Hiện nay, những dấu ấn không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện diện ở khắp Thành phố, trong đó các trường đại học vốn là những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPHCM, phía Nam và cả nước.
Trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, việc hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh một cách phù hợp có thể sẽ góp phần bồi đắp thêm cho mỗi người dân TPHCM, đặc biệt là học sinh, sinh viên những giá trị đạo đức tốt đẹp, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong thời đại mới. Tại một số trường đại học trên địa bàn TPHCM, những ý tưởng đầu tiên trong việc hình thành những không gian vật chất của không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực sinh động, lôi cuốn, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trong môi trường giáo dục và đào tạo tại Thành phố.
Sôi nổi hình thành các không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các trường đại học
Hiện nay, những dấu ấn không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện diện ở khắp Thành phố, trong đó các trường đại học vốn là những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPHCM, phía Nam và cả nước.
Điển hình như ở Trường Đại học Sư phạm TPHCM (HCMUE) đã khánh thành và đưa vào sử dụng không gian văn hóa Hồ Chí Minh “Tuổi trẻ Trường Đại học Sư phạm TPHCM học tập và làm theo lời Bác” từ tháng 4/2022. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có 3 mảng nội dung chính là “Hành trình theo chân Bác”, “Văn hóa - Nghệ thuật Hồ Chí Minh” và “Học tập và làm theo lời Bác” được cụ thể hóa từ ý tưởng kiến tạo một không gian văn hóa trực tuyến về Chủ tịch Hồ Chí Minh mang những đặc trưng của Nhà trường sư phạm, góp phần bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp của những thầy cô giáo tương lai.
Tại Trường Đại học Tài chính - Marketing (UFM), từ tháng 6/2022, không gian văn hóa Hồ Chí Minh được tổ chức theo dạng thư viện mở hướng đến việc trưng bày các sách, tư liệu về Bác và không gian cũng là nơi diễn ra các hoạt động chính trị, văn hóa của đơn vị. Tại đây có 3 khu triển lãm: Khu vực triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu vực những hình ảnh tiêu biểu, là những ghi nhận của các lãnh đạo, tuyên dương các tập thể, cá nhân của trường đã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Khu vực trưng bày những cuốn sách mang nhiều giá trị, ý nghĩa về cuộc đời của Bác, các chủ đề năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có một không gian khá rộng rãi có trang bị nhiều bộ bàn ghế tiện nghi để sinh viên có thể thoải mái đọc những quyển sách tiêu biểu được trưng bày nơi đây. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Không gian mở tại trường đã góp phần trong xây dựng và phát huy đạo đức cách mạng cho sinh viên.
Tháng 8/2022, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) liên kết với phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức để xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trung tâm học tập cộng đồng của địa phương. Đây là một thiết chế văn hóa quan trọng, là sản phẩm hợp tác giữa khu vực trường học và địa bàn dân cư, giúp nhân dân tại địa phương có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó, những nét đẹp văn hóa Hồ Chí Minh có thêm không gian để lan tỏa và tạo ra giá trị cho cuộc sống.
Là một ngôi trường vinh dự mang tên Người thời niên thiếu, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành luôn mong muốn truyền cho sinh viên ngọn lửa về tư tưởng, về phong cách, về đạo đức, về lối sống của Bác. Chính vì thế, nhà trường đã chú trọng xây dựng và phát huy “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại trường, trong đó thể hiện rõ nét về: quê quán - thời niên thiếu của Bác; Bác Hồ dạy học ở trường Dục Thanh - Phan Thiết; Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911; Hoạt động ở Pháp và Liên Xô; Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930; Trở về nước năm 1941 và cách mạng tháng 8/1945; Tuyên ngôn Độc lập; Giai đoạn năm 1946 - 1954; Giai đoạn năm 1954 - 1969; Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thanh Thiếu niên Nhi đồng... Bên cạnh đó, tại 3 cơ sở chính của trường đều có một “Phòng tưởng niệm Bác” được đặt chỉn chu, trang nghiêm tại những vị trí trang trọng nhất của trường.
Tiên phong trong quá trình kiến tạo không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Cùng với việc đổi mới nội dung, phương pháp thì mục tiêu giáo dục cũng được chú trọng hơn, trong đó giáo dục đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh được triển khai rộng rãi và tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục đào tạo con người mới vừa “hồng” vừa “chuyên”. Và một trong những hoạt động thiết thực để nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” chính là xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh chính là tiền đề vật chất quan trọng để đưa tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Hiện nay, trong các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM, TP đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung chỉ đạo xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học từ tiểu học đến đại học, thường xuyên nhắc nhở học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy trong học sinh, sinh viên. Do đó, trong quá trình xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh, hơn 60 trường đại học và học viện đứng chân trên địa bàn TPHCM không chỉ là những điểm hội tụ và lan tỏa những giá trị cao đẹp của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn là những đơn vị tiên phong trong quá trình kiến tạo không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Từ thực tiễn hiệu quả mang lại trong việc xây dựng và phát huy không gian văn hóa Hồ Chí Minh, ThS. Mạch Ngọc Thủy, Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, hiện nay sinh viên ngày càng giữ vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và vai trò này chỉ có thể thực hiện tốt khi ý thức tự giác của sinh viện được thực hiện trên mọi lĩnh vực. Tự giác trong học tập, tự giác trong rèn luyện đạo đức, tự giác trong xác định mục tiêu, lý tưởng của bản thân… trong đó tự giác rèn luyện đạo đức giữ vai trò quan trọng nhất vì đó là gốc, là nền tảng của con người mới, trong đó có sinh viên. Với mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quyết tâm của Thành phố mong muốn xây dựng và lan tỏa đến mọi người dân thành phố về đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời phát hiện và tôn vinh những tấm gương tiêu biểu về đạo đức trong thời kỳ mới. Để thực hiện mô hình này hiệu quả thì vai trò của các trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn Thành phố rất quan trọng bởi lẽ nơi đây tập trung khá đông thanh niên từ mọi miền Tổ quốc đến học tập, sinh sống và làm việc.
Ở một khía cạnh khác, ThS. Đặng Văn Khoa, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, với tư cách là những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là nơi sáng tạo, lưu giữ và truyền bá những tri thức mới cho xã hội, các trường đại học cần thể hiện vai trò kiến tạo, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nhân loại tới cộng đồng thông qua những dự án hợp tác xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với các đơn vị ở địa bàn dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp, lực lượng vũ trang để từ đó có thể phát huy thế mạnh của các bên có liên quan trong việc chung tay xây dựng những giá trị văn hóa đặc trưng của Thành phố mang tên Bác.
“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các trường đại học không chỉ mang lại những giá trị tinh thần mà cần phải được chuyển thành động lực nghiên cứu, học tập, lao động, sáng tạo đối với mỗi cán bộ, đảng viên, sinh viên và chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để xây dựng đất nước. Muốn vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần có kế hoạch hành động cụ thể và khả thi để phát huy giá trị các không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở mức cao nhất” – ThS. Đặng Văn Khoa nhấn mạnh.
Thành ủy TP.HCM