Những chia sẻ của tác giả Trường Giang về quá trình thực hiện tác phẩm ý nghĩa "Hai nửa cuộc đời", giải Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2020.
Biên tập viên Lê Trường Giang
Ngày 15/7/2020 đánh dấu một sự kiện quan trọng của ngành y tế Việt Nam. Ca mổ tách rời cặp sinh đôi dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi được tiến hành với ê-kip hơn 100 y bác sĩ. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp đã mang lại cuộc đời mới cho hai cô bé sinh đôi không mau bị dính liền phần bụng, chậu. Có thể nói đây là ca phẫu thuật tách dính cực kỳ quan trọng, từ sau cuộc phẫu thuật của anh em Việt - Đức cách đây hơn 30 năm. Những cuộc đời mới từ đó cũng đã được "tái sinh" một cách diệu kỳ.
Cùng với nhiều cơ quan báo đài, HTV đã đồng hành với Song Nhi từ trước ca phẫu thuật đến khi hai em có những bước chập chững đầu tiên trong đời. Trong đó, Biên tập viên Lê Trường Giang của Trung tâm Tin tức là người đã gắn bó với hai cô bé trong suốt bốn tháng qua. Từ đó, phóng sự Hai nửa cuộc đời ra đời, mang đến một bức tranh sinh động và toàn diện về cuộc hành trình tuyệt vời của Song Nhi. Tác phẩm vinh dự đoạt giải Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2020 vừa được tổ chức. Sau đây là những tâm sự của tác giả Trường Giang về quá trình thực hiện tác phẩm ý nghĩa này:
Trúc Nhi - Diệu Nhi trước ca phẫu thuật của cuộc đời
PV: Xin chào BTV Trường Giang. Trước hết xin chúc mừng tác phẩm "Hai nửa cuộc đời" đoạt giải Vàng Liên hoan Truyền hình Toàn quốc 2020. Anh có thể chia sẻ đôi chút về quá trình thực hiện tác phẩm này không?
Trưa 14/7/2020, tôi nhận được thông tin về ca mổ tách dính song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi sẽ diễn ra vào hôm sau. Lúc này, tôi đang tổ chức sản xuất chương trình thời sự 20g trên kênh HTV9, nhưng vẫn thu xếp, tranh thủ cùng anh quay phim đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố để kịp ghi nhận hình ảnh trước ca mổ. Khi bước vào phòng bệnh và bắt gặp nụ cười trong trẻo, hồn nhiên của Song Nhi, tôi dặn lòng sẽ theo hai bé đến cùng. Vì vậy, tác phẩm miêu tả khá đầy đủ hành trình hơn bốn tháng của Song Nhi từ trước mổ đến nay.
Khó khăn nhất là thời điểm sau ca mổ, khi dịch COVID-19 quay trở lại và diễn biến phức tạp. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, theo yêu cầu của bệnh viện, chúng tôi không ghi nhận thời điểm hậu phẫu của hai bé. Đó là những khoảnh khắc rất ý nghĩa bởi lần đầu tiên, Trúc Nhi – Diệu Nhi được vui đùa với nhau trong hai cơ thể độc lập. Trong suốt một tháng không thể cập nhật hình ảnh Song Nhi, tôi chuyển sang tiếp cận các y bác sĩ và ba mẹ của Song Nhi. Tôi “chữa cháy” bằng những tư liệu xin được từ họ - những người duy nhất được tiếp cận hai bé trong một khoảng thời gian nhất định.
PV: Vậy còn những kỷ niệm của anh và ê-kip khi thực hiện những thước phim đầy tính thời sự về ca mổ được toàn dư luận quan tâm?
Có lẽ chưa một sự kiện, đề tài nào để lại trong tôi nhiều kỉ niệm đến thế. Ngày thực hiện ca mổ (15/7/2020), tôi và anh quay phim Trần Tú đã ở suốt trong phòng phẫu thuật 13 tiếng đồng hồ, Không một miếng cơm bỏ bụng. Vừa mệt vừa đói, nhưng ai cũng cảm thấy rất… hạnh phúc với nghề! Ca mổ vừa thành công, và HTV là cơ quan truyền hình duy nhất hôm ấy phát sóng trọn vẹn diễn biến ca mổ và độc quyền trao đổi ngắn với ba mẹ Song Nhi trên sóng truyền hình! Đó chính là phần thưởng cho những nỗ lực của anh em trong ê-kip thời sự chúng tôi.
Ê-kip HTV luôn đầy năng lượng trong quá trình tác nghiệp
Ngoài ra, tôi còn kỷ niệm đẹp với chị Thúy, mẹ của hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi. Chị Thúy là một người kiên cường, mạnh mẽ. Nhưng để tránh khỏi tổn thương khi bảo vệ cuộc sống bình yên cho hai con, chị rất hạn chế tiếp xúc với báo chí. Quá nhiều rào cản để tôi có thể khai thác sâu hơn người mẹ dũng cảm đã dám giữ lại con. Tôi chọn cách âm thầm theo dõi thông tin, tâm sự với chị những lúc cần thiết. Thay vì cách vồ vập để phỏng được vài ba câu, tôi chọn cách làm bạn với chị. Tôi hay gọi chị là “bà mẹ vĩ đại của năm 2020”.
