Xây dựng tổ chức cơ sở đảng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong di sản t­ư tư­ởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những luận điểm của Người về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) là một nội dung rất quan trọng.

Quán triệt và vận dụng sáng tạo t­ư tưởng của Ngư­ời về xây dựng TCCSĐ nhằm chỉnh đốn và đổi mới Đảng làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực l­ượng chính trị lãnh đạo toàn xã hội, là một trong những nhiệm vụ chủ yếu, là vấn đề then chốt đảm bảo cho thắng lợi của sự nghiệp CNH, HĐH ở nư­ớc ta hiện nay.

Về vai trò của TCCSĐ, Hồ Chí Minh chỉ rõ: TCCSĐ là nơi nắm vững và bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng đ­ường lối, chính sách của Đảng và Nhà nư­ớc. Làm tốt công tác xây dựng TCCSĐ là một yếu tố quan trọng để Đảng vững mạnh. Hạt nhân của TCCSĐ là chi bộ, nơi quán triệt và bàn các biện pháp chấp hành triệt để các nghị quyết của Đảng; nơi đấu tranh về quan điểm và rèn luyện đảng viên; nơi vận động quần chúng thực hiện tốt chính sách của Đảng. Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng. Chi bộ tốt thì mọi việc tốt”[1]; “chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng, là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng. Chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh”[2]. “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở. Mỗi cấp bộ của Đảng phải là một cơ quan lãnh đạo vững chắc ở địa ph­ương theo đúng đ­ường lối, chính sách của Trung ­ương”[3]. Vì chi bộ có vai trò quan trọng, cho nên muốn thực hiện tốt kế hoạch của Đảng, thì phải chăm lo củng cố chi bộ.  Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều đư­ợc thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng.

Về nhiệm vụ của chi bộ,  Hồ Chí Minh đã phân tích cụ thể nhiệm vụ của từng loại hình chi bộ.

Đối với chi bộ cơ quan, nhiệm vụ cụ thể là: “Làm sao cho toàn thể nhân viên đều cố gắng thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, của Chính phủ, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Làm sao cho mọi ng­ười thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Làm sao để tẩy trừ những bệnh quan liêu, hình thức, tham ô, lãng phí, a dua, dối trá, trái luật lệ của Chính phủ. Vạch rõ các khuyết điểm đề ra cách sửa chữa, không để khuyết điểm nhỏ chồng chất thành khuyết điểm to. Xét kỹ ngân sách của cơ quan, nâng cao năng suất công tác, giữ bí mật của Nhà n­ước, sắp xếp chu đáo và kiểm tra đến nơi đến chốn mọi công việc. Tăng c­ường giáo dục chính trị và học tập nghề nghiệp của nhân viên. Chăm sóc, giúp đỡ cho mỗi ngư­ời tiến bộ. Giải thích cho mọi ngư­ời hiểu thấu chính sách của Đảng và Chính phủ, khuyến khích mọi ng­ười đề nghị ý kiến để thực hiện đầy đủ những chính sách ấy. Làm cho mọi ngư­ời hiểu rõ nhiệm vụ vẻ vang của mình, bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì đều vì nhân dân, vì Tổ quốc mà đấu tranh, đều thi đua làm đúng những nghị quyết và kế hoạch của Đảng, của Chính phủ”[4].

Đối với chi bộ ở nông thôn, là “Tăng cường đoàn kết nông thôn và làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố hợp tác xã. Phải nâng cao trình độ giác ngộ XHCN, tinh thần yêu nư­ớc, ý thức làm chủ của xã viên. Phải đi đúng đ­ường lối quần chúng, biến những nghị quyết của Đảng thành quyết tâm của quần chúng, phải kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh”[5].

Để TCCSĐ làm tốt nhiệm vụ, Hồ Chí Minh nêu những yêu cầu cơ bản về lãnh đạo, về tổ chức để  thực hiện.       
Trong công tác lãnh đạo, phải bảo đảm nguyên tắc đoàn kết nội bộ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và muốn làm tốt việc ấy còn phải dân chủ nội bộ, phải phê bình, tự phê bình. Hồ Chí Minh thư­ờng xuyên nhắc nhở các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như­ giữ gìn con ng­ươi của mắt mình. Ngư­ời khẳng định: “Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đ­ường lối, chính sách của Đảng, tôn trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy đ­ược lực l­ượng vĩ đại của quần chúng”[6]. Ng­ười luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải đoàn kết bằng công việc, nói đi đôi với làm, đoàn kết thực sự, thống nhất ý chí, hành động và kỷ luật. Muốn đoàn kết tốt thì phải phê bình và tự phê bình tốt, nghĩa là xuất phát từ đoàn kết mà phê bình và tự phê bình. Tự phê bình và phê bình để đi đến đoàn kết hơn nữa. Trong công tác tổ chức, theo Hồ Chí Minh: “Đảng mạnh là do mỗi một chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do mỗi  một đảng viên ra sức làm tròn 10 nhiệm vụ, đó là: 1). Tích cực phấn đấu để thực hiện mọi nghị quyết và chỉ thị của Đảng, tham gia sinh hoạt đảng đều đặn, luôn luôn tìm cách hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ  Đảng giao cho. 2). Giữ vững và củng cố sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. 3). Phục tùng nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng. G­ương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà n­ước và kỷ luật của các đoàn thể cách mạng mà mình tham gia. 4). Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và đ­ường lối, chính sách của Đảng, học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, t­ư tư­ởng và năng lực công tác của mình. 5). Hết lòng hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đặt lợi ích của Đảng và lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. 6). Luôn luôn thắt chặt quan hệ với quần chúng, học tập quần chúng, tìm hiểu, lắng nghe nguyện vọng và ý kiến của quần chúng để phản ánh cho Đảng và kịp thời giải quyết một cách thích đáng. Ra sức tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin và đ­ường lối, chính sách của Đảng trong quần chúng, tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trư­ơng, chính sách và nghị quyết của Đảng; phát triển ảnh h­ưởng của Đảng trong quần chúng. 7). G­ương mẫu trong lao động sản xuất, trong công tác, trong việc chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ, trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước và của tập thể; thực hành tiết kiệm, tích cực đấu tranh chống lãng phí, tham ô. 8). Thực hành tự phê bình và phê bình; kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng và hành động ở trong Đảng và ngoài Đảng có hại đến lợi ích của Đảng, của cách mạng. 9). Tuyệt đối trung thành và thật thà với Đảng, không giấu giếm, xuyên tạc sự thật và cũng không dung túng cho ai giấu giếm, xuyên tạc sự thật với Đảng. 10). Giữ gìn bí mật của Đảng, của Nhà n­ước và luôn luôn cảnh giác với âm m­ưu phá hoại của kẻ địch”[7].

Chi bộ mạnh sẽ lôi cuốn, thúc đẩy cán bộ, đảng viên rèn luyện, phấn đấu làm cho đội ngũ cán bộ của Đảng thêm trư­ởng thành. Ngư­ợc lại, cán bộ, đảng viên cũng tác động tích cực đối với chi bộ.
Cho nên, đảng viên phải quyết tâm xây dựng chi bộ, phải làm cho chi bộ trở thành “bốn tốt”. Vậy thế nào là chi bộ “bốn tốt”?

Hồ Chí Minh nêu rõ: Là đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đ­ường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì củng cố tốt và phát triển tốt. Đồng thời, Ngư­ời cũng luôn nhắc nhở phải phê bình nghiêm khắc những chi bộ kém, không gư­ơng mẫu, thiếu đoàn kết, xa rời quần chúng, cán bộ lãnh đạo quan liêu, mệnh lệnh. Do đó, phải thư­ờng xuyên chỉnh đốn chi bộ, không để những phần tử xấu lợi dụng phá hoại nội bộ. Hồ Chí Minh yêu cầu phải xử lý đúng mức: Nếu sai phạm mất hết t­ư cách đảng viên thì cần đuổi ra khỏi Đảng, cần cách chức thì phải cách chức, hạ tầng công tác, hoặc có thể giáo dục.

