Hậu trường truyền hình

Xu hướng hoài cổ của phim Việt

Không chỉ là chất liệu phong phú cho điện ảnh và truyền hình, xu hướng retro (hoài cổ) còn mang đến sức lắng đọng, khơi gợi những hoài niệm xưa về con người, về những giá trị nhân văn trong lòng khán giả.


Cảnh trong phim “Đò dọc” (Hãng phim TFS)

Nhiều sức hút với khán giả

Vài năm gần đây, xu hướng retro đã trở thành cảm hứng cho nhiều nhà làm phim Việt từ truyền hình đến điện ảnh. Theo đó, những bộ phim như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Sài Gòn anh yêu em, Em là bà nội của anh, Dạ cổ hoài lang, Lô tô, Mẹ chồng, Cô Ba Sài Gòn, Tháng năm rực rỡ (điện ảnh), Mộng phù hoa, Thương nhớ ở ai, Tơ hồng vương vấn, Mỹ nhân Sài Thành, Lòng dạ đàn bà, Ðò dọc, Không có gì và không một ai, Duyên định kim tiền, Ải mỹ nhân, Con gái chị Hằng, Hai khối tình, Khúc  tương tư (truyền hình)… đã tạo được hiệu ứng rất tốt với sức lắng đọng, khơi gợi những hoài niệm xưa về đất nước và  con người, về những giá trị nhân văn và văn hóa trong lòng đông đảo khán giả. 

Bên cạnh câu chuyện, màu sắc hoài cổ của bối cảnh cũng góp phần tạo nên thành công không nhỏ cho các bộ phim kể trên. Ðó là hình ảnh đường phố Ðà Lạt mộng mơ những năm 1975 với quán café cùng những bản nhạc rock du nhập của văn hóa phương Tây, quán ăn ven đường, hãng phim tư nhân… của Tháng năm rực rỡ, hay những hình ảnh như áo nâu sồng, chiếc váy đụp hay chiếc cối đá, mái đình làng xưa… trong Thương nhớ ở ai; Sài Gòn những năm 1950 tráng lệ và phù hoa trong Mỹ nhân Sài thành hay Mộng phù hoa… đã gợi sự tò mò cho người xem, hoặc giúp họ trở về với miền ký ức đã qua. 


Cảnh trong phim điện ảnh “Tháng năm rực rỡ”

Mặt khác, khi xem những bộ phim của xu hướng retro, khán giả thường có được những cảm xúc sâu lắng và nhiều suy ngẫm về cuộc sống, phận người, đặc biệt là thân phận người phụ nữ trong những bối cảnh xã hội khác nhau. Thương nhớ ở ai lấy bối cảnh là một làng quê Bắc bộ nghèo khó những năm kháng chiến với những người đàn bà lam lũ, góa bụa nuốt nước mắt vào trong, nén chặt khát khao hạnh phúc. Lấy bối cảnh Sài Gòn và các tỉnh miền Tây trong những năm 1930-1940, Mộng phù hoa là câu chuyện về thân phận của những người phụ nữ xưa nơi đô thị  cũng rất chông chênh, đầy bi kịch. Còn Mẹ chồng là những phận đời phụ nữ trong giới danh gia vọng tộc phong kiến giáo điều, lạc hậu…Từ đó,  các bộ phim đã tạo nên giá trị hiện thực và ý nghĩa nhân văn nhất định. 

Không chỉ vậy, khá nhiều bộ phim theo xu hướng retro còn góp phần chung tay bảo tồn văn hóa truyền thống. Chẳng hạn, phim Song Lang, Gạo chợ nước sông… đã lồng ghép cải lương vào câu chuyện như là một lời nhắc nhớ đến khán giả trẻ về nghệ thuật truyền thống. Ðặc biệt là năm 2018 đánh dấu hành trình 100 năm hình thành và phát triển của cải lương đậm đà bản sắc văn hóa Nam bộ. Còn Cô Ba Sài Gòn lấy bối cảnh thập niên 1960, khi tà áo dài Việt Nam phát triển mạnh mẽ, xen lẫn Âu phục phương Tây… góp phần đề cao giá trị trang phục truyền thống và bản sắc dân tộc.


Cảnh trong phim điện ảnh “Cô Ba Sài Gòn”

Ðạo diễn - nhà sản xuất Lý Minh Thắng của phim Mẹ chồng, Sài Gòn anh yêu em… chia sẻ rằng: “Thời hiện đại, khán giả có tâm lý thích trở về với những hoài niệm xa xưa. Bản thân tôi cũng muốn gợi lại cho người xem nhớ về những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy, mà theo năm tháng người ta có thể dần quên lãng”. Tất nhiên, hoài niệm không có nghĩa là chỉ đủ để khán giả luống tuổi nhớ thương, hay nuối tiếc quá khứ, lý tưởng hóa thời gian đã qua, mà Tháng năm rực rỡ, Cô Ba Sài Gòn, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Thương nhớ ở ai… còn chinh phục được cả khán giả trẻ, được họ đem lòng yêu thích và ủng hộ cao. 

