Phim tài liệu

Bài học lịch sử và con đường đi đến tương lai

Từ bài học lịch sử của Liên Xô, Việt Nam chúng ta đã rút ra được những kinh nghiệm cho riêng mình để không đi vào vết xe đổ ấy. Vững bước trên con đường đi đến tương lai.

Hai tập cuối cùng của bộ phim tài liệu Mùa đông 1991 do Media 21 và Đài Truyền hình TP HCM hợp tác sản xuất lên sóng tối 25/12 đã khép lại một hành trình lịch sử đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đau đáu suốt hàng chục năm qua về sự kiện được xem là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ XX" – Liên Xô tan rã khi ở đỉnh cao chính trị.

Liên Xô sụp đổ - thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ XX

Một đảng do Lênin sáng lập, từng lãnh đạo giai cấp công nhân Nga lật đổ ách thống trị của Sa hoàng Nga, xây dựng thành công nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên. Từng lãnh đạo nhân dân chống lại sự can thiệp vũ trang của 14 nước, bảo vệ thắng lợi thành quả cách mạng. Một đảng đã đánh bại phát xít Đức trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và cống hiến to lớn cho thắng lợi của thế giới trong chiến tranh thế giới thứ hai, giành được nhiều thành tựu rực rỡ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội… Vì sao lại mất địa vị cầm quyền sau hơn 70 năm? 


Từ một cường quốc, Liên Xô đã dần đi vào tăm tối vì những cải cách sai lầm

Đó là câu hỏi mà cho đến hôm nay vẫn còn mang ý nghĩa thời sự đối với những người cộng sản trên thế giới, song có thể liệt kê ra những nguyên nhân cơ bản như: Đảng Cộng sản Liên Xô đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng; Độc đoán, chuyên quyền, không chấp nhận những ý kiến khác với mình; coi thường tập thể, tự cho mọi ý kiến của mình là chân lý buộc mọi người phải tuân theo, coi những ai có ý kiến ngược lại là chống đối, thậm chí là thù địch, sẵn sàng đối xử với đồng chí, đồng đội như đối với kẻ thù.

Tệ quan liêu làm cho những người lãnh đạo các cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô xa rời thực tế, không có hiểu biết đúng đắn hiện trạng xã hội mà mình đang lãnh đạo, quản lý. Thờ ơ trước những nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Những suy thoái về đạo đức, lối sống của một số lãnh đạo cấp cao giữ vai trò chủ chốt, kéo bè kéo cánh đưa những người thân tín với mình, kể cả những người yếu về năng lực, kém về đạo đức, lối sống vào những vị trí lãnh đạo để làm vây cánh, cá biệt còn tha hoá, suy đồi về đạo đức, lối sống.


Những mâu thuẫn trong nội bộ đã khiến Đảng Cộng sản Liên Xô mục nát

Các biểu hiện trên không tồn tại biệt lập, mà luôn song hành, có quan hệ với nhau, có lúc cái này làm tiền đề, điều kiện cho cái kia tồn tại và phát triển. Những biểu hiện thoái hoá nói trên, không bỗng nhiên xuất hiện, mà có một quá trình từ chớm nở như một ung nhọt nhỏ rồi phát triển qua nhiều giai đoạn. Những bệnh tật này lặng lẽ tích dồn liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm làm Đảng mất sức chiến đấu, thiếu nhạy bén, không đưa ra được đường lối, quyết sách đúng đắn, khả thi.


Những đường lối chính trị sai lầm khiến Liên Xô đánh mất vị thế

Trong giai đoạn ấy, chính trị Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi những diễn biến xảy ra ở Liên Xô. Những bất đồng quan điểm về việc đổi mới dần nảy sinh, mâu thuẫn trong nội bộ manh nha xuất hiện, các đối tượng thù địch trong và ngoài nước đẩy mạnh việc chống phá Đảng dưới nhiều hình thức… đặt Đảng ta vào một thử thách mới đầy cam go trong công cuộc đổi mới đất nước.

Thế nhưng, bài học từ những sai lầm của Liên Xô đã được những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sáng suốt nhìn nhận và cải cách theo phương hướng khoa học, thực tế, không xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội, kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa Đảng. Thừa nhận cơ chế thị trường và các thành phần kinh tế cạnh tranh do nhà nước nắm quyền chủ đạo; đa phương hoá quan hệ. 


Những tác động từ sự kiện Liên Xô không làm Việt Nam gục ngã

Công cuộc đổi mới đất nước ta đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt, nâng cao uy tín và địa vị Việt Nam trên trường quốc tế. Trong khi Liên Xô cải tổ đã làm xáo động chính trị, kinh tế sụp đổ, đời sống nhân dân khó khăn, các thế lực phản động phá hoại thì sự thất bại của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu vẫn không làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


Từ bài học lịch sử, chúng ta tiến những bước vững chắc trên con đường đến tương lai

Một bài học lịch sử trường tồn khi đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị mà thông qua những thước phim quý báu ấy, chúng ta càng thấy rõ hơn sự nguy hiểm của tình trạng suy thoái trong cán bộ, đảng viên, cũng như vai trò, ý nghĩa quan trọng của cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ở nước ta hiện nay, để vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Kim Quyên