25 tuyến đường TPHCM thường bị ngập sâu do mưa

KIM LOAN Tổng hợp // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 10/7/2023, 03:00

25 tuyến đường ở TP.HCM bị ngập sâu do mưa, 7 tuyến đường bị ngập do triều cường trong 6 tháng đầu năm 2023.

Đường Tô Ngọc Vân (đoạn giáp đường ray xe lửa) nằm trong số 11 tuyến đường ngập sâu ở TP. Thủ Đức. Nguồn ảnh: Minh Quân

TP. Thủ Đức đứng đầu danh sách điểm ngập

Theo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM), nơi ngập nhiều nhất là TP. Thủ Đức với 11 tuyến đường, gồm: Quốc Hương, Nguyễn Duy Trinh, Tô Ngọc Vân, Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt, Hiệp Bình, Quốc lộ 13.

Tiếp đến là quận Gò Vấp với 5 tuyến, gồm: Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích.

Quận Bình Thạnh có 3 tuyến đường ngập nặng do mưa là Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng và huyện Hóc Môn cũng có 3 tuyến là Song hành Quốc lộ 22, Bà Triệu, Phan Văn Hớn.

Đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) thường xuyên ngập sâu do mưa. Nguồn ảnh: Hữu Chánh

Quận 12 có đường Song hành Quốc lộ 22, Nguyễn Văn Quá và quận Bình Tân có đường Võ Văn Kiệt (đoạn giao Hồ Học Lãm) thường xuyên bị ngập do mưa lớn.

Nguyên nhân gây ngập do cường độ mưa lớn trong thời gian ngắn kết hợp địa hình trũng thấp cục bộ, hệ thống cống hiện hữu thiếu đồng bộ do đầu tư qua nhiều giai đoạn làm giảm tốc độ dòng chảy từ thượng lưu đến hạ lưu.

Theo Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, biện pháp giải quyết cấp bách là triển khai các giải pháp ứng cứu cho các tuyến đường thường xuyên bị ngập nước; tập trung nạo vét các tuyến cống, cửa xả, kênh rạch bị bồi lắng, đặc biệt ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập nhằm đảm bảo thông thoáng dòng chảy.

Đồng thời, thực hiện công tác vớt rác miệng thu hố ga; kịp thời khơi thông các vị trí cống bị tắc nghẽn, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, thay thế các nắp bê tông bằng nắp lưới sắt, mở rộng miệng thu nước... đảm bảo phát huy khả năng thoát nước của hệ thống hiện hữu.

Biện pháp giải quyết căn cơ là đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cầu, đường, lắp đặt sửa chữa hệ thống thoát nước đầu tư đã lâu bị xuống cấp không đảm bảo khả năng thoát nước do các chủ đầu tư đang triển khai thực hiện.

Chờ dự án ngăn triều gần 10.000 tỷ đồng “cứu” 7 tuyến đường

Ngoài những tuyến đường ngập do mưa, TP.HCM còn 7 tuyến đường bị ngập do triều cường, gồm: Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Bình.

Nguyên nhân gây ngập các tuyến đường trên do cao độ mặt đường thấp hơn đỉnh triều. Các tuyến đường chạy song song với các nhánh sông, rạch nên khi triều dâng cao (trên mức báo động III) tràn qua bó vỉa, xâm nhập lên mặt đường gây ngập.

Đường Trần Xuân Soạn (Quận 7) ngập nặng mỗi khi triều cường dâng cao. Nguồn ảnh: Minh Quân

Biện pháp giải quyết cấp bách cho 7 tuyến đường trên là vận hành các van ngăn triều được lắp tại các cửa xả và phối hợp với các chủ đầu tư khắc phục những vị trí bị hư hỏng, hạn chế triều cường tràn bờ gây ngập cho tuyến đường và khu vực xung quanh; xây dựng tường chắn tại các vị trí trũng thấp nhằm hạn chế tình trạng tràn bờ gây ngập; vận hành các trạm bơm di động, trạm Kiểm soát triều phục vụ thoát nước chống ngập.

Về giải pháp căn cơ, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật cho rằng cần đẩy nhanh hoàn thành Dự án Giải quyết ngập triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 làm chủ đầu tư.

Công trình trên được khởi công năm 2016, dự kiến hoàn thành tháng 4/2018, nhưng những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn khiến tiến độ hoàn thành dự án lùi lại nhiều lần.

Từ cuối năm 2020, khi đạt hơn 93% khối lượng, dự án tạm dừng thi công đến nay do vướng mắc việc ký phụ lục hợp đồng, thủ tục thanh toán.

Vướng mắc lớn nhất của dự án là phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành đã được UBND TP.HCM ký đầu năm nay. Theo phụ lục hợp đồng, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 5/2024.

Chủ đầu tư cho biết, đang chờ được Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng BIDV cấp vốn và giải ngân, dự án sẽ được tái khởi động, cam kết về đích đúng tiến độ (theo phụ lục hợp đồng).

Nguồn: Lao Động

>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình 60 giây, Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: