kịch bản mô tả.
Minh Trang. (Ảnh: ĐPCC)