Bản hùng ca mùa xuân: Chân trần - Chí thép

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 là bản anh hùng ca thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Thời gian dù lùi xa nhưng âm hưởng của sự kiện lịch sử này vẫn còn vang mãi. Nhân kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Đài Truyền hình thực hiện cầu truyền hình Bản hùng ca mùa xuân: Chân Trần – Chí Thép, truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9, từ 18g30 ngày 21/1/2018.

Cầu Truyền hình : "Bản hình ca mùa xuân: Chân trần  - Chí thép", tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất (Ảnh: Minh Thanh: PNO)

Cách đây tròn nửa thế kỷ, vào thời khắc giao thừa Tết Mậu Thân 1968, trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngân vang những vần thơ chúc Tết hào sảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: 

Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.

Đó là lời hiệu triệu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta trên khắp miền Nam, trọng tâm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Đây là cuộc tổng tiến công đầy táo bạo, bất ngờ, đánh thẳng vào sào huyệt của kẻ thù, thể hiện sâu sắc tư tưởng chiến lược tiến công, nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam, là biểu hiện tập trung sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Bản hùng ca mùa xuân: Chân Trần – Chí Thép thêm một lần khắc họa rõ nét tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong cuộc quyết chiến lịch sử này thông qua những hình ảnh chân thực của cuộc chiến, qua góc nhìn của những người trong cuộc và ý kiến của các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, khách mời tham gia chương trình. Chỉ với Chân trần và Chí thép, chúng ta đã làm nên một Bản anh hùng ca bất diệt! Cầu truyền hình trực tiếp đặc biệt này kết nối giữa 3 địa danh lịch sử trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, gắn liền với sự kiện Mùa xuân Mậu Thân 1968: Di tích Dinh Độc Lập - nay là Hội trường Thống Nhất, Khu tưởng niệm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh và Khu bia tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

 Trong cuốn sách “Chân trần – Chí thép”, xuất bản tại Mỹ tháng 10/2010, Trung tá Thủy quân lục chiến James G.Zumwalt - con trai Đô đốc Elmo R. Zumwalt, Tư lệnh hải quân Mỹ tại Việt Nam những năm 1968-1970 và sau này là Tham mưu trưởng hải quân Mỹ - đã nhìn nhận: "Trong Chiến tranh Việt Nam, người Mỹ dựa vào sức mạnh công nghệ với vũ khí vượt trội; người Việt Nam phải dựa vào những thứ khác. Họ quay về truyền thống của mình - đó là truyền thống chống ngoại xâm có từ nghìn đời, khi đất nước liên tục bị xâm lăng... Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại nhất, một "chí thép", giúp họ thực hiện được điều tưởng như không thể. Để cuối cùng, "chí thép" đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới".

 

Phần 1: CHÂN TRẦN

Trong một đoạn phim tư liệu giới thiệu cục diện chiến trường miền Nam những năm cuối thập niên 1970, các nhân chứng lịch sử nguyên là lãnh đạo Đảng, quân đội, cán bộ tham mưu Miền và khu ủy Sài Gòn – Gia Định đã phân tích rõ những thời cơ, điều kiện cần thiết để Đảng ta quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, từ giữa năm 1965, Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và mở rộng đánh phá miền Bắc. Mặc dù huy động tới hơn 1 triệu quân, gồm quân Mỹ, quân ngụy và quân chư hầu, chủ động mở hai cuộc phản công chiến lược trên khắp chiến trường miền Nam vào các mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, nhưng quân và dân ta đã anh dũng đấu tranh, làm kẻ địch bị thất bại nặng nề và buộc phải chuyển sang thế bị động, phòng ngự về chiến lược. Đến cuối năm 1967, cách mạng miền Nam có bước phát triển mạnh mẽ cả về thế và lực, tạo cục diện chiến lược có lợi cho ta.

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình trong nước và quốc tế, Đảng ta đã quyết định: “... động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất,... để giành thắng lợi quyết định”, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công của lực lượng vũ trang ba thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và nổi dậy của lực lượng quần chúng; kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; lấy đòn tiến công quân sự làm động lực để quần chúng nổi dậy và đưa chiến trường vào tận sào huyệt của kẻ thù.

Đoàn văn nghệ sĩ và các phóng viên thăm căn hầm trú ần và làm việc của đồng chí Trần Bạch Đằng tại Nhà truyền thống cách mạng người Hoa số 91 Phạm Văn Chí, quận 6, TP.HCM

Trong một phóng sự tư liệu, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia định 1959-1967, cho biết sự chuẩn bị của Khu ủy cho chiến dịch này, trong đó, yếu tố “bí mật”, “bất ngờ” được đặt lên hàng đầu. Nhiều câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử, như: cô Bùi Trọng Lộc (nguyên cán bộ dân vận của đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định), bà Võ Thị Nga (nguyên cán bộ tuyên truyền đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn), ông Đỗ Văn Căn, anh Trần Kiến Xương (người có công với cách mạng)..., đã nêu bật khí thế sục sôi, tinh thần quả cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Sài Gòn – Gia Định trước khi bước vào chiến dịch lịch sử đặc biệt này. 

Ngay giữa lòng Sài Gòn, trung tâm đầu não, sào huyệt cuối cùng của kẻ thù, Đảng ta chủ trương xây dựng một loại hình căn cứ đặc biệt, cắm sâu trong lòng địch, là hậu phương nhưng đồng thời cũng là trận tuyến, nơi các chiến sĩ cách mạng sống và chiến đấu, đó là các "căn cứ lõm". Những địa danh: Quận Tư, quận Tám, Gò Vấp, Bà Chiểu, Bàn Cờ, Bảy Hiền, Hàng Xanh, Cầu Bông, Xóm Chùa, Tân Định... và nhiều nơi khác, các chiến sĩ của ta đã nhận được bao tấm lòng và sự chở che của nhân dân. Mỗi căn nhà, xóm ấp trở thành nơi đứng chân và nơi chiến đấu của các lực lượng kháng chiến. Các "căn cứ lõm" là minh chứng cho tấm lòng của nhân dân đối với cách mạng, cho sự bất khuất kiên cường của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng, đây chính là những "căn cứ lòng dân" - nơi ẩn chứa "sức mạnh Việt Nam". 

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đà ở xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, TP.HCM kể về sự hi sinh của người con gái trong "Đêm trắng Vĩnh Lộc"

Những căn hầm nuôi cán bộ, hầm chứa vũ khí có khi đặt ngay dưới giường ngủ, trong tủ quần áo, âm thầm dung chứa những hy vọng hòa bình, thống nhất, đổi thay, và cũng âm thầm chứng kiến cuộc đấu tranh sinh tử từng giây, từng phút trong mỗi nụ cười, lời nói, cử chỉ của các bà má tưởng như bình thản phía trên. Một số hầm bị phát hiện sau Mậu Thân 1968 nhưng đa số vẫn an toàn cho đến tận ngày hòa bình, trở thành những di tích, những địa chỉ đỏ chứng minh "tầm vóc cách mạng" của người dân thành phố. 

Sài Gòn thời điểm trước Mậu Thân 1968 đã trở thành một chiến trường tấn công địch trên tất cả các mặt trận: chính trị, vũ trang, binh vận, điều đó mang một ý nghĩa quyết định trên toàn Miền Nam. Điều này được thể hiện khá đậm nét thông qua các thước phim tư liệu, các phóng sự hiện trường và những câu chuyện kể của các nhân chứng tham gia phần đầu chương trình Bản hùng ca mùa xuân: Chân Trần – Chí Thép.

Phần 2: CHÍ THÉP

Đêm 30 rạng ngày 31/1/1968, đúng vào giao thừa Tết Mậu Thân, quân và dân ta đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Ở Sài Gòn – Gia Định, đặc công, biệt động tiến công đồng loạt các cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy như: Tòa đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha cảnh sát, Đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất… Các lực lượng vũ trang trên toàn miền đồng loạt tiến công nhiều sở chỉ huy quân đoàn, sư đoàn, tiểu khu, chi khu quân sự ngụy; 45 sân bay, nhiều tổng kho, bến tàu, căn cứ hải quân… Nhân dân nhiều vùng nông thôn và thành thị nổi dậy diệt ác, trừ gian, giải tán dân vệ, phá vỡ hàng loạt “ấp chiến lược” giành quyền làm chủ. 

Có mặt giao lưu tại chương trình và qua các phóng sự tư liệu, ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) - nguyên chiến sĩ Đội 5, Biệt động Sài Gòn-Gia Định tham gia trận đánh Dinh Độc Lập và Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Lê Văn Liên - Nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng An ninh vũ trang T4 Sài Gòn-Gia Định 1968 đã kể về sự gan dạ, mưu trí, đặc biệt là lòng dũng cảm, ý chí kiên cường của quân và dân ta cũng như lực lượng An ninh T4 trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Các chiến sĩ biệt động đã làm nên chiến công oanh liệt, anh dũng chiến đấu, chiếm lĩnh và phá hủy Đài phát thanh, gây hoang mang tột độ cho cả bộ máy chính quyền của chế độ Sài Gòn.

 Cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn Lê Thanh Vân (Ba Vân) giới thiệu các loại vũ khí bí mật và những trận đánh "xuất quỷ nhập thần" của lực lượng biệt động trong sự kiện Mậu Thân 1968

Cùng thời điểm đó, Tòa Đại sứ Mỹ - biểu tượng bất khả xâm phạm của chiến tranh xâm lược Việt Nam - cũng bị các chiến sĩ biệt động tấn công và chiếm giữ. Và ngay cả Dinh Độc Lập - trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn - đúng ngày mùng 2 Tết Mậu Thân 1968 đã rung chuyển bởi tiếng súng, rung chuyển bởi lòng gan dạ, quả cảm của những chiến sĩ biệt động anh hùng. Các trận đánh vào những mục tiêu trọng yếu của đối phương tại Sài Gòn của lực lượng An ninh T4 đã làm rung động xã hội Mỹ, làm rung chuyển toàn cầu. Nhân dân Mỹ bàng hoàng, khuynh hướng muốn chấm dứt chiến tranh trở thành áp đảo.

  Xen giữa các thước phim tư liệu về sự kiện Mậu Thân 1968 và các màn giao lưu, trao đổi chân thực, cảm động của các nhân chứng lịch sử và khách mời, Bản hùng ca mùa xuân: Chân Trần – Chí Thép còn là đêm nghệ thuật chất lượng cao, được dàn dựng công phu. Các màn giao lưu khách mời được sắp xếp uyển chuyển giữa các vấn đề chính luận và các câu chuyện đời thường làm cho sự kiện được kể vừa mang tính sử thi hùng tráng, vừa đậm chất lạc quan cách mạng của những người chiến sĩ đang từng ngày đối mặt với cái chết. Các ca khúc chọn lọc, đi cùng năm tháng được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện cũng đã khơi gợi lại không khí lịch sử suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, bằng âm nhạc, bằng tình yêu, đã nói thay chúng ta tình cảm biết ơn lịch sử đấu tranh nhiều hy sinh mất mát nhưng vinh quang và tự hào… đem đến một không gian nghệ thuật hấp dẫn, đầy ấn tượng.

 

Ở một mặt trận khác, trong những ngày xuân Mậu Thân rực lửa 50 năm trước,  Bình Chánh - vùng ven đô Sài Gòn đã chứng kiến bao bước chân của những chàng trai, cô gái dân công hỏa tuyến ngược xuôi tải đạn, cáng thương, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù...  Trong chiến dịch này, 32 dân công hỏa tuyến, gồm 25 nữ và 7 nam, là những người con Vĩnh Lộc đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất quê hương. Họ là "những bông hoa trên tuyến lửa" của mảnh đất Vĩnh Lộc anh hùng. Bà Hà Thị Chiểu và bà Phạm Thị Tám - cựu dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc, những nhân chứng lịch sử có mặt trong chương trình hôm nay thêm một lần giúp chúng ta sống lại những năm tháng hào hùng 50 năm về trước, gợi lại hình ảnh những người mẹ, người chị, không quản hy sinh, anh dũng băng qua vòng vây, lửa đạn để tiếp tế, cứu thương cho bộ đội. 

Đã 50 năm trôi qua nhưng những ký ức về cuộc chiến vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí những người cựu chiến binh một thời vào sinh ra tử. Câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Văn Nắng và Trương Thành Lũy – những người chiến sĩ Gò Môn năm xưa là câu chuyện về một sự kiện bi hùng đã xảy ra trong Chiến dịch Mậu Thân 1968. Đó là sự kiện sáng Mùng 5 Tết Mậu Thân, do có chỉ điểm, máy bay địch đã ném bom làm cho gần 300 người, chủ yếu là thương binh và quân y đội phẩu dã chiến đóng quân tại ấp 7, xã Bình Mỹ, Củ Chi hy sinh. 

Họ, cùng với bao tấm gương cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định trong những ngày xuân Mậu Thân 1968 đã góp phần tô thắm thêm màu cờ vẻ vang của Tổ quốc, tô đậm thêm trang sử đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Thành ủy, UBND TP.Hồ Chí Minh đã có chủ trương xây dựng tại Bình Mỹ một nhà bia để ghi nhớ bao hy sinh của những người đi trước. Và hôm nay công trình đầy ý nghĩa này đã hoàn thành giai đoạn 1.

Phần 3: KHÁT VỌNG HÒA BÌNH 

Trong suốt tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, dân tộc Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm để giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trải qua những cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, chịu đựng biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, nhân dân ta nhận rõ giá trị hòa bình, độc lập, tự do. Bởi vậy, thiết tha, yêu chuộng hòa bình là một trong những phẩm chất nổi bật và cao đẹp, là một nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử" do Bộ Quốc phòng cùng Ban Tuyên giáo trung ương và Thành ủy TP.HCM đồng tổ chức, sáng 29/12/2017. 

Trong phần 3 của chương trình, thông qua những thước phim tư liệu về hình ảnh và lời nói của các Tổng thống Mỹ gây chiến tại Việt Nam cũng như các Tổng thống Mỹ đã đến thăm Việt Nam sau bình thường hóa quan hệ hai nước và qua trao đổi với một số khách mời là tướng lĩnh, nhà nghiên cứu lịch sử, thế hệ trẻ hôm nay càng hiểu rõ những bài học về "lòng dân", về "nghệ thuật chiến tranh nhân dân", "thế trận lòng dân" cùng khát vọng hòa bình của dân tộc ta, qua đó ý thức hơn về trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Văn Học (Ảnh: CTV)