(HTV) - Báo cáo gần đây nhất do tổ chức giám sát chất lượng không khí IQAir của Thụy Sĩ công bố cho thấy các nước ở khu vực Nam Á đang là nơi báo động về tình trạng ô nhiễm không khí.
Trong số 100 thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới, hầu hết nằm tại Nam Á. Trong số này, chỉ riêng Ấn Độ đã có đến 83 thành phố.
Báo cáo của IQAir đã xem xét cụ thể về mức độ bụi mịn PM2.5, chất gây ô nhiễm nhỏ nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất, dựa trên số liệu từ 30.000 trạm quan trắc trên thế giới.
Khi hít vào, các hạt PM2.5 đi sâu vào mô phổi và có thể xâm nhập vào máu. Bụi mịn này đến từ các nguồn như đốt nhiên liệu hóa thạch, bão bụi và cháy rừng, và có liên quan đến bệnh hen suyễn, bệnh tim và phổi, ung thư và các bệnh về đường hô hấp khác, cũng như suy giảm nhận thức ở trẻ em.
Đáng nói, chỉ 9% trong số hơn 7.800 thành phố trên toàn cầu được ghi nhận có chất lượng không khí đáp ứng được tiêu chuẩn trên.
83 trong số các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới nằm ở Ấn Độ, và có nồng độ PM2.5 cao gấp 10 lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Begusarai, thành phố với nửa triệu dân nằm ở bang Bihar miền Bắc Ấn Độ, là nơi ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2023 với nồng độ PM2.5 trung bình là 118,9 microgam /m3, cao gấp 23 lần tiêu chuẩn 5 microgam /m3 của WHO.
Trong khi đó, thành phố New Delhi vẫn giữ vị trí thủ đô ô nhiễm nhất thế giới năm thứ tư liên tiếp. Trong suốt năm 2023, New Delhi luôn phải vật lộn với chất lượng không khí nghiêm trọng. Chỉ số chất lượng không khí tại một số khu vực của thành phố có lúc vượt quá 600, tức là rất nguy hại cho sức khỏe, trong khi mức an toàn chỉ từ 0 đến 50.
Người dân tập thể dục trên bãi cỏ gần Cổng Ấn Độ vào một buổi sáng cuối năm 2023 ở New Delhi, Ấn Độ. Nguồn ảnh: REUTERS
Không ảnh cho thấy các tòa nhà dân cư và sân vận động bị bao phủ trong sương mù ở New Delhi, Ấn Độ, vào cuối năm 2023. Nguồn ảnh: REUTERS
Các nước Châu Á đứng đầu bảng xếp hạng ô nhiễm không khí năm 2023.
Chẳng hạn như Bangladesh, có mức độ ô nhiễm không khí vượt quá tiêu chuẩn của WHO gần 16 lần, khiến nước này trở thành quốc gia có chất lượng không khí tồi tệ nhất trên toàn cầu. Pakistan và Ấn Độ theo sát phía sau, trong đó Ấn Độ chiếm 9 trong số 10 vị trí hàng đầu về các thành phố ô nhiễm nhất.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 96% dân số Ấn Độ đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nồng độ PM2.5 cao gấp 7 lần so với tiêu chuẩn của WHO. Còn ở nước láng giềng Pakistan là 93%. Chỉ riêng 2 nước này đã có 1,5 tỷ người đối mặt ô nhiễm không khí mức độ cao.
WHO cũng nhận định ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng". Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, bệnh nhân bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn. Khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.
Chất lượng không khí kém cũng có thể dẫn đến sinh non, thai chết lưu, chậm phát triển, chậm tăng trưởng ở trẻ em và thậm chí tử vong.
Người dân ở Nam Á trung bình mất khoảng 5 năm tuổi thọ do ô nhiễm không khí, với 2 triệu ca tử vong sớm hàng năm.
Không những là vấn đề về sức khỏe, ô nhiễm không khí còn gây tổn thất cho nền kinh tế, với con số ước tính hàng năm lên tới 10% tổng sản phẩm quốc nội GDP của các nước Nam Á.
Nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng ở Nam Á là hoạt động sản xuất công nghiệp và giao thông, nhưng ngoài ra cũng có những vấn đề chỉ có ở tiểu lục địa này.
Xu hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng, phát triển kinh tế cùng sự tăng trưởng dân số ở mức cao đã góp phần làm giảm chất lượng không khí ở Nam Á, đặc biệt là các đô thị.
Theo ước tính tại các thành phố Nam Á, mức độ ô nhiễm không khí dạng hạt hiện nay cao hơn 50% so với đầu thế kỷ này và đang phủ bóng lên những mối đe dọa khác đối với sức khỏe con người.
Công nghiệp hóa, đô thị hóa với mức độ tập trung cao đòi hỏi tiêu thụ nhiều điện và các nhiên liệu hóa thạch. Đây là nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm. Cũng như hầu hết các nước khác, các nguồn phát thải công nghiệp và khí thải xe hơi đóng góp chính gây ra ô nhiễm tại Ấn Độ, Pakistan hay Bangladesh.
Tuy nhiên, ở khu vực này còn có một nguồn phát thải lớn nữa là từ việc đốt các loại nhiên liệu rắn để nấu ăn, sưởi ấm, hỏa táng và đốt chất thải nông nghiệp.
