Trong hành trình đi sâu vào Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà để tìm chim rừng, ê-kíp "Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã" đã bắt gặp được chim lách tách vành mắt, họa mi đất mày trắng và chim đớp ruồi - những loài chim rừng có màu sắc rất đặc biệt.
Nhiều kinh nghiệm đi rừng tránh vắt được chia sẻ
"Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã" tập 11 là hành trình khám phá một phần rừng Đà Lạt tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà của bộ ba nhiếp ảnh gia Đào Tấn Phát, Dương Thái Dũng, Nguyễn Dũng.
Chim họa mi đất mày trắng ở Bidoup - Núi Bà
Ngay khi bắt đầu di chuyển vào trong rừng, nhiếp ảnh gia Đào Tấn Phát đã lưu ý: "Rừng ở Đà Lạt ẩm ướt, số lượng vắt rất nhiều. Nếu mặc đồ kín, phải mặc thật kín. Nếu mặc đồ bình thường, khi bị vắt cắn sẽ dễ phát hiện, mình thường se vắt lại rồi... liệng nó đi.
Còn một cách khác là rắc muối, vắt tự động mất nước và chết. Cũng cần để ý những con vật trên bề mặt như rắn, thường gặp có rắn lục núi có nọc độc mạnh giống rắn lục đuôi đỏ từng gặp ở Đồng Nai. Thấy ổ kiến hay mối cũng không nên dậm lên vì nó sẽ tấn công ngược lại".
Chim lách tách vành mắt
Mục tiêu của ê-kíp "Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã" kỳ này là chụp chim rừng, mà đối tượng được chọn chụp đầu tiên là chim lách tách vành mắt. Sau khi xác định vị trí và phân chia góc máy, anh Tấn Phát mở tiếng chim lách tách vành mắt để thu hút chúng nhưng may mắn thay, họ không chỉ bắt được hình ảnh của lách tách vành mắt mà còn bắt gặp được họa mi đất mày trắng.
Chim đớp ruồi đực có màu xanh dương ánh tím
Họ cũng phát tiếng của chim đớp ruồi để thu hút chúng. Chim đớp ruồi khá lớn, con trống có màu xanh dương ánh tím, trong khi con mái có màu nâu. Đây là loài chim gần như lớn nhất trong họ đớp ruồi.
Trong lúc... nghỉ mệt vì đi đường rừng, cả ba nhiếp ảnh gia đều vui mừng vì bắt gặp một cặp vợ chồng chim đớp ruồi. Đón xem các số tiếp theo hứa hẹn nhiều hấp dẫn và thú vị của "Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã", phát sóng lúc 10g25 Chủ nhật hàng tuần trên HTV7.
Thiên Bình