Tham gia sân chơi “Vọng cổ online”, những thí sinh có giọng hát và đam mê với bộ môn âm nhạc dân tộc đều đặt mục tiêu gom góp kinh nghiệm để theo đuổi cuộc thi chuyên nghiệp: "Chuông vàng vọng cổ".
Những thí sinh của VCOL tham gia Sơ tuyển "Chuông vàng vọng cổ 2018"
Sân chơi Vọng cổ online (VCOL) do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) tổ chức định kỳ từ năm 2015 đến nay. Với lượng thí sinh tham gia đông đảo, cho thấy người mộ điệu cải lương vẫn luôn khao khát có một sân chơi đúng nghĩa và chuyên nghiệp. Trong cuộc thi VCOL, chương trình đã tìm được khá nhiều thí sinh triển vọng. Họ đến từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước, từ không chuyên đến chuyên nghiệp với nhiều độ tuổi khác nhau.
Ba năm đủ để chứng kiến sự trưởng thành của các thí sinh, và trong những thí sinh đó, họ đã mạnh dạn bứt phá, tôi luyện thêm tài năng để tham gia cuộc thi Chuông vàng vọng cổ - đích đến mà họ hy vọng bằng cả tâm huyết lẫn đam mê!
Gặp gỡ các gương mặt thân quen của “Vọng cổ online” trong vòng Sơ tuyển “Chuông vàng vọng cổ 2018”
Thí sinh Văn Khiêm (Kiên Giang):
Từng lọt vào buổi Gala tuyển chọn của VCOL mùa trước. Năm nay, Khiêm quyết định thử sức mình tại cuộc thi Chuông vàng vọng cổ. Với Khiêm, cuộc thi VCOL thật sự đã mang lại cho Khiêm nhiều kinh nghiệm qua những lời nhận xét, góp ý bổ ích của các vị giám khảo.
Khi thất bại ở những lần thi trước, Khiêm rút ra được bài học quý giá, đó là phải biết cách chọn bài hát phù hợp với giọng ca cũng như rèn luyện thêm khả năng biểu diễn trên sân khấu.
Những nhận xét của giám khảo, cũng như trong quá trình tập luyện với các huấn luyện viên đã giúp cho Khiêm có thêm sự tự tin và biết điều khiển tâm lý dự thi.
Năm nay, Khiêm tự tin hơn để tham gia cuộc thi Chuông vàng vọng cổ với tất cả hoài bão, đam mê mà từ bé từng ấp ủ. Khiêm mong muốn học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm của các anh chị nghệ sĩ thành danh, đó là phần thưởng cao nhất mà Khiêm muốn có!
Thí sinh Văn Khiêm
Thí sinh Huỳnh Minh Luân 29 tuổi (An Giang)
Từng là thí sinh đã tham gia 3 năm cuộc thi VCOL. Năm nay, Minh Luân đăng ký dự thi Chuông vàng vọng cổ là để “vượt lên chính mình”. Đến với cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần này, Luân muốn khắt khe hơn với bản thân trước khi chính thức bước chân vào con đường hoạt động nghệ thuật.
Áp lực từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ sẽ giúp cho các thí sinh trưởng thành hơn. Nhưng thật sự, Luân yêu thích cuộc thi VCOL hơn vì ở cuộc thi này, cho dù thí sinh ở đâu, bao nhiêu tuổi, thanh sắc có hay không, cũng không là điều kiện tiên quyết. Nếu tuần này mình thi chưa đạt sẽ có cơ hội vào tuần sau và vẫn được nghe đánh giá từ Ban giám khảo.
Nếu so sánh tính chất giữa hai cuộc thi sẽ rất khó. Với Luân, cuộc thi nào cũng có những điều hay, nhưng nếu chưa đủ tự tin để thi Chuông vàng vọng cổ, các bạn có thể bắt đầu từ VCOL để trải nghiệm, mài giũa, và thử sức trước khi bước vào trận chiến đi “giành chuông"!
Thí sinh Huỳnh Minh Luân
“Vọng cổ online” không chỉ là sân chơi vì đam mê…
Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ và VCOL tuy gắn bó và song hành, nhưng cũng có điểm khác biệt. Nếu VCOL chủ yếu tạo sân chơi giao lưu, học hỏi và thỏa niềm đam mê, thì Chuông vàng vọng cổ lại mở đường cho những đam mê có tài năng bước lên sân khấu chuyên nghiệp.
Có thể ví von VCOL là một tòa nhà âm nhạc dân tộc có sức chứa không hạn chế, ai yêu cải lương và yêu ca hát đều có thể tham gia. Trong tòa nhà đó có một căn phòng mang tên Chuông vàng vọng cổ ở tầng cao nhất – đó là nơi dành cho những giọng ca hội tụ đủ tài năng thiên phú và kinh nghiệm dày dặn để phát triển xa hơn trên con đường nghệ thuật.
Và thực tế cũng đã chứng minh mối liên quan qua lại giữa hai cuộc thi này. Đã có những thí sinh đi từ cuộc thi VCOL đã tỏa sáng tại các đêm chung kết khu vực của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ như: Phan Thúy Duy, từng là quán quân cuộc thi VCOL 2016 và đã lọt vào chung kết khu vực cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2017; Nguyễn Thị Mỹ Dung lọt vào vòng Tuyển chọn Chuông vàng vọng cổ 2017 và 2018…
Thí sinh Phan Thúy Duy - quán quân VCOL 2016 có mặt trong vòng Tuyển chọn Chuông vàng vọng cổ 2017
Trương Ngọc Nhi, cô gái nhỏ nhắn đã từng gây ấn tượng với các giám khảo trong vòng Tuyển chọn Chuông vàng vọng cổ 2017, cũng từng là thí sinh nổi bật trong các mùa VCOL. Cô chia sẻ: Khi thi VCOL, Nhi nhận được nhiều lời động viên từ các anh chị đi trước. Nhờ đó, Nhi đã đủ tự tin ghi danh dự thi Chuông vàng vọng cổ.
Nhi đang cố gắng tham gia sinh hoạt thường xuyên tại các câu lạc bộ cải lương để tích lũy kinh nghiệm. Còn riêng VCOL, Nhi nhận thấy có những lợi ích cụ thể, đó là nhận được những lời nhận xét quý báu và những góp ý khách quan từ bạn bè, các khán giả gần xa, là bước đệm để mọi người biết đến mình.
Thí sinh Trương Ngọc Nhi trong vòng Tuyển chọn Chuông vàng vọng cổ 2017
Có thể sân chơi VCOL chưa đủ chuyên nghiệp để trau dồi “lực” cho thí sinh tiến gần hơn với Chuông vàng vọng cổ, nhưng ít nhiều cũng giúp các thí sinh có cơ hội cọ xát và điều chỉnh những khuyết điểm, từ ca diễn, nhịp nhàng hay ít nhất cũng là cách chọn bài thi cho phù hợp.
Từng chút một sẽ mang lại cho các thí sinh sự tự tin và trưởng thành hơn. Cuộc thi VCOL cũng có thể được xem như một trong những nhịp cầu đưa người chơi đến với những cuộc thi chuyên nghiệp.
Thanh Thương