(HTV) - Ngày 04/4/2024 là kỷ niệm 75 năm NATO. Vẫn mạnh mẽ sau biến động, liên minh này tăng cường hoạt động, đặc biệt sau xung đột giữa Nga và Ucraina.
Ngày 04/4/1949, tại Washington D.C., Mỹ, Tổng thống nước chủ nhà Harry Truman cùng lãnh đạo Canada và 10 nước Châu Âu, bao gồm Pháp, Anh, Italia, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Bồ Đào Nha đã ký hiệp định thành lập Tổ chức Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương NATO - liên minh quân sự đầu tiên nằm ở cả 2 bờ Đại Tây Dương.
Lúc đó, thế giới vừa trải qua Chiến tranh Thế giới thứ hai tàn khốc và bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và khối các nước Xã hội Chủ nghĩa, việc thành lập NATO được các nước phương Tây xem là một bước ngoặt lịch sử đối với khu vực Châu Âu - Đại Tây Dương.
Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ký vào tháng 4/1949, có hiệu lực vào tháng 9 cùng năm. Nguồn ảnh NATO
Để đối trọng với NATO, năm 1955, Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Âu thành lập khối Hiệp ước Vácsava. Sự đối đầu quân sự giữa NATO và khối Vácsava đã trở thành “mặt trận chính yếu” trong cục diện đối đầu hai cực Mỹ - Liên Xô suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào đầu những năm 1990, NATO đã trải qua nhiều đợt mở rộng về phía Đông, với sự gia nhập của các nước từng là thành viên khối Vácsava. Trong vòng 10 năm, từ năm 1999 đến 2009, NATO kết nạp thêm 12 thành viên ở Trung Âu, Đông Âu và vùng Balkan.
Sự mở rộng của NATO đạt một bước ngoặt mới khi xung đột Nga - Ucraina bùng nổ vào tháng 02/2022. Với lý do lo ngại về an ninh, hai quốc gia Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách trung lập tồn tại nhiều thế kỷ qua để gia nhập NATO, trong đó Thụy Điển mới gia nhập vào ngày 07/3/2024 này. Qua đó, tổng số thành viên của liên minh quân sự nâng lên thành 32.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo tại trụ sở Chính phủ Thụy Điển ở Stockholm, ngày 24/10/2023. Nguồn ảnh: Reuters
Tổng cộng, các nước NATO có gần 1 tỷ dân và chiếm khoảng 50% GDP thế giới. Quân đội của khối hiện có 3,2 triệu người. Iceland là thành viên duy nhất không có quân đội riêng.
Trụ sở NATO từng đặt tại Luân Đôn (Anh), Paris (Pháp), và hiện nằm tại Bruxelles (Bỉ). Đây là trung tâm chính trị và hành chính của liên minh, trụ sở thường trực của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan ra quyết định chính trị cao nhất của tổ chức.
Trong 75 năm tồn tại, NATO đã trải qua nhiều sự kiện quan trọng. Dưới đây là một vài con số nổi bật:
1
NATO mới chỉ một lần kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể theo Điều 5 sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ. Điều khoản này là điều khoản chủ chốt trong hiệp ước NATO, quy định bất kỳ một cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên được coi là tấn công vào cả khối, các thành viên khác phải đáp trả.
Quyết định kích hoạt Điều 5 đã dẫn đến việc NATO can dự vào Afghanistan và duy trì hoạt động tại nước này cho đến năm 2021.
Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York, bị tấn công ngày 11/9/2001. Vụ khủng bố dẫn đến việc NATO kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể lần đầu tiên và duy nhất đến nay. Nguồn ảnh: Wikipedia
2%
Sau khi Nga sáp nhập Crưm vào năm 2014, các thành viên NATO đã đồng ý đặt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng. Mức này được nâng lên thành tối thiểu 2%, sau khi xung đột Nga - Ucraina bùng phát vào tháng 02/2022.
Năm 2024 này, có 20 nước thành viên dự kiến sẽ chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng, so với chỉ 3 nước đạt được mức này vào năm 2014.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump từng chỉ trích mạnh mẽ việc các nước NATO không chi tiêu đủ cho quốc phòng.
25
Tháng 6/2024 cũng đánh dấu 25 năm kể từ khi NATO đưa quân đến Kosovo, là đợt triển khai quân kéo dài nhất của liên minh.
Lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế do NATO đứng đầu (tức KFOR) được triển khai tại miền Bắc Kosovo kể từ khi xung đột giữa Serbia và Kosovo xảy ra vào năm 1998 - 1999. Năm 2023, căng thẳng gia tăng dẫn đến bạo lực đã khiến các đồng minh gửi thêm binh sĩ đến Kosovo. KFOR hiện có hơn 4.500 quân đến từ 27 nước đồng minh và đối tác của liên minh.
Ngoài vùng Balkan, NATO còn thực hiện các nhiệm vụ lớn khác nằm ngoài khối tại Afghanistan và Libya.
Các binh sĩ của Lực lượng KFOR ở Leposavic, Kosovo. Đến nay, việc triển khai quân đến Kosovo là nhiệm vụ kéo dài nhất của liên minh. Nguồn ảnh: Reuters
43
Chưa có quốc gia nào từng rời NATO, nhưng Pháp từng rút khỏi bộ chỉ huy quân sự của khối vào năm 1966. Đây là quyết định của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, do có nhiều bất đồng với Mỹ. Cũng vì lý do này NATO đã phải chuyển trụ sở chính từ Paris (Pháp) đến Bruxelles (Bỉ).
Mãi đến năm 2009, sau khi được quốc hội Pháp dưới thời chính phủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy thông qua, Pháp quay trở lại bộ chỉ huy quân sự NATO.
Dù vậy, mối quan hệ của Pháp với NATO đôi khi vẫn căng thẳng. Đơn cử là vụ tranh cãi gần nhất khi Tổng thống Emmanuel Macron từng nhận xét liên minh này đang bị “chết não”. Ông Macron sau đó nói xung đột Nga - Ucraina bùng nổ năm 2022 đã cảnh tỉnh NATO bằng “cú sốc điện tồi tệ nhất”.
Những con số đáng chú ý trong 75 năm tồn tại của NATO
Trong 75 năm qua, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã thay đổi và thích nghi với những biến động của an ninh toàn cầu. Dù là liên minh quân sự lớn nhất thế giới, chiếm 70% ngân sách quốc phòng toàn cầu, nhưng NATO vẫn có nhiều thách thức cần đối mặt.
Theo Eliza Keogh, nhà nghiên cứu từ Nhóm nghiên cứu chính sách đối ngoại Anh, với việc kết nạp các nước trung lập Phần Lan và Thụy Điển, NATO cần phải thích ứng với trật tự địa chính trị ngày càng diễn biến khó lường, đồng thời phải giảm thiểu những bất đồng nội bộ.
Cuộc xung đột Nga - Ucraina khiến NATO tăng cường phòng thủ tập thể, nhưng ngày càng xuất hiện nhiều nghi ngờ về các cam kết của Mỹ đối với an ninh Châu Âu. Mỹ là cường quốc quân sự lớn nhất NATO, đóng góp gần 2/3 ngân sách của liên minh, và có tiếng nói quyết định.
Bất kỳ thay đổi nào trong chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ đều có tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của NATO. Ngược lại, NATO cũng là một nền tảng an ninh cực kỳ quan trọng với Mỹ, trong bối cảnh thế giới bất ổn hiện nay.
Trong khi nhiều thành viên liên minh hiện đang trên đà đạt mục tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng, Mỹ vẫn tiếp tục cho rằng việc chia sẻ gánh nặng trong NATO là không bình đẳng.
Tình hình cũng cho thấy an ninh Châu Âu phụ thuộc lớn vào Mỹ, điều này hiện đang là thách thức với Châu Âu cả ở tính thực tế và tính bền vững của các cam kết trong khối, cũng như quy mô hỗ trợ cho an ninh quân sự về lâu dài từ phía Mỹ dành cho NATO.
Tương lai của khối cũng có thể được định hình bằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, với sự góp mặt của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình (2016 - 2020), ông Trump thường xuyên chỉ trích NATO, cũng như việc một số thành viên đóng góp không đủ cho NATO. Trong chiến dịch tranh cử gần đây, cựu Tổng thống tiếp tục chỉ trích, khiến các đồng minh NATO lo lắng Mỹ có thể từ bỏ các cam kết với NATO nếu ông thắng cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đến tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bruxelles (Bỉ), năm 2018. Ông Trump từng nhiều lần chỉ trích liên minh và thậm chí dọa rút Mỹ khỏi khối. Nguồn ảnh: AFP
Một thách thức nữa là sự chia rẽ ngay trong nội bộ NATO, khi ngày càng nhiều nước bày tỏ lo ngại về chi phí hỗ trợ dành cho Ucraina. Theo tờ Politico, việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ucraina trong cuộc xung đột với Nga tạo nên gánh nặng về lâu dài cho NATO. Nhiều vấn đề lớn lẽ ra phải được liên minh này thống nhất từ sớm nhưng vẫn chưa đạt được thống nhất của tất cả các thành viên. Lãnh đạo các nước NATO cũng có lập trường trái ngược về cục diện của chiến trường, chẳng hạn như việc gửi quân đến Ucraina.
Chưa kể, khi lời mời Ucraina gia nhập NATO dự kiến sẽ lại là chủ đề tranh luận "nóng" trong năm kỷ niệm, điều này có nguy cơ sẽ làm lệch hướng chú ý khỏi những thách thức khác mang tính thời sự hơn. Chuyên gia nhận định NATO cần quan tâm đến việc tăng cường cam kết chi tiêu quốc phòng và sản xuất công nghiệp quân sự trên khắp Châu Âu, nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh rộng lớn hơn của Ucraina cũng như của liên minh.
NATO, nói rộng ra là phương Tây, còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc. Cách tiếp cận đa phương khác biệt và chiến lược xây dựng ảnh hưởng đặc biệt hiệu quả của Trung Quốc đối với các đối tác phi truyền thống có nguy cơ khiến ảnh hưởng của các nước thành viên NATO giảm sức hấp dẫn.
Hội nghị kỷ niệm 75 năm thành lập của NATO dự kiến tổ chức trong ngày 04/4/2024. Có thông tin cho rằng liên minh sẽ quyết định một tổng thư ký mới nhân dịp này. Nếu là sự thật, động thái có thể tác động lớn đến đường hướng của NATO trong những năm tới đây.