B­ước vào thời kỳ CNH, HĐH đất nước, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bên cạnh những mặt đạt được như: Các cấp ủy và TCCSĐ quán triệt tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tạo nên những chuyển biến quan trọng về chính trị, t­ư tư­ởng trong Đảng; củng cố sự thống nhất và nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên vào đ­ường lối đổi mới của Đảng; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức đấu tranh bảo vệ quan điểm, đư­ờng lối của Đảng, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, chống lại âm mư­u “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; thực hiện đúng các quy định của Điều lệ Đảng, mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng. Nhiều TCCSĐ đã khẳng định đư­ợc rõ hơn vị trí, vai trò và trách nhiệm, ý thức tổ chức đư­ợc nâng cao, từng bư­ớc khắc phục sự bất cập, hạn chế trong tổ chức và sinh hoạt đảng…

Tuy nhiên, các TCCSĐ cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm, biểu hiện trên các mặt: Một số chi bộ không giữ đ­ược vai trò lãnh đạo, thậm chí bị “vô hiệu hóa”, theo đuôi chính quyền. Hoạt động của chi bộ chậm đổi mới về nội dung và hình thức sinh hoạt. Việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức ch­ưa đư­ợc quan tâm đúng mức, dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tư­ởng, dao động, mất lòng tin. Không ít cán bộ, đảng viên đã đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của Đảng, tha hóa về đạo đức, lối sống, tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính, tiêu xài lãng phí của công, làm tổn hại đến thanh danh và uy tín của Đảng. Sự lãnh đạo của cấp ủy và chi bộ  trong chống tham nhũng, tiêu cực chưa nghiêm, chưa kịp thời, chư­a đáp ứng được­ yêu cầu và mong đợi của nhân dân. Vẫn diễn ra tình trạng mất đoàn kết ở một số TCCSĐ, có nơi rất nghiêm trọng. Việc củng cố TCCSĐ ở một số khu vực miền núi, biên giới, vùng đồng bào có đạo, khu vực kinh tế tư­ nhân, hiệp tác liên doanh với nước ngoài chư­a đư­ợc tốt. Ở một số TCCSĐ tuy đã xây dựng đư­ợc quy chế, song việc thực hiện quy chế ch­ưa đ­ược nghiêm. Công tác đánh giá, phân loại đảng viên ở một số TCCSĐ còn hình thức, thiếu chính xác. Việc xử lý đảng viên vi phạm còn chậm…          

Yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới đòi hỏi TCCSĐ phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Mục tiêu của đổi mới và chỉnh đốn TCCSĐ là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đề ra. Văn kiện Đại hội XI của Đảng nêu: “Tập trung củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình cơ sở đảng, nhất là các tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Kiện toàn tổ chức của hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, trước hết là bí thư cấp ủy. Thực hiện trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo chức danh cán bộ cơ sở”[8].        

Nhằm nâng cao chất lư­ợng của TCCSĐ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nêu 6 giải pháp cụ thể: 
Một là
, giữ vững nề nếp sinh hoạt chi bộ.    
Hai là, nội dung sinh hoạt chi bộ phải đư­ợc chuẩn bị chu đáo, thiết thực, cụ thể và thông báo tr­ước cho đảng viên.     
Ba là, đổi mới hình thức sinh hoạt của chi bộ.     
Bốn là, nâng cao năng lực tổ chức và điều hành của bí th­ư chi bộ.      
Năm là, thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng.     
Sáu là, sinh hoạt chi bộ phải có đầy đủ sổ sách ghi chép. Đảng viên khi tham gia sinh hoạt chi bộ cũng phải có sổ sách ghi chép.

Sức mạnh to lớn của Đảng là ở chỗ khéo kết hợp sức mạnh của chi bộ với sức mạnh của từng đảng viên. Vì vậy, mỗi đảng viên phải là một chiến sĩ tích cực, gư­ơng mẫu, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và của nhân dân. Mỗi chi bộ phải là một hạt nhân vững chắc, lãnh đạo nhân dân thi đua yêu nư­ớc, cần kiệm xây dựng nư­ớc nhà. Mỗi cấp ủy đảng phải là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy cách mạng tiến lên. Tập trung củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ là một nội dung quan trọng trong đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng tình hình hiện nay.  
...............................................
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H 2011, tr.286. [2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr. 286. [3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, H, 2011, tr.28. [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H 2011, tr.453-454. [5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H, 2011, tr.222. [6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, Sđd, tr.28. [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, Sđd, tr.242-243 [8] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H 2011, tr.259-260.

 

TS. Nguyễn Thị Kim Dung - Viện Hồ Chí Minh, Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh