Âm sắc xứ dừa

Kim Quyên 24/7/2022, 18:45

Nhiều năm nay, nghệ nhân Võ Văn Bá (xã Nhơn Thành, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre) đã tạo ra rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau từ cây dừa, như một cách để ông nuôi dưỡng tình yêu của mình đối với quê hương và loài cây đã gắn bó với người dân bao đời nay.

Nghệ nhân dân gian Việt Nam Võ Văn Bá (nghệ danh Sơn Bá), sinh năm 1942, tại xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống thực hành âm nhạc cổ truyền dân tộc và bản thân ông từng là nhạc công đờn cò, đờn tranh của Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh. 


Từ nhỏ, nghệ nhân Sơn Bá đã để tâm học hỏi và nghiên cứu âm nhạc truyền thống. Ông vừa được cha truyền lại kiến thức âm nhạc tài tử, vừa học qua lớp đàn anh đi trước trong Đoàn Văn công Giải phóng. Chính vì vậy, ông đã thành thục và diễn tấu được bài bản nhạc lễ qua nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Đặc biệt, năm 18 tuổi, qua các lần tiếp xúc với nghệ nhân chế tác đờn cò bằng chất liệu tre, rồi được lên TP.HCM học ở Trường Công nghệ điện tử và Vô tuyến Lê Văn Hương đã thôi thúc ông ấp ủ ý tưởng sáng tạo trong việc sử dụng nguyên liệu dừa để chế tác các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống, tài tử, cổ nhạc… 


Điều khiến ông Bá băn khoăn nhất chính là trước đó ở Bến Tre nói riêng và vùng Nam bộ nói chung, chưa có nghệ nhân nào chế tác các loại nhạc cụ truyền thống từ gỗ dừa. Bởi nhược điểm của gỗ dừa khi làm nhạc cụ thì âm thanh không đạt được độ rung, tiếng kêu nhỏ, không vang vọng như những loại gỗ khác. Để khắc phục nhược điểm âm thanh phát ra không lớn, ông Bá đã có sáng kiến chế thêm bộ phận lò xo và micro để có thể khuếch âm thanh lớn hơn, ngân dài hơn cho các loại nhạc cụ như đàn gáo, kìm, sến, bầu…


Đến năm 2012, bộ nhạc cụ dân tộc với gần 10 chủng loại cùng 27 nhạc cụ làm bằng gỗ dừa của ông đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận lập kỷ lục là bộ đàn độc đáo đầu tiên của Việt Nam được chế tác từ chất liệu cây dừa. Cho tới thời điểm hiện nay, đây là bộ nhạc cụ truyền thống dân tộc độc nhất vô nhị ở Việt Nam.


Theo ông Bá, chế tác một cây đàn từ gỗ dừa khó hơn nhiều so với các loại gỗ khác, bởi "thịt" của gỗ dừa thường rất nhiều xơ và bột, dễ vỡ nên trong quá trình làm phải rất cẩn trọng, tỉ mỉ, công phu, mất nhiều thời gian. Khi tạo dáng xong rồi phải dùng máy chà nhám làm cho gỗ thật mịn, bóng lên, nổi rõ những đường vân và có sắc đỏ au.


"Lúc nào chúng tôi cũng trăn trở làm sao cho dừa Bến Tre làm được nhiều sản phẩm để bà con có thêm thu nhập. Vì thế, tôi hy vọng kế hoạch xuất khẩu những nhạc cụ này sẽ giúp bà con nơi đây có thêm việc làm, thế hệ trẻ hiểu và không quên những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc" – nghệ nhân Sơn Bá bộc bạch.

Đón xem Tạp chí Văn nghệ lúc 8g30 sáng Chủ nhật hàng tuần trên HTV7.

Ý kiến của bạn: