(HTV) - Các cơ quan an ninh mạng tiến hành triệu tập chủ tài khoản Facebook vì đăng thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Việc kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải là cần thiết để tránh hậu quả pháp lý và an ninh trật tự.
Các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội đã tạo ra một làn sóng gây hoang mang dư luận
Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Công an huyện Đức Trọng triệu tập, làm việc với một chủ tài khoản Facebook vì có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Trang Facebook cá nhân bài viết có nội dung: "Có biến tại BigC, 5 người cầm súng bị bắt, tất cả các trung tâm thương mại, dịch vụ, chợ, kinh doanh giải trí phải đóng cửa ngay lập tức".
Thông tin nêu trên hoàn toàn sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, gây hoang mang dư luận tại địa phương. Đã có 5 trường hợp liên quan bị mời làm việc và sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đây tiếp tục là lời cảnh báo đối với việc sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, vì tin giả nhưng án phạt là thật.
Thông tin sai sự thật trên mạng xã hội: Nguy cơ và hệ lụy nghiêm trọng
Liên quan vụ việc đăng tải thông tin sai sự thật liên quan Đà Lạt vào ngày 30/4/2024, trong quá trình làm việc với cơ quan Công an, chủ tài khoản Facebook trình bày do bản thân đọc được các thông tin trên trong các hội, nhóm trên không gian mạng. Tuy nhiên, người này không kiểm chứng tính chính xác của thông tin trước khi đăng tải lên trang Facebook cá nhân.
Các cơ quan an ninh mạng triệu tập chủ tài khoản Facebook vì đăng thông tin sai sự thật
Vụ việc tương tự, ngày 26/4/2024, Công an Quận Bình Tân (TP.HCM) làm việc với trường hợp ông M (61 tuổi, ngụ P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) liên quan đến nội dung đăng tải sai sự thật trên mạng xã hội. Ông đã sử dụng tài khoản Facebook thường xuyên đăng tải, chia sẻ các nội dung sai sự thật, xúc phạm đến các cá nhân, cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước. Ông M đã bị lập biên bản xử phạt hành chính liên quan.
Luật sư Nguyễn Trung Tín - Công ty Luật Đặng và Cộng sự
Luật sư Nguyễn Trung Tín - Công ty Luật Đặng và Cộng sự chia sẻ: ''Nếu như chúng ta đưa những thông tin vì mục đích xấu gây ra hậu quả lớn ảnh hưởng an ninh trật tự trên xã hội thì sẽ bị xem xét để bị xử lý hình sự theo Điều 288. Do đó, ngoài việc bị xử phạt tiền, người vi phạm còn đối diện với nguy cơ hình phạt tù''.
Pháp luật đã có quy định, hành vi đăng tải thông tin bịa đặt, sai sự thật, gây hoang mang dư luận có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a, điểm d, khoản 1, điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ hoặc xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông". Các khung hình phạt hành chính cao nhất là phạt tiền từ 200 triệu đồng tới 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 tới 7 năm.
Xử lý nghiêm hành vi đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội
Nhiều chuyên gia cũng cho ý kiến rằng, về phía cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường tính hiệu quả hơn cần có những công cụ kỹ thuật và biện pháp để quản lý chặt các thông tin trước khi được chia sẻ trên không gian mạng, phải có những công cụ thanh lọc những thông tin bẩn, thông tin giả trước khi tiếp cận công chúng.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9