Vì một thế giới xanh, sạch, đẹp

Ông bà ta từng nói “Góp gió thành bão”, xã hội sẽ dần quan tâm hơn đến thiên nhiên, chung tay bảo vệ môi trường, trả lại màu xanh và sự trong lành cho cuộc sống – Đó là tâm sự của chị Châu Ngọc Cẩm Vân.


Chị Châu Ngọc Cẩm Vân và hành trình "giải cứu rác chết"

Trong sinh hoạt hằng ngày, việc sản sinh ra rác thải là một điều không thể tránh khỏi. Nhưng, đôi khi chúng ta không biết rằng, có những loại rác quen thuộc, giản đơn có thể sử dụng cho mục đích khác. Thấu hiểu được vấn đề ấy, chị Châu Ngọc Cẩm Vân – nhà truyền thông môi trường đã hơn 10 năm - cùng hành trình giải cứu rác chết, đưa đến cộng đồng cách để tái chế những hộp sữa giấy nhằm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.

Chia sẻ với Hamlet Trương, khoảnh khắc là động lực phát triển dự án đến từ một bài đăng trên Facebook của chị. Đó là một bài viết bình thường như bao ngày khác, về một vấn đề nhỏ của rác thải là việc hộp sữa giấy có thể được tái chế thành tôn. Nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, lượt share của bài viết đã đạt đến 21.000, giống như một làn sóng lan toả mạnh mẽ. Lúc đó, chị cảm thấy rất vui khi vấn đề môi trường được cộng đồng quan tâm và để ý nhiều.

Từ đó, chị bắt đầu thực hiện dự án NHC – thu gom hộp sữa giấy để tái chế với đối tượng chính là các em học sinh. Hiện tại, đã có hơn 250 trường tham gia dự án, và 42 điểm thu gom cộng đồng từ những chung cư, công ty,... 

Khi được tiếp cận với thông điệp, các em không chỉ thu gom ở trường mà còn thu gom tại nhà của mình nữa. Theo chị, vì hộp sữa giấy là loại rác quá giản đơn, chị mong muốn tác động đến thế hệ tương lai cũng như lan toả câu chuyện đến xã hội nhiều hơn nữa. Và sau khoảng thời gian hoạt động, dự án đã đưa đến cộng đồng những vấn đề môi trường cần có sự quan tâm nhằm giảm rác thải và sự ô nhiễm.


Dự án được các em học sinh ủng hộ ở nhiều trường khác nhau

Chị Châu Ngọc Cẩm Vân chia sẻ, tựa sách mà chị tâm đắc mang tên “Bức xúc không làm ta vô can” của tác giả Đặng Hoàng Giang. Hiện nay, khi sức đề kháng của con người ngày càng giảm, sự ô nhiễm và hiệu ứng nhà kính ngày càng tăng khiến ta không khỏi bất bình. Nhưng, ta đã làm gì chưa? Chị mong muốn mọi người có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như thu gom những hộp sữa giấy, khơi dậy những làn sóng nhỏ. Ông bà ta từng nói “Góp gió thành bão” dần dà, xã hội sẽ quan tâm hơn đến thiên nhiên, chung tay bảo vệ môi trường, trả lại màu xanh và sự trong lành cho cuộc sống. 

Trong thực tiễn, có nhiều phương pháp khác để mang lại màu xanh cho không gian của chúng ta, chứ không chỉ riêng việc tái chế rác thải. Chẳng hạn như tận dụng những vật liệu sẵn có trong thiên nhiên, vừa tiện lợi lại vừa thân thiện với môi trường. Theo lẽ đó, anh Nguyễn Anh Thảo đã và đang phát triển dự án "Tiệm rau của ba", mang nông sản sạch đến với người tiêu dùng và là một trong những người đầu tiên sử dụng lá chuối để gói rau củ.


Anh Nguyễn Anh Thảo và câu chuyện nông sản sạch

Khi hay tin vợ mang thai đứa con đầu lòng, anh mong muốn làm một điều gì đó để đánh dấu giây phút quan trọng của cuộc đời mình. Khi ấy, Thảo quyết định về Bến Tre để suy nghĩ lại mọi việc. Và khoảnh khắc làm động lực để anh phát triển dự án "Tiệm rau của ba" là khi anh nhận ra lý tưởng trong công việc của mình. Những khám phá mới mẻ ở vùng đất Nam Bộ thuần hậu, chất phác, những nét đẹp của con người và cả nông sản nơi đây thôi thúc anh muốn lan toả đến cộng đồng hình ảnh của người nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam.

Trong suốt quá trình thực hiện, những nguyên vật liệu được anh sử dụng đều đến từ tự nhiên, như: tre nứa, giấy,... và quan trọng hơn hết là những chiếc lá chuối. Ý tưởng đó bắt đầu vô cùng đơn giản, ban đầu anh dùng lá chuối lót phía dưới rau củ để chúng đừng bị cấn khi đựng trong rổ rá. Dần dà, anh nhận thấy sự tiện lợi cũng như nét thẩm mỹ trong phương pháp ấy, và việc gói rau củ bằng lá chuối đã được anh áp dụng từ đó.


Anh gói nông sản trong lá chuối hằng ngày

Anh Thảo cảm thấy rất vui khi hiện tại nhiều siêu thị lớn cũng đã áp dụng phương pháp này nhằm giảm thiểu lượng ni lông thải môi trường. Và trên hết là niềm tự hào khi người Việt Nam đang tiến đến một thị trường nông sản sạch, an toàn cho chính mình, người thân và cả cộng đồng.


Việc gói rau củ trong lá chuối được áp dụng tại nhiều hệ thống siêu thị

Cho dù khởi nghiệp nông nghiệp vô cùng khó khăn trong thời điểm hiện tại, nhưng vì ước mơ và kế hoạch rõ ràng của mình, anh thành lập một dự án được người người học hỏi và công nhận. Theo quan điểm của Thảo, rau củ sạch là sạch từ tâm người trồng, không sử dụng những hoá chất độc hại cũng như người bán giữ đúng giá trị của loại nông sản bán ra. Anh mong muốn phát triển tiệm rau của mình thành một "trạm" nhỏ, để ai cũng có thể lấy rau, biết được thông tin về sản phẩm sạch, ai cũng mang chút màu xanh trong cuộc sống của mình.

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Phạm Nhi