(HTV) - Kể từ khi giao tranh nổ ra ngày 07/10/2023, nhiều vùng ở Dải Gaza đã bị bỏ hoang trong khi gần như toàn bộ dân số trở thành vô gia cư. Liên Hiệp Quốc ước tính 1/4 người dân Gaza đang đứng trước nạn đói.
Dải Gaza đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có, trong khi công tác cứu trợ nhân đạo gặp trở ngại do tình hình xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, tổng khối lượng hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza trong tháng 02 đã giảm 50% so với tháng 01. Ít nhất 576.000 người ở Dải Gaza - tương đương 25% dân số, đang ở bên bờ vực của nạn đói
Hàng dài người dân Palestine ở Dải Gaza xếp hàng chờ lấy thức ăn. Nguồn ảnh: Reuters
Tình trạng thiếu lương thực đã lan rộng khắp vùng đất của người Palestine. Liên hợp quốc cảnh báo trẻ em Gaza bị suy dinh dưỡng ở mức nghiêm trọng nhất trên thế giới, với tỷ lệ cứ 06 trẻ em dưới 02 tuổi thì lại có 1 em bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Người dân tranh giành các bao lương thực từ xe viện trợ. Nguồn ảnh: Reuters
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCH) cho biết, ít nhất 576.000 người trên khắp Gaza, chiếm 1/4 dân số ở khu vực này, đang "đối mặt với mức độ thiếu thốn và đói khát thảm khốc" và "chỉ còn một bước nữa là đến nạn đói".
Ngày 02/3, các máy bay của quân đội Mỹ đã tiến hành thả lô hàng viện trợ đầu tiên xuống Dải Gaza, đó là hơn 38.000 suất ăn, mở đầu cho đợt viện trợ nhân đạo khẩn cấp theo chỉ thị của Tổng thống Joe Biden.
Các quốc gia khác, bao gồm Jordan và Pháp, cũng đã tiến hành thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza.
Các nước Mỹ, Jordan và Pháp tiến hành nhiều đợt thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza.
Tại Nhà trắng, người phát ngôn John Kirby nhấn mạnh các đợt thả hàng viện trợ sẽ trở thành “nỗ lực bền vững”. Ông Biden cho biết Mỹ cũng đang xem xét khả năng thiết lập một hành lang hàng hải để chuyển số lượng lớn viện trợ tới Gaza.
Trong khi cộng đồng Quốc Tế đang tăng cường viện trợ nhân đạo cho Gaza thì vào ngày 29/02, Cơ quan Y tế Gaza cho biết Israel đã nã súng vào những người đang chờ viện trợ ở thành phố Gaza (miền bắc Dải Gaza) khiến 112 người Palestine thiệt mạng và 280 người bị thương. Người phát ngôn Cơ quan Y tế Gaza Ashraf al-Qidra cho biết vụ việc xảy ra tại bùng binh al-Nabusi phía tây thành phố Gaza.
Một số quốc gia lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra vụ việc. Trong khi Israel lên tiếng theo điều tra ban đầu vụ việc là do thường dân Gaza giẫm đạp đến chết và bị thương khi lao tới đoàn xe viện trợ.
Vấn đề hiện tại cho cuộc xung đột giữa Israel và Gaza chính là hòa đàm Ngày 03/3, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thúc giục lực lượng Hamas đồng ý với lệnh ngừng bắn ngay lập tức kéo dài 06 tuần cũng như yêu cầu chính phủ Israel tích cực hơn nữa trong việc tăng cường chuyển hàng viện trợ tới Gaza..
Các cuộc đàm phán tại Ai Cập nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza trước tháng lễ Ramadan có khởi đầu không mấy suôn sẻ trong ngày 03/3. Phong trào Hamas đã từ chối yêu cầu của Israel muốn được cung cấp thông tin về khoảng 130 con tin bị lực lượng này bắt giữ.
Thành phố Rafah ở cực Nam Gaza đang là nơi trú ẩn của 1,5 triệu người Palestine trong cuộc xung đột Hamas-Israel. Nguồn ảnh: Reuters
Phía Israel đã khẳng định dù kết quả đàm phán thế nào vẫn sẽ theo đuổi mục tiêu luôn nhất quán từ đầu cuộc chiến đó là phá hủy hoàn toàn năng lực quân sự và cơ sở hạ tầng của Hamas. Tại điểm nóng chiến sự lớn nhất là thành phố Rafah - thành phố cuối cùng của Gaza, đến nay chưa xuất hiện bộ binh Israel.
Liên hợp quốc luôn nhấn mạnh: "Bất kỳ giải pháp bền vững nào cho hòa bình lâu dài đều phải nằm trong khuôn khổ giải pháp hai nhà nước, chấm dứt việc chiếm đóng và thành lập một quốc gia hoàn toàn độc lập, dân chủ, có chủ quyền và Nhà nước Palestine vững mạnh, trong đó Gaza là một phần không thể thiếu, phù hợp với luật pháp quốc tế".
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9