Nhưng cũng lắm thách thức  

Xu hướng retro vẫn đang được một số nhà làm phim nối dài danh sách tác phẩm. Chẳng hạn như đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã bắt tay vào chuẩn bị thực hiện hai phiên bản điện ảnh và truyền hình có kịch bản dựa theo Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Ðạo diễn Phương Ðiền vừa hoàn thành hậu kỳ cho phim truyền hình Giông bão có kịch bản cảm tác từ vở kịch nổi tiếng Lôi Vũ. Tròn 20 năm trước, phim truyền hình Ðất phương Nam được chuyển thể từ tác phẩm Ðất rừng phương Nam của nhà văn Ðoàn Giỏi đã tạo ấn tượng sâu đậm với đông đảo khán giả và ở thời điểm này, phiên bản điện ảnh cùng tên cũng đang được khởi động. Một số tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh có câu chuyện và bối cảnh ở thập niên 1930-1940, hay của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (thập niên 1980) cũng đang được chuyển thể thành kịch bản để làm phim điện ảnh hoặc truyền hình.  


Bộ phim truyền hình “Đất phương Nam” (NSƯT - Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Hãng phim TFS) một thời gây sốt màn ảnh nhỏ, nay sắp có phiên bản điện ảnh do đạo diễn Nguyễn Minh Cao thực hiện

Tuy nhiên, có một thực tế là dù được khán giả yêu thích và tạo được hiệu ứng tốt nhưng dòng  phim retro vẫn chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong tổng số phim điện ảnh và truyền hình sản xuất hàng năm. Sở dĩ như vậy là bởi  việc dựng lại và tái hiện những bối cảnh xưa cho dòng phim này không dễ dàng. Ở Cô Ba Sài Gòn, nếu người xem mê mẩn phong cách retro trong các hình ảnh giới thiệu phim, thì thực tế có đến 2/3 bộ phim phải lấy bối cảnh thời hiện đại. 

Khi về miền Tây tìm bối cảnh cho bộ phim Ðất phương Nam, đạo diễn Nguyễn Minh Cao cho biết, không tìm được nơi nào có thể quay được cảnh nhân vật Võ Tòng trong rừng đước như bản phim truyền hình năm 1995. Một số đại cảnh hoành tráng với bối cảnh Ðà Lạt trước 1975 của Tháng năm rực rỡ phải đầu tư dàn dựng lại hoàn toàn ở TP. Hồ Chí Minh hiện đại.  Thấu hiểu việc tái hiện Sài Gòn xưa, và những miền ký ức gắn với cải lương truyền thống luôn gặp khó khăn ở vấn đề bối cảnh khi không còn hiện diện nữa, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã phải tìm đến giải pháp quay ngoại cảnh ít, sử dụng kỹ xảo để xử lý và tái hiện chủ yếu trong nhà hát cho bộ phim Gạo chợ nước sông.

Ðối với các dự án phim truyền hình, khó khăn càng nhân lên khi thời gian trên phim không chỉ kéo dài trong vài tiếng. Mặt khác, lấy đề tài xưa và mang phong cách retro nhưng bộ phim vẫn cần sự kịch tính, tránh nhàm chán để níu chân khán giả. 


Cảnh trong bộ phim truyền hình “Không có gì và không một ai” (Hãng phim TFS)

“Với phim xưa thì không thể có cảnh xuất hiện dây điện chằng chịt hay đèn led sáng chói. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa, bêtông hóa bây giờ nhanh quá. Ði đâu cũng thấy đập vào mắt là nhà cao tầng, kể cả là về các vùng nông thôn” - đạo diễn Lưu Trọng Ninh của phim Thương nhớ ở ai cho biết. Việc phục dựng bối cảnh rất tốn thời gian, tiền bạc và công sức. Nếu phục dựng mà không ra được “chất” thì sẽ làm hỏng cả bộ phim. Vì thế, đoàn làm phim Thương nhớ ở ai đã phải khảo sát, ghi hình ở khoảng 20 ngôi làng khác nhau. Sau đó mất khoảng hai năm để xử lý hậu kỳ, sử dụng kỹ xảo hình ảnh để cắt ghép, kết nối những cảnh quay lại với nhau; từ đó, tạo ra một không gian, bối cảnh hoàn chỉnh của làng quê Bắc Bộ xưa với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, kho bãi…

Rõ ràng, dù đầy thách thức nhưng nếu được đầu tư chỉn chu và chất lượng thì trong bối cảnh phim về đề tài xã hội hiện đại đang đi vào lối mòn và nhàm chán, phim mang màu sắc retro với những câu chuyện xưa, những bối cảnh cũ sẽ luôn được số đông khán giả ưa chuộng. 

Cảnh trong bộ phim truyền hình “Khúc tương tư” (Hãng phim TFS)

Đan Khanh