Vì một cộng đồng phát triển

Mỗi cá nhân sống, học tập và làm việc trong cộng đồng đều góp phần xây dựng, phát triển cộng đồng ấy. Từ việc làm dù nhỏ để kiến tạo nên một xã hội văn minh, an toàn, luôn đẹp và bền vững theo thời gian.


Chị Đào Thị Lê Na

Những giá trị nghệ thuật luôn hướng con người đến cái chân-thiện-mỹ, để thưởng thức được hết những cái đẹp của cuộc sống. Thấu hiểu điều ấy, chị Đào Thị Lê Na, hiện tại đang là tiến sĩ khoa lí luận văn học, từ những bộ môn nghệ thuật truyền thống, phát triển theo một hướng mới để lan toả đến với giới trẻ Việt Nam ngày nay.

Được biết chị là nhà sáng lập của Liên hoan phim Film & Youth, một sân chơi về điện ảnh nhận được sự tham gia và ủng hộ đông đảo từ nhiều bạn trẻ yêu thích làm phim trên toàn quốc. Đồng thời tổ chức những buổi workshop với những cuộc trò chuyện trực tiếp cùng nhiều đạo diễn như: anh Phan Đăng Di, chị Hồng Ánh, anh Phan Gia Nhật Linh nhằm nâng cao những kiến thức cũng như kỹ thuật về phim ảnh cho cộng đồng. 

Trên cơ sở của sân khấu nghệ thuật cải lương, chị đã và đang phát triển dự án "Tiếp bước trăm năm" cùng với sự giúp đỡ của NSND Bạch Tuyết. Với những lớp "Đào tạo khán giả cải lương" và "đào tạo nghệ sĩ cải lương mới" hoàn toàn miễn phí cho học viên để các bạn trẻ có dịp hiểu sâu hơn về văn hoá truyền thống và âm nhạc dân tộc.

Chia sẻ với Nhà báo Phước Lập, khoảnh khắc Lê Na tự lựa chọn cho bản thân là khi quyết định đi du học để tiếp tục ngành quản lý nghệ thuật. Trước đó, khi đang làm giảng viên, nhận thấy mối quan hệ giữa nghệ thuật Việt Nam và quan niệm của nhân dân về nó cần có sự thay đổi, chị lên đường sang nước bạn để so sánh, quan sát đời sống nghệ thuật của họ: những bảo tàng ở đủ các loại hình và luôn mới, thường tổ chức triển lãm, hoạt động ngoại khoá tìm hiểu,... những điều ấy như mở ra cho Lê Na một thế giới mới.

Từ đó, cô gái trẻ đem những kinh nghiệm ấy về lại Việt Nam, để cùng định hướng cho sự phát triển của nghệ thuật truyền thống, đồng thời nâng cao giá trị của hoạt động cộng đồng dành cho giới trẻ. Dù đường đi không bao giờ là dễ dàng, nhưng với một trái tim đam mê nghệ thuật và tình yêu quê hương, chị Đào Thị Lê Na đã xây dựng nên một thế hệ trẻ luôn năng nổ và đam mê.


Chị Lê Na (giữa), nhà báo Phước Lập (bên phải) và MC Phương Uyên

Một cộng đồng bền vững không thể thiếu vắng tình cảm giữa người với người và những cảm xúc ấy được xây dựng nên trong cái nôi gọi là “nhà”, nơi có cha, có mẹ. Nhưng, không phải đứa bé nào cũng được hát ru trong cái nôi ấy. “Các người mẹ có hoàn cảnh khó khăn, đã để bé vào cổng chùa thì hãy nhận lại các bé. Để các bé có được tình thân ấm áp”. Chị Thanh Thuý, người nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật tại chùa Kỳ Quang 2, Gò Vấp, thông qua chương trình Khoảnh khắc cuộc đời 14 để truyền thông điệp tha thiết, nhân văn, đánh động lương tâm đến những người mẹ đã rời bỏ những người con vô tội.


Chị Thanh Thuý 

Bản thân là một người mẹ có hai đứa con, trong đó có một em chậm phát triển trí não (chỉ số IQ lúc nhỏ là 20%). Chị hiểu rõ những đứa trẻ cần mẹ chăm sóc và nâng đỡ như thế nào. Trong quá trình đi tìm một môi trường học thích hợp cho con, cơ duyên đã đưa chị đến gặp thầy trụ trì chùa Kỳ Quang 2. Thầy đã đưa con chị vào lớp học bán trú tại chùa. Vừa học, vừa kết hợp chữa bệnh theo phương pháp Tây y, đến nay bé đã dần dần rút ngắn khoảng cách với các trẻ bình thường cùng độ tuổi.

Tiến sĩ tâm lý Lê Thẩm Dương cũng đã  trao đổi với chị Thuý về phương pháp dạy con. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi quả”, tuỳ vào thể chất của từng trẻ mà có cách dạy dỗ riêng. Trong mọi trường hợp, phương pháp động viên “khen, khen và khen” luôn hữu hiệu để kích thích bé học tập với tinh thần sảng khoái. Và thước đo kết quả tốt nhất chính là “ngày hôm nay đã tốt hơn ngày hôm qua”.

Người ta bảo “Con cái nhờ đức cha mẹ”, từ cái nhân là lòng thương con vô hạn, chị và chồng phát tâm hành thiện, vào chùa nuôi trẻ mồ côi. Để rồi đứng trước những mảnh đời bất hạnh, duyên lại nối tiếp duyên, chị tình nguyện đem tấm lòng và sự chăm sóc ân cần của một người mẹ sưởi ấm các em bé tại đây. Với sự phát tâm chân thành và hành động thiện nguyện đáng ngưỡng mộ, chị Thúy đã góp phần thức tỉnh tình người, chung tay xây dựng một cộng đồng nhân văn hơn.


Chị Thuý, tiến sĩ Lê Thẩm Dương và MC Phương Uyên

Và hơn hết, khi ta học tập và làm việc trong cộng đồng, sự an toàn luôn là một vấn đề được coi trọng. Người dân Sài Gòn vẫn chưa quên vụ cướp xe SH táo tợn trên đường Cách mạng tháng 8 vào tháng 5/2018. Vụ cướp từng khiến dư luận hoang mang và phẫn nộ khi cướp đi mạng sống của 2 thành viên trong nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp và khiến 3 hiệp sĩ khác bị trọng thương. Một trong 3 hiệp sĩ bị thương năm đó là anh Trần Văn Hoàng - trưởng nhóm hiệp sĩ Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh đã kể lại câu chuyện trong tập 15 của chương trình Khoảnh Khắc Cuộc Đời.

Tính tới thời điểm hiện tại, anh Hoàng cùng đồng đội đã ngăn chặn được hơn 500 vụ cướp lớn nhỏ và bắt được hàng trăm tội phạm. Đồng đội của anh là những người có tuổi đời và nghề nghiệp khác nhau nhưng có chung một tinh thần nghĩa hiệp, được người dân yêu mến gọi là “hiệp sĩ đường phố”.


Anh Trần Văn Hoàng - người anh hùng đằng sau tay lái

Những trường hợp chấn thương, tử vong xảy ra do cướp giật gây nên là rất nhiều, trong đó có người bạn của anh. Cách đây 20 năm người bạn ấy đã ra đi do chấn thương vì bị đạp vào đầu trong lúc bọn cướp giằng giật sợi dây chuyền vàng. Cái chết của người bạn có lẽ là khoảnh khắc đau đớn, ám ảnh, khiến anh Hoàng nung nấu quyết tâm bắt cướp, giúp người gặp nạn, trả lại tài sản và sự bình an cho người dân, chỉ để nhận được một cảm giác nhẹ lòng.

Đối đầu với bọn tội phạm nguy hiểm có vũ khí, anh Hoàng từng gặp rất nhiều tai nạn do dao, búa, kim tiêm, hơi cay gây ra, trong nỗi lo lắng thường trực của người thân và gia đình. Lần bị thương nặng nhất của anh là vào năm 2018, trong vụ cướp xe SH nêu trên, bọn cướp có vũ trang đã đâm vào bụng anh, tỷ lệ thương tật là 68%. Duy nhất trong khoảnh khắc nghe kể diễn biến này của vụ cướp, đạo diễn Lê Hoàng đã không khỏi bàng hoàng vì sự khốc liệt quá sức tưởng tượng trong quá trình săn bắt cướp.

Có lẽ, sau đôi mắt kiên định của anh, là tấm lòng hiệp nghĩa, tinh thần dấn thân, và ý chí sắt đá tin tưởng vào sứ mệnh mà anh tự trao cho mình để giữ gìn an ninh cho cộng đồng. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc không thể thành công nếu thiếu những người như anh. Thay mặt người dân, đạo diễn Lê Hoàng cảm ơn sự dấn thân của anh Hoàng và những hiệp sĩ đường phố vì sự bình yên của xã hội.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”, phát sóng lúc 22g45 hàng ngày trên kênh HTV9. 

Phạm Nhi