Kỷ niệm 73 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2018)

Về một câu nói của Bác Hồ không có trong băng ghi âm

Sáng ngày 2 tháng 9 năm 1945, trước hàng vạn đồng bào thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có một chi tiết lịch sử đã đi vào thơ ca, âm nhạc…

Quang cảnh ngày lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945 (ảnh tư liệu lịch sử)

Vì sao như vậy? Và câu nói của Bác Hồ không có trong băng ghi âm là câu gì? 

Ðể trả lời hai câu hỏi ấy, hãy cùng quay lại một chút tư liệu lịch sử.

Sau khi lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập cho Việt Nam từ tay phát xít Nhật, sáng ngày 2 tháng 9 năm 1945, trước hàng vạn đồng bào thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có một chi tiết lịch sử đã đi vào thơ ca, âm nhạc, đó là, trong lúc đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ dừng lại và hỏi người nghe: “Ðồng bào có nghe tôi nói rõ không?”. Cả rừng người cùng hô vang đáp lại: “Rõ!”.

Nhà thơ Tố Hữu trong trường ca “Theo chân Bác” đã viết:

Người đọc Tuyên ngôn… Rồi chợt hỏi:
“Ðồng bào nghe tôi nói rõ không?”
Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi
Rất đơn sơ mà ấm bao lòng!
Cả muôn triệu một lời đáp: “Có!”
Như Trường Sơn say gió biển Ðông
Vâng, Bác nói, chúng con nghe rõ

Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông. 

Trong đoạn băng ghi âm giọng đọc Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng ta nghe lâu nay, câu nói “Ðồng bào có nghe tôi nói rõ không?” không có. Lý do: Ðoạn băng giọng Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập không được ghi âm đúng ngày 02/09/1945, mặc dù thời điểm đó đã có người quay nhiều thước phim về sự kiện cực kỳ quan trọng này. Thật đáng tiếc, câu nói thể hiện tấm lòng, thắm đượm tình nhân ái, chan chứa tình yêu thương đồng bào của Bác; chi tiết phản ánh rõ nét phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh này đã không kịp được ghi lại.


Hàng trăm ngàn người dân thuộc nhiều tầng lớp tập trung tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu của TTXVN)

Vậy đoạn băng có xuất xứ thế nào?

Theo lời kể của ông Trần Lâm, nguyên Tổng giám đốc Ðài Tiếng Nói Việt Nam, ba ngày sau khi khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thành công, đồng chí Xuân Thủy gặp các ông Trần Lâm và các ông Trần Kim Xuyến, Chu Văn Tích truyền đạt chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giao nhiệm vụ nhanh chóng thành lập đài phát thanh. Lúc bấy giờ, các ông Lâm, Xuyến, Tích còn rất trẻ, chưa từng làm báo và không biết kỹ thuật phát thanh. Nhận nhiệm vụ, các ông vừa mừng vừa lo. 

Nhưng bằng sự năng nổ và nhiệt tình cách mạng, các ông đã tìm cách để liên hệ cho được các kỹ sư từng làm việc cho Pháp ở Sở Vô tuyến điện cũ và là những người hiểu biết kỹ thuật vô tuyến điện. Từ gợi ý của các nhà chuyên môn kỹ thuật ấy, các ông Lâm, Xuyến, Tích đã tiếp quản lại đài phát sóng Bạch Mai của Pháp và cho người cải tiến những máy phát tín hiệu thành máy phát sóng phát thanh AM. Về nội dung, nhóm đã mời được nhiều trí thức trẻ cùng tham gia biên tập, biên dịch tiếng Pháp, tiếng Anh để xây dựng chương trình. 

Ðiều thú vị là kể từ khi bắt đầu “phát sóng thử nghiệm”, Ðài Tiếng Nói Việt Nam đã phải phát trực tiếp. Mỗi buổi phát sóng có một tốp ca dùng đàn guitare và mandoline đệm để hát bài “Diệt phát xít” làm nhạc hiệu. Các phát thanh viên đọc trực tiếp ra máy phát. Các chương trình phát sóng làm trực tiếp như thế kéo dài khá nhiều năm. Vì sao như thế? Lý do rất đơn giản - theo ông Trần Lâm - vì một thời gian dài Ðài không có máy ghi âm. Mãi đến sau này, các nước XHCN anh em mới viện trợ máy móc và giúp đỡ công nghệ làm phát thanh hiện đại. Từ đó, các chương trình mới được ghi âm trước.

Tại thời điểm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, Ðài Tiếng Nói Việt Nam chưa phát sóng chính thức nhưng nhóm ông Trần Lâm đã quyết định kéo tín hiệu giọng đọc Bác Hồ từ lễ đài thông qua một micro đặt ở loa và dòng dây trần truyền từ Ba Ðình về số 4 Ðinh Lễ để thử phát. Nhưng đó cũng chỉ như một buổi phát thanh thử nghiệm (theo cách nói ngày nay). 

Ngày nay, Đài Tiếng Nói Việt Nam là cơ quan báo chí đa phương tiện có quy mô lớn. Những phòng thu của VOV được trang bị phương tiện kỹ thuật số hiện đại trong kỷ nguyên số hơn và là một cơ quan báo chí lớn của quốc gia. Trong ảnh: một buổi talk show phát thanh tổ chức tại Hà Nội.

Phải đến đúng 11g30 ngày 7/9/1945, buổi phát thanh đầu tiên bằng tiếng Việt mới được thực hiện, và bắt đầu bằng lời xướng: “Ðây là Đài htiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” do chị Dương Thị Ngân đọc và anh Nguyễn Văn Nhất xướng lại một lần nữa (ngày 7/9 hiện nay được xem là ngày truyền thống của VTV và VOV).

Hình thức làm phát thanh trực tiếp như thế kéo dài trong một thời gian dài sau đó. Ví dụ, buổi phát thanh ngày 23/10/1946, Bác Hồ đã đến phòng thu của Ðài để nói chuyện trực tiếp với đồng bào cả nước về Tạm ước 14/9/1946 qua làn sóng của Ðài Tiếng nói Việt Nam. 

Sau 1954, khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, Ðài Tiếng Nói Việt Nam được trang bị máy móc thiết bị tốt hơn và có máy ghi âm băng cối để thực hiện nhiều chương trình phát thanh thu trước, đồng chí Trần Lâm mới gặp trực tiếp Bác Hồ và kính mời Người đến phòng thu để đọc lại bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập như một tư liệu. 

Ngày nay, chúng ta nghe lại đoạn băng ghi âm trên với chất lượng âm thanh tốt, không có tạp âm, tiếng ồn hiện trường. Chúng ta nghe được rõ hơn chất giọng ấm áp thiêng liêng của Người. Nhờ những cán bộ phóng viên mẫn cán của Ðài Tiếng Nói Việt Nam ngày ấy mà thế hệ trẻ hôm nay có một tư liệu lịch sử quý giá.
Phú Trang