Ví dụ, trong mùa đông năm 2023, khoảng 38% lượng ô nhiễm ở New Delhi (Ấn Độ) là do đốt rơm rạ sau thu hoạch. Việc đốt rơm rạ, dọn sạch ruộng đồng của nông dân ở các bang lân cận là Punjab và Haryana đã khiến không khí ở New Delhi bị ảnh hưởng nặng nề vì khói mù.
Việc gia tăng phương tiện giao thông tại các nước Nam Á cũng là một trong những tác nhân khiến chất lượng không khí đi xuống. Tại Ấn Độ và Pakistan, số lượng ô tô, xe máy tăng gấp 4 kể từ đầu những năm 2000. Thành phố New Delhi, thủ đô ô nhiễm nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp, có số lượng xe cộ cao, 472 phương tiện/1000 dân. Ước tính khoảng 8 triệu chiếc xe chạy trên đường mỗi ngày tại thành phố này trong năm 2022.
Số lượng xe cộ tăng cao góp phần đáng kể vào chất lượng không khí tồi tệ tại Nam Á. Nguồn ảnh: Internet
Chính phủ các quốc gia Nam Á đã triển khai nhiều biện pháp nhằm làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí.
Tại Ấn Độ, từ năm 2019 nhiều máy lọc không khí khổng lồ đã được lắp đặt tại các giao lộ đông đúc tại thủ đô New Delhi. Hơn 500 vòi phun nước, hơn 200 súng chống bụi đã được triển khai trên khắp thủ đô và các vùng lân cận để giảm ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, nhà chức trách New Delhi còn giảm việc sử dụng xe cá nhân thông qua việc phân loại biển số chẵn - lẻ. Kế hoạch này được thực hiện trong một số giai đoạn ô nhiễm lên đến đỉnh điểm, mà gần nhất là tuần lễ từ 13 - 20/11/2023.
Tại Bangladesh, bộ Môi trường nước này đã thực hiện các chương trình quy mô lớn, bao gồm phá dỡ hàng trăm lò gạch bất hợp pháp trên cả nước. Các công ty ở phía Nam và Bắc thủ đô Dhaka được đề nghị tưới nước trên đường phố trong mùa khô để giảm bớt bụi thô.
Tại Pakistan, năm ngoái thành phố Lahore đã sử dụng mưa nhân tạo để chống ô nhiễm không khí.
Bên cạnh đó, các nước cũng có những kế hoạch quản lý chất lượng không khí, lắp đặt thiết bị giám sát ô nhiễm và thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng các loại nhiên liệu sạch hơn.
Các nước Nam Á áp dụng nhiều biện pháp đối phó ô nhiễm không khí
Nhìn chung, các nước Nam Á đã thực hiện nhiều biện pháp làm giảm ô nhiễm không khí nhưng các nỗ lực vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt. Các chuyên gia cho rằng vấn đề nằm ở sự thiếu phối hợp trong nỗ lực kiểm soát ô nhiễm liên vùng giữa các địa phương trong nước và cả giữa các quốc gia.
Các nghiên cứu cho biết các hạt gây ô nhiễm có thể di chuyển hàng trăm kilomet nhờ gió, vượt qua biên giới quốc gia và tác động đến các nước khác. Ví dụ, khoảng 30% ô nhiễm tại các thành phố lớn nhất của Bangladesh bắt nguồn từ Ấn Độ. Chúng được các luồng gió di chuyển theo hướng Tây Bắc sang Đông Nam mang đi, tạo nên gánh nặng về ô nhiễm cho Bangladesh.
Thủ đô Dhaka của Bangladesh bị phủ một lớp bụi mờ. Tuy nhiên, 30% ô nhiễm tại các thành phố lớn nhất của nước này bắt nguồn từ Ấn Độ. Nguồn ảnh: Bloomberg
Do đó, giải pháp cho vấn đề ô nhiễm tại Nam Á nằm ở sự phối hợp giữa các địa phương trong cả nước và ở quy mô xuyên quốc gia. Tuy nhiên, với những căng thẳng hiện tại giữa Ấn Độ và Pakistan, rất khó để thảo luận về khả năng này, ít nhất là trong ngắn hạn.
Theo các chuyên gia môi trường, để giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm không khí, các nước Nam Á cần nhiều giải pháp tổng thể từ vĩ mô đến các hành động ở cơ sở, bên cạnh ý chí chính trị và phối hợp ở nhiều cấp độ khác nhau…
Ngoài ra, việc giám sát hạn chế ô nhiễm phải mở rộng sang các lĩnh vực mà cho đến nay vẫn còn ít được quan tâm như nông nghiệp và quản lý chất thải. Ví dụ, để hạn chế việc đốt gốc rạ sau thu hoạch, chính phủ có thể trợ cấp cho nông dân để họ mua được các loại máy thu hoạch tốt hơn. Ấn Độ đã bắt đầu đưa ra những ưu đãi như vậy, nhưng sự dịch chuyển vẫn còn hạn chế do chi phí mua các loại máy móc còn cao, trong khi người nông dân phải chờ đợi rất lâu nếu muốn thuê chúng.
Bất chấp nhiều giải pháp chống ô nhiễm không khí, cho đến nay cuộc chiến chống lại sát thủ thầm lặng này ở Nam Á vẫn còn rất nan giải. Một giải pháp hoàn hảo có vẻ như không tồn tại, mà cần nhiều giải pháp ở các mức độ và các đối tượng khác nhau. Ngoài ra, giải quyết ô nhiễm không khí cần gắn với chống biến đổi khí hậu, bởi cả hai vấn đề này đều có liên quan đến các loại khí ô nhiễm mà con người đang tạo ra.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9