Hoàn thành Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), cầu Nam Lý, nhánh cầu Tăng Long, một phần nút giao An Phú và khởi công hai đoạn Vành đai 2 TP.HCM trong năm 2024 sẽ giúp giảm kẹt xe cho khu Đông TP.HCM.
Giao thông khu Đông TP.HCM đang ngày càng quá tải khi lượng xe lớn nhưng hạ tầng giao thông còn hạn chế
Metro số 1
Sau hơn 12 năm thi công, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM là Metro số 1 hiện đạt 97,62% tổng khối lượng.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), hiện dự án đang được chạy thử nghiệm liên tục để kiểm tra công tác tích hợp hệ thống, tiến tới vận hành khai thác thương mại vào tháng 7 tới.
Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Tuyến metro này khi khai thác kỳ vọng mở ra phương thức vận chuyển mới với khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ khu Đông đến trung tâm TP.HCM. Theo dự báo, Metro số 1 thu hút khoảng 60.000 lượt khách đi lại mỗi ngày.
Metro số 1 dự kiến chạy thương mại tháng 7/2024
Để tăng kết nối hành khách đến các ga trên cao, MAUR cho biết đang tăng tốc triển khai xây 7/9 cầu bộ hành, dự kiến hoàn thành tháng 6 năm nay.
Ngoài ra, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM vừa mời thầu 17 tuyến xe buýt kết nối Metro số 1.
Cùng với hệ thống buýt, dự án làm mới 230 điểm dừng chờ xe, đồng thời xây dựng hạ tầng đồng bộ ở các ga trên cao của tuyến như bãi đậu xe cá nhân, lối đi bộ... đang triển khai để thuận tiện cho khách đi tàu điện.
Cầu Nam Lý
Cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP. Thủ Đức) dài 450 mét, chia làm hai nhánh rộng 20 mét và đường dẫn dài 300 mét, rộng 30-37 mét. Công trình có tổng vốn 919 tỷ đồng, khởi công năm 2016 nhưng do vướng mặt bằng nên tạm dừng thi công từ năm 2019. Sau 4 năm tạm dừng, tháng 3/2023, cầu Nam Lý được thi công lại sau khi UBND TP. Thủ Đức hoàn tất đền bù, giao mặt bằng.
Cầu Nam Lý hoàn thành thông xe dịp lễ 02/9/2024
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP - chủ đầu tư) cho biết, sau gần một năm thi công lại, cầu Nam Lý hiện đạt hơn 70% khối lượng.
Cầu Nam Lý sẽ hoàn thành và thông xe vào dịp lễ 02/9/2024, giúp thay cầu Cống Đập Rạch Chiếc nhỏ hẹp, xuống cấp, đồng thời giảm ùn tắc cho đường Đỗ Xuân Hợp - trục huyết mạch ở khu Đông TP.HCM.
Cầu Tăng Long
Cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai dài 680 mét (phần cầu dài 231 mét) trước đó cũng bị "trùm mền" suốt 4 năm do nhà thầu không có mặt bằng thi công. Việc này khiến tổng mức đầu tư dự án từ 450 tỷ đồng tăng lên 688 tỷ đồng (tăng 238 tỷ đồng).
Tháng 10/2023, UBND TP. Thủ Đức bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư tái khởi động lại cầu Tăng Long.
Cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai (TP. Thủ Đức)
Theo kế hoạch, một nhánh cầu Tăng Long sẽ hoàn thành, thông xe cuối tháng 3/2024. Nhánh cầu còn lại sẽ thông xe dịp 30/4/2025.
Cầu Tăng Long hoàn thành giúp kết nối giữa các phường Tăng Nhơn Phú A, Long Trường, Trường Thạnh trên đường Lã Xuân Oai, thuận lợi cho tàu thuyền qua rạch Trau Trảu phía dưới.
Nút giao An Phú
Nút giao An Phú là điểm giao giữa các trục giao thông lớn gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, đường Lương Định Của và kết nối với các tuyến Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống đi cảng Cát Lái, nên áp lực giao thông rất lớn.
Dự án nút giao An Phú quy mô 3 tầng với tổng vốn hơn 3.400 tỷ đồng – đây là nút giao lớn nhất TP.HCM với 6 cây cầu, một hầm chui được khởi công cuối năm 2022.
Toàn dự án đã đạt khoảng 40% khối lượng thi công với 4 gói thầu gồm: cầu Bà Dạt, hầm chui trên đường Mai Chí Thọ và cầu Giồng Ông Tố. 4 gói thầu xây lắp còn lại được thi công từ đầu năm nay.
Hạng mục hầm chui nút giao An Phú dự kiến hoàn thành cuối năm nay
Dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác hầm chui, cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố vào cuối năm 2024. Toàn bộ công trình hoàn thành vào dịp 30/4/2025.
Công trình giúp giảm ùn tắc cho khu vực cửa ngõ phía Đông TP.HCM và tăng hiệu quả khai thác cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khi sân bay Long Thành được xây dựng.
Hai đoạn Vành đai 2
Hai đoạn Vành đai 2 phía Đông TPHCM dài hơn 6km, dự kiến được khởi công cuối năm nay với tổng vốn gần 14.000 tỷ đồng.
Trong đó, đoạn 1 dài 3,5km, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước là Xa lộ Hà Nội), tổng vốn khoảng 9.328 tỷ đồng. Đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài 2,8km, tổng vốn 4.543 tỷ.
Cả hai dự án được giải phóng mặt bằng toàn bộ từ đầu, rộng 67 mét, sau đó xây đường song hành hai bên và làm các nút giao. Phần đất trống giữa tuyến sẽ dự trữ cho việc triển khai sau này.
Điểm giao nhau hai đoạn Vành đai 2 TP.HCM trên đường Võ Nguyên Giáp
Theo kế hoạch, đến tháng 11/2024, UBND TP. Thủ Đức sẽ được bàn giao khoảng 70% mặt bằng để chủ đầu tư khởi công dự án, và bàn giao mặt bằng toàn bộ vào tháng 3/2025.
Hai đoạn này dự kiến hoàn thành năm 2026, giúp giảm kẹt xe khu Đông TP.HCM, liên kết các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ...
Nguồn: Lao Động
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9