Và sự chờ đợi lại tiếp tục phát huy giá trị của nó. Sau khi Song Nhi xuất viện, để tránh hai bé bị để ý, soi mói, chị không đồng ý cho bất kì cơ quan báo chí nào đến nhà riêng để tác nghiệp, trừ HTV. Lời cảm ơn nhiều nhất, tôi xin dành cho ba mẹ của Song Nhi, cho tập thể y bác sĩ của bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đặc biệt là bác sĩ Trương Quang Định, đã hỗ trợ tận tình để chúng tôi ghi lại hành trình tái sinh rất ý nghĩa của hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi.
PV: Điều gì còn đọng lại trong anh sau khi tác phẩm hoàn thành?
Song Nhi không phải là nhân vật duy nhất trong “Hai nửa cuộc đời”. Tác phẩm dài 13 phút nhưng truyền tải 4 câu chuyện về hai thế hệ có sự gắn kết rất đặc biệt: Giáo sư – Anh hùng lao động – Bác sĩ Trần Đông A và Tiến sĩ – Bác sĩ Trương Quang Định; anh Nguyễn Đức trong ca tách dính song sinh Việt – Đức 32 năm trước và hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi.
Giáo sư Đông A là trưởng kíp mổ ca Việt Đức, cũng chính là người thầy lớn của bác sĩ Trương Quang Định – trưởng kíp mổ Song Nhi. 32 năm và câu chuyện hai thế hệ thầy trò đã tiếp nối sự thành công cho nền y khoa Việt Nam, đặc biệt là phẫu thuật nhi. Đọng lại sau tác phẩm này là tinh thần y đức, lương y như từ mẫu được truyền nối nguyên vẹn sau ngần ấy năm.
Anh Nguyễn Đức sau ca mổ năm 1988 đã có một cuộc sống mới. Đồng hành cùng anh trong vài ngày ngắn ngủi đã giúp tôi thấm thía điều anh nói: “Ông trời không bao giờ bất công với mình. Nếu ông lấy đi của chúng ta thứ này, sẽ có những thứ khác tốt hơn chờ đợi”. Tôi đã cùng anh đến thăm gia đình Song Nhi. Và điều thành công của tác phẩm là ghi lại những lời động viên của anh gửi gắm đến ba mẹ Song Nhi, để họ thêm vững tin cho hành trình phía trước.
Khoảnh khắc đó, tôi biết rằng tác phẩm Hai nửa cuộc đời đã có thể kết thúc trọn vẹn. Nhưng hành trình của Song Nhi chưa dừng lại, vì còn nhiều cuộc phẫu thuật khác để tìm lại nguyên vẹn hình hài. Hành trình của tôi vì thế cũng sẽ tiếp tục. Từ lần gặp đầu tiên, tôi đã quyết tâm đồng hành cùng Song Nhi trong những năm tháng tiếp theo, để ghi lại khoảnh khắc Song Nhi đến trường, Song Nhi chạy nhảy vui đùa một cách bình thường như bao đứa trẻ khác…
Tác giả cùng anh Nguyễn Đức đến thăm gia đình Song Nhi
PV: Cảm xúc của anh khi tác phẩm đoạt giải Vàng?
Mùa hè năm 2012, khi là sinh viên thực tập tại HTV, tôi may mắn được theo một anh đồng nghiệp học nghề, khi anh thực hiện tác phẩm dự thi Liên hoan Truyền hình Toàn quốc cùng năm. Tác phẩm của anh đoạt giải cao năm đó. Dù với anh, có thể không là tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp, nhưng với tôi, đó là tác phẩm mà bản thân được học từ anh rất nhiều về kỹ năng, đạo đức với nghề truyền hình. Tôi khát khao được làm việc tại HTV và có tác phẩm dự thi như anh. Tám năm sau, ước mơ của tôi đã thành hiện thực. Giải Vàng lần này vì thế không chỉ khiến tôi tự hào, hạnh phúc, mà còn giúp tôi hoàn thành ước mơ từ lúc còn là sinh viên: đem về thành tích cho màu áo HTV.
Nhưng sau tất cả hạnh phúc, vinh quang, tôi vẫn ý thức về đặc thù của truyền hình, của thời sự: Cái mới của hôm nay sẽ là cái cũ của ngày mai. Ngành truyền hình đang đứng trước thách thức không nhỏ khi phải cạnh tranh gay gắt với nhiều loại hình báo chí khác. Sự chững lại hôm nay của tôi có thể trả giá bằng thất bại trong tương lai. Vì vậy, như biết bao đồng nghiệp mảng thời sự, tôi tiếp tục lao vào những mảng miếng đề tài khác. Khi là một phóng viên thời sự, bạn phải luôn luôn bước cùng dòng chủ lưu của cuộc sống đang diễn ra ngoài kia!
PV: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ đầy tâm huyết với nghề.
Đan Quỳnh