GIẢI VÀNG - LIÊN HOAN TRUYỀN HÌNH TOÀN QUỐC LẦN THỨ 40

Án tử: Lật lại vụ án của Tả quân Lê Văn Duyệt

Lê Văn Duyệt - nhà yêu nước lỗi lạc và là một trong ba vị quan Tổng trấn thành Gia Định có uy tín, được nhân dân yêu kính. Công lao của ông khi là đại thần nhà Nguyễn là không thể chối cãi. Thế nhưng, có một vụ án mà ngàn đời sau vẫn nhắc mãi...

Tả quân Lê Văn Duyệt đã dùng quyền "tiền trảm hậu tấu" để xử Huỳnh Công Lý - Phó Tổng trấn Gia Định thành - người cậy quyền hà hiếp dân lành

Lê Văn Duyệt sinh năm 1763 tại làng Nhị Bình (thuộc tỉnh Định Tường). Ông là con trai cả trong một gia đình nông dân gồm 4 người con. Thế nhưng, tạo hóa trớ trêu lại không ưu ái cho ông. Tuy là người thấp bé, nhưng Lê Văn Duyệt lại có sức mạnh hơn người và có tài thao lược.

Năm 1780, Nguyễn Ánh trong khi chạy trốn khỏi phiến quân Tây Sơn và mắc kẹt tại Ba Giồng, đã gặp Lê Văn Duyệt. Nhanh chóng nhận ra người tài và có tinh thần yêu nước nồng nàn, Nguyễn Ánh đã cho Lê Văn Duyệt gia nhập đoàn tùy tùng.

Dưới thời vua Gia Long, Lê Văn Duyệt cầm quân đánh thắng nhiều trận lớn, nghiệp binh nhanh chóng thăng tiến cho tới chức chỉ huy Tả quân. Năm 1812, Lê Văn Duyệt được cử làm Tổng trấn thành Gia Định với nhiệm vụ giải quyết xung đột giữa Xiêm và Cao Miên, cả hai quốc gia này đều muốn vua Gia Long giữ vai trò làm trọng tài.

Năm 1819, ông được phái đi Kinh lược ở Bắc thành để dập tắt cuộc nổi dậy diễn ra tại Thanh Hóa và Nghệ An. Nhiệm vụ hoàn thành, Lê Văn Duyệt trở lại triều đình Huế và ở cạnh Gia Long cho đến khi nhà vua băng hà vào năm 1820.

Năm 1820, Lê Văn Duyệt được Vua Minh Mạng cử vào Gia Định làm tổng trấn lần thứ 2. Bằng sự nghiêm minh, liêm khiết và tài năng thu phục lòng người Lê Văn Duyệt tiếp tục công cuộc định an 6 tỉnh Nam Kỳ. Trong những năm tháng cuối đời ở Gia Định, dấu ấn to lớn nhất của quan Tổng trấn với nhân dân Gia Định chính là vụ án xử Huỳnh Công Lý, Phó Tổng trấn Gia Định thành. 

Huỳnh Công Lý ỷ thế cậy quyền hà hiếp dân lành và vơ vét tư riêng, dân tình ta thán. Sau khi điều tra sự việc, Lê Văn Duyệt dù rất trăn trở vẫn quyết định dùng quyền "tiền trảm hậu tấu" để xử. Chính vì sự quyết liệt này mà ông gây ra sự hiềm khích với triều đình. 

Chọn đề tài lịch sử để chuyển thể cải lương, biên tập Võ Tử Uyên đã chọn lớp trích đoạn cao trào và đòi hỏi diễn biến tâm lý tinh tế. Vở cải lương "Án tử" đã xuất sắc giành giải Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40 năm 2020 ở mục Chương trình sân khấu. 

Tạo hình Tả quân Lê Văn Duyệt do nghệ sĩ Điền Trung thủ vai trong vở cải lương "Án tử" (Ảnh: NVCC)

Nghệ sĩ Điền Trung - người thủ vai Tả quân Lê Văn Duyệt - chia sẻ: Ban đầu khi nhận lời mời từ biên tập Võ Tử Uyên, tôi có chút lưỡng lự và thiếu tự tin. Nhưng rồi, khi tìm hiểu hơn về nhân vật này, Điền Trung cảm thấy ở mình có tính cách rất gần với Tả quân Lê Văn Duyệt: nóng nảy, cương trực và quyết đoán. 

Điều tuyệt vời nhất là sau khi ghi hình xong vở "Án tử", Điền Trung hiểu thêm về nhân vật mình thủ vai - một vị quan thanh liêm yêu dân như con. Sự khiếm khuyết về bản thân (theo Sử sách) không phải là mà ông quá bận tâm, bởi trên vai ông luôn canh cánh việc gánh dân, gánh nước mới là điều quan trọng nhất.

Chứng kiến cảnh người dân lầm than về thói hách dịch, lạm quyền của Huỳnh Công Lý và tay sai, Tả quân Lê Văn Duyệt đã có những dự tính quan trọng (Ảnh chụp màn hình)

Nói về lớp diễn ấn tượng nhất trong vở "Án tử", nghệ sĩ Điền Trung cho biết: Tôi rất thích lớp diễn đấu tranh tâm lý giữa việc giết hay tha Huỳnh Công Lý. Ở đây, có sự đấu tranh và giằng xé nội tâm giữa một bên "hiếu nghĩa với dân" và một bên là "tiền trảm hậu tấu". Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, đó là điều ông tâm niệm và Tả quân đã nhanh chóng đưa ra quyết định

Tự nhận mình may mắn khi đảm nhận vai diễn "nặng ký" này và góp một phần vào thành công chung của vở cải lương "Án tử", nghệ sĩ Điền Trung gửi lời tri ân đến Đài Truyền hình TP.HCM, Ban Văn nghệ HTV, biên tập Võ Tử Uyên, ê-kíp thực hiện chương trình và cả những người bạn diễn tài năng.

Thanh Nhàn