An toàn số: Cuộc chiến không ngừng (Tập 1): Ma trận mã độc

VĂN KHÁNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 13/1/2025, 08:00

(HTV) - Mã độc đe dọa nghiêm trọng an toàn thông tin trong thời đại số. Phương thức phổ biến là lừa người dùng nhấp vào link lạ, cài đặt mã độc để đánh cắp thông tin.

Trong thời đại công nghệ số, mã độc đã trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an toàn thông tin của cá nhân và tổ chức. Một trong những chiêu thức phổ biến nhất là lừa người dùng nhấp vào các đường link lạ. Khi đó, mã độc sẽ được phát tán và cài đặt trên thiết bị, cho phép tin tặc kiểm soát hoặc đánh cắp thông tin quan trọng.

Hậu quả thường là nạn nhân bị mất toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng. Đáng chú ý, mã độc có thể ẩn trong các ứng dụng giả mạo như VNeID hay VssID, những ứng dụng mà nhiều người tin tưởng.

Cứ 05 người Việt Nam thì có 01 người từng gặp phải sự cố liên quan đến an ninh mạng

Một nạn nhân cho biết đã bị một đối tượng giả mạo Bảo hiểm Xã hội lừa nhấp vào đường link vssid.govne.vn. Giao diện hiện ra giống hệt trang web chính thức của Bảo hiểm Xã hội, yêu cầu cập nhật thông tin sinh trắc học. Sau khi quét sinh trắc học, toàn bộ tiền trong ứng dụng ngân hàng của nạn nhân đã bị rút sạch.

 Nhiều đối tượng đã mạo danh Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) lừa người dân nhấp vào đường link vssid.govne.vn

Theo thống kê, cứ 05 người Việt Nam thì có 01 người từng gặp phải sự cố liên quan đến an ninh mạng. Điều đáng lo ngại là nhiều nạn nhân không nhận ra rằng họ đang bị lừa khi tương tác với các trang web giả mạo hoặc nhận được các email, tin nhắn, cuộc gọi đáng ngờ.

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Đào tạo An ninh mạng Athena

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Đào tạo An ninh mạng Athena, cảnh báo rằng mã độc có thể xâm nhập vào thiết bị của nạn nhân và từ những thông tin đánh cắp được, tội phạm có thể tạo áp lực để tống tiền. Ông đã gặp những trường hợp nạn nhân bị tống tiền bằng những hình ảnh hoặc clip riêng tư bên trong smartphone.

Chuyên gia tội phạm có thể dùng thông tin riêng tư để tống tiền!

Vấn nạn mã độc không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn là mối lo ngại toàn cầu. Theo báo cáo của Cybersecurity Ventures, tổn thất do tội phạm mạng đã lên tới 08 nghìn tỷ USD vào năm 2023, tương đương hơn 250.000 USD mỗi giây. Dự báo đến năm 2025, con số này có thể tăng lên 10,5 nghìn tỷ USD.

Để đối phó với tình trạng này, nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp quyết liệt. Singapore đã giới thiệu ứng dụng ScamShield, cho phép người dùng kiểm tra và chặn các cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo.

Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cũng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ người dân. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng”. Chiến dịch này tập trung vào việc phổ biến kiến thức qua năm nhóm kỹ năng quan trọng: nhận thức, phát hiện, xử lý, phòng tránh và bảo vệ.

Có thể nhận diện lừa đảo trực tuyến bằng cách nào?

Cuộc chiến chống lại mã độc và tội phạm mạng là một cuộc chiến không ngừng nghỉ. Mỗi cá nhân, tổ chức và quốc gia đều cần nâng cao cảnh giác và trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ an toàn trong không gian số.

Mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trước các mối đe dọa trong không gian mạng

Chỉ khi mỗi người đều ý thức được tầm quan trọng của an toàn thông tin và chủ động phòng tránh, chúng ta mới có thể xây dựng được một môi trường mạng an toàn và lành mạnh cho tất cả mọi người.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: